Tiêm thuốc tránh thai và những điều cần lưu ý

Thứ Tư, 28/12/2022 11:41 PM (GMT+7)

Tiêm thuốc tránh thai là biện pháp kế hoạch hóa gia đình được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì sự thuận tiện và hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng chống chỉ định với phương pháp này.

 Ngoài việc uống thuốc tránh thai, đặt vòng hay sử dụng bao cao su thì tiêm thuốc tránh thai hiện nay được coi là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả và tạm thời. Thuốc có tác dụng ức chế quá trình phóng noãn trong cơ thể nữ giới, hạn chế và ngăn cản tinh trùng xâm nhập, bám và làm tổ trong tử cung.

Theo các bác sĩ, thuốc tiêm tránh thai được chia thành hai nhóm chính. Nhóm I: Thành phần của thuốc bao gồm estrogen và progestin. Nhóm II: Thành phần chỉ có progestin.

thuoc-tiem-tranh-thai

Tiêm thuốc tránh thai được chỉ định tiêm bắp tay với tần suất 1 - 3 tháng/lần. Tùy theo loại thuốc mà thời gian tác dụng kéo dài bao lâu sẽ khác nhau. Thông thường, thuốc tránh thai dạng tiêm có tác dụng trong vòng vài tuần nên không nhất thiết phải dùng hàng ngày. Tuy nhiên, để có hiệu quả, thuốc phải được tiêm định kỳ.

So với các biện pháp tránh thai khác, thuốc tiêm tiện lợi, thời gian tác dụng kéo dài, không cần thực hiện hàng ngày hoặc trước khi quan hệ tình dục. Thuốc tiêm tránh thai là một biện pháp an toàn với những ưu điểm sau:

Khả năng tránh thai cao: Với tác dụng ức chế gần như toàn bộ quá trình rụng trứng và ngăn cản sự xâm nhập của tinh trùng nên việc tiêm thuốc tránh thai là biện pháp mang lại hiệu quả gần như tuyệt đối.

Không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con: Dùng thuốc tiêm tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời, chỉ cần ngừng tiêm thuốc vài tháng, cơ thể sẽ dần ổn định và chị em có thể mang thai trở lại.

Dùng được cho phụ nữ đang cho con bú: Thuốc tiêm tránh thai không ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của bà mẹ đang cho con bú, chỉ một lượng rất nhỏ thuốc được bài tiết qua sữa mẹ và không ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ.

Không tương tác với các loại thuốc khác và không gây phù nề, rối loạn huyết áp, mạch, không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như:

Mất kinh: Khi dùng thuốc tiêm tránh thai chỉ chứa progestin thì lượng progestin sẽ cao hơn estrogen so với tỷ lệ lúc bình thường, nên niêm mạc tử cung không phát triển mạnh dày ra và bị bong, chảy máu như lúc hành kinh thông thường, gọi là hiện tượng mất kinh. Khoảng 60% người dùng bị hiện tượng này (nếu tính cả những người chỉ bị vài lần trong năm). Hiện tượng này không có hại gì cho sức khỏe hay sinh sản về sau, nên vẫn tiếp tục dùng thuốc tiêm tránh thai.

Rong kinh: Khi dùng thuốc tiêm tránh thai cũng có thể bị rong kinh, rong huyết, băng kinh. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong những mũi tiêm đầu thuốc tiêm tránh thai sau đó hết dần, đi vào ổn định, nên vẫn cứ tiếp tục dùng thuốc tiêm tránh thai.

Rong huyết là xuất huyết một ít giữa chu kỳ hành kinh. Hiện tượng này không nghiêm trọng và không cần điều trị, sẽ tự hết. Băng kinh là lượng máu nhiều hơn hành kinh bình thường, rất ít khi xảy ra.

Tăng cân: Thuốc tiêm tránh thai làm tăng cân nhanh chóng, thường tăng 5% trong vòng 6 tháng, tình trạng tăng cân vẫn tiếp tục kéo dài. Có tới 25% nữ tham gia khảo sát đã tăng tới 10kg sau 3 năm dùng thuốc tiêm tránh thai.

Thay đổi tâm trạng: Thuốc tiêm tránh thai còn làm cho người dùng thay đổi tâm trạng giống như khi có thai (khi buồn, khi giận, chán nản, mỏi mệt) nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thì cần điều trị và sau khi điều trị một thời gian ngắn cũng hết.

tiem-thuoc-tranh-thai-1

Ai không được sử dụng thuốc tiêm tránh thai?

Tiêm thuốc tránh thai là biện pháp không thích hợp với một số chị em phụ nữ sau:

- Phụ nữ đang có thai hoặc đang bị ung thư vú.

- Những người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp).

- Người có bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh lý mạch máu.

- Người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim.

- Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có nhu cầu dùng thuốc tiêm tránh thai để kế hoạch hóa gia đình, chị em nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được khám cẩn thận và biết mình có thể áp dụng biện pháp tránh thai này hay không. Dựa trên tình trạng sức khỏe của chị em, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên áp dụng biện pháp nào là phù hợp nhất.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...