Tiêm phòng trước khi mang thai: Những điều cần biết

Thứ Năm, 23/11/2023 06:39 AM (GMT+7)

Để chuẩn bị cho sự ra đời của những đứa con, phụ nữ luôn đứng trước những lo lắng. Một trong số đó là việc tiêm phòng trước khi mang thai như thế nào để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

 Tiêm phòng trước và trong khi mang thai là hoạt động quan trọng giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, trong khi một số vaccine như vaccine chủng ngừa cúm hoặc vaccine Tdap chủng ngừa uốn ván – bạch hầu – ho gà vẫn có thể được tiêm khi mang thai thì có một số vaccine quan trọng khác bắt buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai để hạn chế rủi ro cho thai nhi.

1. Vì sao cần tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai?Khi mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Do đó, tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cho mẹ và bé cưng trong hành trình mang thai 9 tháng. Nếu người mẹ không may bị mắc một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai thì khả năng ảnh hưởng xấu đến bào thai rất cao. Thậm chí, có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.

Hơn nữa, tiêm vắc xin cho bà bầu cũng là một cách để bảo vệ và hình thành hệ miễn dịch cho bé khi còn trong bụng mẹ. Nhờ vậy, trẻ sau khi chào đời có được miễn dịch thụ động từ mẹ. Từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh khi sức đề kháng còn non nớt.

Cuối cùng, nếu tuân thủ đúng các quy định về an toàn tiêm chủng, các vắc xin tiêm trước khi mang thai rất an toàn, không ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé. Trên thực tế, thực hiện dịch vụ tiêm vắc xin cho mẹ bầu không phải là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích phụ nữ quan tâm tới vấn đề này.

2. Những loại vacxin cần tiêm cho quá trình mang thai

Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai sinh con thì việc đi khám tiền sản là điều cần thiết. Tại buổi khám này, bạn nên hỏi bác sĩ cụ thể hơn về việc tiêm phòng trước khi mang thai và sau tiêm bao lâu thì có thể cố gắng thụ thai. Nếu bạn có hồ sơ hoặc sổ chủng ngừa cá nhân thì cũng nên chia sẻ một bản sao với bác sĩ. Ngược lại, nếu không có thì bác sĩ thường đề nghị bạn làm xét nghiệm máu để xác định bạn cần chủng ngừa những bệnh nào. Thông thường, phụ nữ trước khi mang thai có thể cần được tiêm một số loại vaccine quan trọng sau đây:

  • Vaccine ngừa sởi, quai bị và rubella: Có thể bạn đã tiêm vaccine MMR khi còn nhỏ nhưng vẫn cần tiêm nhắc lại một liều khác khi lớn hơn. Trong trường hợp không rõ đã tiêm hay chưa, bạn cần được xét nghiệm máu khi khám tiền sản. Điều này nhằm giúp bác sĩ xác định bạn có miễn dịch với bệnh sởi, quai bị và rubella hay không để tư vấn các mũi tiêm phù hợp. Bởi vì bệnh sởi, quai bị hay nhiễm rubella ở mẹ bầu đều có thể gây rủi ro lớn cho thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Do đó, việc tiêm MMR trước khi mang thai là rất quan trọng để bảo vệ thai nhi tốt nhất. Bên cạnh đó, lưu ý rằng bạn nên đợi ít nhất 3 tháng sau khi chủng ngừa MMR trước khi cố gắng thụ thai.
  • Vacxin thủy đậu: Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, có thể gây ngứa da, phát ban và sốt. Nếu bạn mắc bệnh thủy đậu khi mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho em bé. Vì vậy, nếu đang có kế hoạch mang thai nhưng trước đó bạn chưa mắc thủy đậu thì cần thông báo cho bác sĩ để được chủng ngừa bệnh đầy đủ. Lưu ý rằng bạn cần chờ ít nhất 3 tháng sau tiêm trước khi cố gắng thụ thai.

