Tiền sản giật và những điều cần biết

Thứ Tư, 18/10/2023 01:57 AM (GMT+7)

Tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm của thai kỳ, có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu là rất quan trọng để có thể can thiệp kịp thời và bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (pre-eclampsia) là một tình trạng nghiêm trọng thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này có thể gây tăng huyết áp, tổn thương các cơ quan nội tạng, và có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Đây là tình trạng yêu cầu theo dõi và điều trị ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai kỳ.Hầu hết mọi người chỉ gặp các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên cần phải kiểm soát tình trạng này trong trường hợp các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng phát triển.

tien-san-giat-trong-thai-ky-5

Mức độ nguy hiểm của tiền sản giật

Tiền sản giật được coi là một tình trạng rất nguy hiểm, đòi hỏi sự theo dõi cẩn thận và sự quan tâm đặc biệt đối với tất cả phụ nữ mang thai, vì nó có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể nó ảnh hưởng như sau:

Các vấn đề sức khỏe đối với mẹ bầu bị tiền sản giật bao gồm:

+ Tổn thương mắt, phổi và não:Tiền sản giật làm tăng sự tích nước trong cơ thể, gây ra các biến chứng như phù não, phù phổi hoặc phù mắt

+ Vấn đề về đông máu: Tiền sản giật có thể gây ra các biến chứng như rối loạn đông máu, vỡ gan, tụ máu tử cung hoặc rong kinh.

+ Sản giật: Đây là một tình trạng hiếm gặp và đe dọa tính mạng. Đó là khi bà bầu bị co giật hoặc hôn mê sau tiền sản giật.

+ Đột quỵ: Đây là lúc nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm sút. Đột quỵ có thể xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu đưa máu lên não hoặc khi mạch máu trong não bị vỡ.

+ Bị tiền sản giật làm tăng nguy cơ xuất huyết sau sinh (còn gọi là băng huyết sau sinh). Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến sốc và tử vong.

+ Ngoài ra bị tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận sau này.

Các biến chứng ảnh hưởng đến thai nhi do tiền sản giật bao gồm:

Sinh non: Tiền sản giật làm tăng nguy cơ sinh non, khi thai nhi chưa đủ tuổi để sống ngoài tử cung. Ngay cả khi được điều trị, bạn vẫn có thể phải sinh sớm để giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bạn và con bạn.

Hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Nó có thể xảy ra khi mẹ bị huyết áp cao làm hẹp các mạch máu trong tử cung và nhau thai. Nhau thai phát triển trong tử cung và cung cấp thức ăn và oxy cho em bé qua dây rốn. Nếu em bé của bạn không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, em bé có thể sẽ phát triển kém trong bụng mẹ nặng hơn có thể là thai lưu.

Cân nặng khi sinh thấp: Tiền sản giật có thể gây ra sinh con thiếu cân do thai nhi không được nuôi dưỡng đầy đủ trong bụng mẹ 

Dấu hiệu tiền sản giật

Tiền sản giật hiếm khi xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng tình trạng này cũng có thể phát triển lần đầu tiên trong 4 tuần đầu sau khi sinh. Cụ thể các dấu hiệu hiệu tiền sản giật bao gồm:

Dấu hiệu điển hình

2 dấu hiệu điển hình của tiền sản giật là huyết áp cao, protein niệu.

+ Huyết áp cao: huyết áp đột ngột tăng cao

+ Protein niệu cao: Protein dư thừa trong nước tiểu của sản phụ còn gọi là (protein niệu).

Chỉ riêng huyết áp cao có thể không phải là dấu hiệu tiền sản giật. Nhưng nếu protein trong nước tiểu cao cùng với cả huyết áp cao thì đó là một dấu hiệu rõ ràng tình trạng này.

tien-san-giat-phu-chan-khi-mang-thai

Đây có thể gọi là dấu hiệu điển hình để nhận biết tiền sản giật. Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu khác nữa bạn cần để ý như sau:

+ Chân tay bị sưng phù: phù, đặc biệt là ở mặt và tay chân.

