Thói quen ăn uống thiếu vệ sinh hay stress có thể là nguyên nhân gây hiếm muộn

Thứ Hai, 21/12/2020 08:55 PM (GMT+7)

Tình trạng vô sinh hiếm muộn diễn ra ngày càng nhiều ở các cặp vợ chồng trong xã hội hiện đại. Nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn đến từ cả nam và nữ giới với những nguyên nhân bất ngờ.

10,5% phụ nữ bị vô sinh thứ phát

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, không sử dụng biện pháp tránh thai, sinh hoạt tình dục bình thường mà sau một năm không có thai thì được coi là vô sinh hiếm muộn. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian này giảm xuống còn sáu tháng.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2010 cho thấy, toàn thế giới có khoảng 1,9% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị vô sinh nguyên phát (chưa có con lần nào) và 10,5% phụ nữ bị vô sinh thứ phát (đã từng có con nhưng khó có lại ở những lần sau).

Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, tương đương với hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề về vô sinh hiếm muộn.

 Vô sinh hiếm muộn đang ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Vô sinh hiếm muộn đang ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Chị N.T.V (quê Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị kết hôn năm 2011, khi ấy chị 24 tuổi còn chồng 26 tuổi. Cứ ngỡ rằng vợ chồng trẻ sau khi kết hôn sẽ nhanh chóng có những đứa con xinh xắn, đáng yêu nhưng mong ước bình dị ấy lại trở nên quá xa vời với vợ chồng chị.

Mặc dù đã áp dụng nhiều phương pháp chữa vô sinh, hao tổn về sức khỏe và tốn kém về vật chất nhưng niềm vui có một đứa con để ẵm bồng vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng chị. “Dù chỉ còn một tia hi vọng, vợ chồng tôi cũng sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng. Tôi tin, ông trời sẽ không phụ lòng người”, chị V. tâm sự.

Tương tự, chị L.T.T.N (34 tuổi, quê Bắc Ninh) lại mong có cơ hội được làm mẹ một lần nữa. Chị N. cho biết, cách đây bốn năm, chị đã từng mang thai một cậu con trai kháu khỉnh.

Thế nhưng, niềm vui được làm mẹ đến với chị quá ngắn ngủi. Thai nhi 24 tuần tuổi đã không còn sau lần chị bị tai nạn giao thông. Từ đó đến nay, niềm mong ước có thêm một đứa con, được con gọi câu “mẹ ơi” đối với chị ngày càng mong manh…

BSCKI Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết: Tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng và đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân là do, hiện nay, phụ nữ thường có tư tưởng kết hôn muộn hơn so với những năm về trước. Tuy nhiên, tỷ lệ có thai lại phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của người phụ nữ. Do đó, nếu càng lớn tuổi, khả năng mang thai càng giảm đi.

Bên cạnh đó, ở những người trẻ, tình trạng nạo phá thai, quan hệ tình dục không an toàn, ăn uống thiếu vệ sinh, căng thẳng, lo lắng trong công việc, áp lực cuộc sống cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn đang tăng cao như hiện nay.

 Quan hệ tình dục an toàn và tránh thai hợp lý để dự phòng vô sinh hiếm muộn. Ảnh: TL

Quan hệ tình dục an toàn và tránh thai hợp lý để dự phòng vô sinh hiếm muộn. Ảnh: TL

Một số yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ bị vô sinh, cụ thể như:

- Phụ nữ có tiền sử bị lưu sảy thai, hút thai dẫn đến viêm nhiễm, dính buồng tử cung.

- Phụ nữ chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc lượng máu trong mỗi kỳ kinh ra quá ít hay quá nhiều, đau bụng dữ dội khi hành kinh.

- Bị viêm nhiễm phụ khoa dai dẳng, tái phát nhiều lần không khỏi

- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, lậu, giang mai…

- Quan hệ tình dục bừa bãi; lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá nhiều

- Làm việc căng thẳng, stress thường xuyên, thức khuya, mất ngủ triền miên.

- Môi trường làm việc chứa nhiều hóa chất độc hại; tiếp xúc với tia xạ, sóng điện từ trong một thời gian dài

- Sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; ăn phải các loại thực phẩm còn tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…

Phương pháp phòng ngừa vô sinh

- Quan hệ tình dục lành mạnh: Sử dụng bao cao su để phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tránh quan hệ tình dục với nhiều người.

- Tránh nạo, hút thai nhiều lần: Việc nạo hút thai nhiều lần sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới dạ con, buồng trứng gây nguy cơ vô sinh cao.

- Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ hàng ngày để tránh viêm nhiễm phụ khoa

- Lựa chọn và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình

- Tránh stress, lo âu, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe

- Tăng cường đi bộ, tập thể dục để tinh thần minh mẫn, lạc quan, tác động tích cực đến việc tiết các hormone sinh sản

- Hạn chế các thói quen có hại như thức khuya, uống bia rượu hay ăn đồ ăn nhanh quá nhiều.

- Bổ sung vitamin và các loại khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cũng như khả năng hoạt động của buồng trứng để tăng khả năng sinh sản.

- Kiểm tra, thăm khám định kỳ để phát hiện ra sớm những bệnh dễ gây vô sinh như tắc vòi trứng, viêm nhiễm đường sinh dục, ung thư cổ tử cung...

Dung Nguyễn

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...