Thuốc lá một trong những tác nhân gây ung thư vú

Thứ Sáu, 17/07/2020 01:25 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, ung thư vú chủ yếu do yếu tố ngoại sinh, chiếm tới 80%, trong đó các yếu tố hít phải khói thuốc, lạm dụng bia rượu, chế độ ăn uống nhiều năng lượng, ít rau xanh, trái cây tươi và các chất xơ, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.

Qua đó, việc hút thuốc hoặc hút thuốc lá thụ động trong thời gian dài làm tăng trung bình 27% nguy cơ mắc ung thư vú; thậm chí trong một vài nghiên cứu, nguy cơ này lên tới 80-90%.

Không chỉ thế, việc hút thuốc và hít phải khói thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khi điều trị ung thư vú như tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, khó phục hồi sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng nên dễ dàng suy yếu sau các đợt xạ trị, hóa trị…

ungthuvu

Chị N.N.H. (TP Vĩnh Long) “bủn rủn tay chân” khi bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ gọi chị và chồng vào thông báo chị đã bị ung thư vú giai đoạn 2. Các khối u đã bắt đầu phát triển.

Chị H. tâm sự: “Gần đây chị thấy ở đầu ngực trái hay có dịch vàng. Chị không biết là bị làm sao vì ngực không thấy khối u. Đầu ti hơi thụt nên chị đi bệnh viện kiểm tra, chụp CT thì bác sĩ nói bị ung thư vú”.

“Vào bác sĩ tư vấn phác đồ để điều trị, bác sĩ hỏi chồng chị có nghiện thuốc không thì 2 vợ chồng thêm sốc khi bác sĩ nói khói thuốc lá cũng là một trong các tác nhân khiến chị bị ung thư vú. Hơn 15 năm sống chung, anh vô tư hút suốt kể cả trong nhà, trong phòng.

Chị thì cũng đã quen với khói thuốc của chồng nên cũng không phàn nàn gì. Giờ mới biết đó là khói độc thì cũng đã… muộn rồi”- chị H. rơm rớm nước mắt.

Chị N.T.N.Q. (huyện Kế Sách- Sóc Trăng) phải phẫu thuật và cắt bỏ một bên, sau đó trải qua nhiều lần truyền hóa chất vì mắc ung thư vú. Theo chia sẻ của chị, từ trước đến nay sức khỏe chị bình thường, trước khi phát hiện bệnh, chị thấy tiết dịch ở đầu vú nên đến bệnh viện kiểm tra.

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chị Q. bị ung thư vú giai đoạn 2B. Khi biết mình mắc bệnh, chị vô cùng sốc và ngỡ ngàng vì gia đình không có ai trước đó từng mắc bệnh, chị quanh năm chỉ làm ruộng ở quê ít tiếp xúc hóa chất...

Tuy nhiên, khi bác sĩ phân tích chị Q. mới “giật mình” bởi chính thói quen hàng ngày của chồng là nguyên nhân khiến chị tăng nguy cơ mắc bệnh.

Theo đó, chồng chị có thâm niên hút thuốc gần 20 năm, từ khi lấy nhau, chị luôn phải ngửi và hít mùi thuốc lá, lâu dần thành quen nên chị không bao giờ phàn nàn và chấp nhận sống chung với khói thuốc.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Kha- Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- cho rằng, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú là 95% ở giai đoạn sớm nhưng thực tế, tại Việt Nam có đến 50% số ca bệnh đến cơ sở y tế khám ở giai đoạn muộn nên khả năng chữa khỏi không còn cao.

Để phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư vú, phụ nữ ngoài 40 tuổi cần phải tầm soát ung thư vú định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần. Ngoài ra, hàng tháng nên tự kiểm tra vú của mình để phát hiện những bất thường, từ đó đi khám sớm để dự phòng.

Trong cuộc sống hàng ngày, nên có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đặc biệt, phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 và tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc lá.

Theo Báo Vĩnh Long

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....