Thanh Hóa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh Thalassemia

Thứ Năm, 09/03/2023 10:14 AM (GMT+7)

Thalassemia là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh phân bố khắp toàn cầu, tỷ lệ cao ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương trong đó Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và mang gen bệnh cao.

Thalassemia hay tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền. Nó không chỉ gây ra nỗi đau dai dẳng cho bệnh nhân, trở thành gánh nặng kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, suy giảm sự phát triển giống nòi. Căn bệnh này tuy khó chữa song có thể phòng tránh được khi người dân hiểu biết đầy đủ về bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organisation), bệnh huyết sắc tố (HST) ảnh hưởng tới 71% số nước trên thế giới, khoảng 7% phụ nữ có thai mang gen bệnh huyết sắc tố. Có khoảng 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị mang gen bệnh. Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng. Bệnh tập trung nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, địa hình đa dạng với đầy đủ các vùng sinh thái đồng bằng, ven biển và trung du miền núi; là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 cả nước. Qua nghiên cứu “Khảo sát tình hình mang gen Thalssemia và bệnh huyết sắc tố ở một số dân tộc ít người ở miền núi phía bắc Việt Nam” của viện Huyết học - Truyền máu Trung ương năm 2017, tại Thanh Hóa nghiên cứu được tiến hành với 817 người tham gia thuộc dân tộc Mường và dân tộc Thái, cho kết quả tỷ lệ mang gen đột biến Thalssemia và bệnh huyết sắc tố cao nhất ở người Mường (41,4%), sau đó đến người Thái (38%).

BSCKII, Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu, cho biết người mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải truyền máu suốt cả cuộc đời. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp như: truyền máu, thải sắt, cắt lách, ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy). Căn bệnh không chỉ làm héo mòn tinh thần, suy giảm kinh tế, sự tiếp cận văn hóa, giáo dục của người bệnh do thời gian điều trị bệnh kéo dài gây tốn kém, mệt mỏi, mà nó còn là gánh nặng của ngành y tế và toàn xã hội.

Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng.

Mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia mức độ nặng.

Để phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh, các bác sĩ khuyến cáo cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên, người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh. Cần tầm soát và phòng tránh bệnh từ sớm với các biện pháp xét nghiệm, tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, đặc biệt các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên được tư vấn và chẩn đoán tiền hôn nhân. 

Ngoài ra có thể phòng ngừa bằng các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời thai kỳ. Đây là biện pháp hiệu quả và chi phí thấp. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen thì thai nhi có 25% nguy cơ bị mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biến gen. Qua đó giúp phát hiện bệnh sớm và đưa vào quản lý những trường hợp mang bệnh, đề phòng cho những thế hệ sau.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tan máu bẩm sinh. Vì vậy, các cấp, ban, ngành và toàn thể xã hội cần chung tay triển khai đồng bộ các giải pháp như, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình có con trong độ tuổi học sinh phổ thông tự nguyện tham gia sàng lọc bệnh Thalassemia.

Song song với đó cần đưa thông tin về Thalassemia vào nội dung giảng dạy cho học sinh, sinh viên; luật hóa việc sàng lọc tiền hôn nhân, trước sinh để nâng cao chất lượng giống nòi; đưa bệnh Thalassemia vào chương trình sàng lọc cho các cặp đôi trước kết hôn... Từ đó sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và ngăn chặn, từng bước xóa bỏ căn bệnh Thalassemia.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...