+ Mắt mờ: Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

+ Đau đầu: Nhức đầu dai dẳng không thuyên giảm trong nhiều ngày

+ Tăng cân đột ngột. 1 đến 2,5 kg trong một tuần.

Tình trạng phù nề, tăng cân và đau đầu có thể xuất hiện ở bất kỳ thai kỳ nào, nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị tiền sản giật. Đặc biệt bạn cần lưu ý nếu các triệu chứng phát triển đột ngột. Chẳng hạn như mắt mờ đột ngột cũng có thể là một triệu chứng. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể bị tiền sản giật mà không gặp bất kỳ triệu chứng nào nói trên.

Dấu hiệu khẩn cấp

Những dấu hiệu khẩn cấp sau là dấu báo hiệu tiền sản giật nặng. Tình trạng này cần được chăm sóc khẩn cấp ở khoa cấp cứu.

+ Cao huyết áp: ≥ 160/110mmHg

+ Nước tiểu có protein: Có hơn 5 gam Albumin trong nước tiểu trong 24 giờ

+ Lượng nước tiểu trong 24 giờ ít hơn 400ml

+ Biểu hiện toàn thân phù

+ Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt lặp lại. Đau đầu với việc dùng thuốc giảm đau không đỡ.

+ Khó thở

+ Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn ở bên phải. Cảm giác ngộp thở, nặng ngực, phù phổi cấp, suy tim.

+ Buồn nôn hoặc nôn (cảm giác khó chịu ở bụng), nôn mửa.

Ở tiền sản giật nặng, siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong tử cung, xét nghiệm chức năng gan giảm với biểu hiện: tiểu cầu giảm, men gan tăng cao, creatinin máu tăng cao, tán huyết.

Tiền sản giật nặng có thể dẫn đến biến chứng cấp tính là sản giật, có kèm theo cơn co giật và hôn mê. Ngoài ra, trong thời gian liên quan đến thai kỳ có cơn co giật phải có bằng chứng liên quan trước đó mới có thể thay đổi việc chẩn đoán sản giật.

Tiền sản giật có thể trở nặng rất nhanh và nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chính vì vậy việc nắm bắt dấu hiệu tiền sản giật càng sớm thì có thể ngăn ngừa được biến chứng.

Đôi khi bạn không nhận ra mình bị tiền sản giật. Hãy đi khám thai tất cả các lần, ngay cả khi bạn cảm thấy ổn. Đó là cách tốt nhất để phát hiện tiền sản giật. Nếu tình trạng tiền sản giật của bạn nghiêm trọng, bạn có thể phải nhập viện để theo dõi kỹ hơn hoặc cần sinh con càng sớm càng tốt.

Phòng chống tiền sản giật như thế nào?

Nếu bạn có nguy cơ cao bị tiền sảnh giật, việc bạn cần làm trước khi mang thai là thay đổi lối sống để phòng ngừa và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Bạn nên:

kham-thai-dinh-ky

+ Khám thai định kỳ: Không bao giờ bỏ lỡ buổi khám thai vì những lần khám thai này có thể phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sản giật.

+ Duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn: Giảm cân nếu có chỉ số BMI ở mức thừa cân – béo phì (≥ 25).

+ Theo dõi huyết áp và đường huyết: Điều này giúp kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu.

+ Bổ sung canxi đầy đủ: Nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ được bổ sung đủ canxi trước và trong khi mang thai sẽ giảm nguy cơ mắc tiền sản giật. Do vậy, bạn cần bổ sung đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể (1.200 – 1.500mg/ngày) thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung.

+ Tránh xa thuốc lá: Không hút thuốc là và cả tránh xa khói thuốc lá.

+ Tập thể dục thường xuyên: Chọn các môn thể dục vận động vừa phải phù hợp với mẹ bầu như yoga bầu, đi bộ nhẹ nhàng…

+ Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ: thai phụ chỉ nên dùng thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung theo tư vấn của bác sĩ. Trong một số trường hợp có nguy cơ cao tiền sảnh giật bac sĩ có thể kê aspirin liều thấp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc nguy cơ và lợi ích để chỉ định riêng cho từng trường hợp.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....