  • tiem-phong-truoc-khi-mang-thai-1
  • Vaccine chủng ngừa HPV: HPV (Human papillomavirus) là nhóm gồm hơn 200 loại virus liên quan. Trong đó, hơn 40 loại virus lây lan qua quan hệ tình dục trực tiếp không an toàn. HPV có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, hầu họng… Bạn không thể chủng ngừa HPV khi mang thai. Hơn nữa, HPV cũng cần được chủng ngừa càng sớm càng tốt đối với người trong độ tuổi sinh sản. Vì vậy, nếu muốn sinh con nhưng chưa tiêm phòng HPV thì bạn nên tiêm sớm trước khi quan hệ tình dục hay mang thai nhé!
  • Vắc xin cúm: Cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm, dễ lây truyền thành dịch. Với người bình thường, tiêm vắc xin cúm hằng năm là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng căn bệnh phổ biến này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và dự phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị, phụ nữ mang thai vẫn cần tiêm vắc xin phòng cúm để bảo vệ cả mẹ và con. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chị em nên chủ động tiêm phòng cúm trước khi mang thai 1 tháng. Trong trường hợp đã mang thai nhưng vẫn chưa được tiêm ngừa cúm, các mẹ bầu vẫn có thể tiêm vắc xin cúm (bất hoạt) để phòng bệnh.

  • Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: Vài tháng đầu đời là thời gian trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, ho gà ,uốn ván cao nhất. Hậu quả dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, có nguy cơ cao đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh đều là trẻ sơ sinh chưa được bảo vệ bởi vắc – xin. Nguyên nhân là vì các bé còn quá nhỏ để được bảo vệ bởi việc tiêm vắc – xin phòng bệnh. Theo đó, chủng ngừa chỉ có thể bắt đầu khi trẻ được 2 tháng tuổi. Để bảo vệ em bé trong khoảng thời gian đặc biệt nhạy cảm này, bà bầu nên tiêm vắc – xin uốn ván, bạch hầu và ho gà trong mỗi lần mang thai. Khoảng thời gian kiến nghị là tuần 27 – 36. Khi đó, vắc xin sẽ giúp bảo vệ em bé chống lại tác nhân gây bệnh ngay từ khi sinh ra. Bởi vì, bé yêu phải đợi đến 2 tháng tuổi mới có thể tiêm ngừa vắc – xin được.

  • Viêm gan B: Tiêm viêm gan B trước khi mang thai được chia làm 3 mũi 0-1-6. Nghĩa là, hai mũi đầu tiên tiêm cách nhau 1 tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu. Mũi thứ 3 tiêm cách mũi đầu 6 tháng. Đối với tiêm ngừa thông thường, bác sĩ khuyên nên tiêm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Đối với viêm gan B bạn có thể tiêm ngừa trước khi mang thai. Trong quá trình mang thai bạn vẫn có thể tiếp tục tiêm các mũi còn lại nếu chưa tiêm hết. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối bạn nên hoàn thành các mũi tiêm trước khi mang thai. Mục đích nhằm phòng tránh virus có thể tấn côn trong giai đoạn đầu của thai kì. Khi tiêm phòng, 3-6 tháng sau cơ thể mới tạo ra kháng thể. Bạn nên nắm rõ điều này để bảo đảm việc tiêm phòng mang lại tác dụng và hiệu quả thực sự. 

3. Vì sao một số loại vaccine buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai?

Hầu hết những vaccine cần thiết và quan trọng kể trên đều là vaccine sống giảm độc lực. Đây là loại vaccine được sản xuất từ chính virus hoặc vi khuẩn gây bệnh nhưng đã được làm giảm độc lực (làm yếu đi). Đối với mẹ bầu, vaccine sống giảm độc lực khi tiêm vào cơ thể mẹ vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể khiến thai nhi nhiễm virus gây bệnh và gặp rủi ro. Đây là lý do giải thích vì sao bạn không nên tiêm vaccine sống trong thai kỳ và buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai để chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy tiêm vaccine sống giảm độc lực trong thai kỳ gây ra dị tật bẩm sinh. 

Đối với một trường hợp khác là bạn vừa tiêm vaccine ngừa sởi, quai bị, rubella… nhưng lại mang thai ngay lập tức khi chưa chờ đủ khoảng cách thì cần thông báo sớm cho bác sĩ. Nếu chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ vì chỉ định sản khoa từ bác sĩ thì bạn đừng quá lo lắng  vì đến nay chưa ghi nhận bằng chứng đầy đủ thai sinh ra bị dị tật do tiêm ngừa. Tuy nhiên, bạn nên khám thai đầy đủ và thường xuyên để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi để có hướng xử lý phù hợp.

Cuối cùng, đối với việc tiêm phòng trước khi mang thai, điều quan trọng là bạn cần tìm đến những trung tâm y tế, bệnh viện sản khoa, đa khoa lớn, uy tín để được tư vấn một cách tốt nhất và đảm bảo việc chủng ngừa diễn ra an toàn.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....