Tìm hiểu về quy trình khám vô sinh nữ

Chủ Nhật, 04/12/2022 09:00 AM (GMT+7)

Mang thai là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, tuy nhiên với không ít người, con đường ấy lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều chị em muốn tìm hiểu về khám vô sinh nữ thắc mắc quy trình xét nghiệm chẩn đoán và thăm khám gồm các bước nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về vô sinh nữ

Hiện nay vô sinh đang trở thành “bệnh thời đại” khi tỷ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân có thể đến từ vợ, chồng hoặc cả hai phía. 

Theo các chuyên gia, vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau 1 năm chung sống, giao hợp bình thường, không ngừa thai. Với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, thời gian này rút ngắn lại chỉ còn 6 tháng.

Nếu nguyên nhân hiếm muộn đến từ yếu tố nữ thì được xem là hiếm muộn nữ. Các nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy ở độ tuổi 20, một phụ nữ khỏe mạnh có khoảng 25% cơ hội mang thai mỗi tháng. Ở tuổi 30, con số này là khoảng 20%, ở tuổi 35 là 15% và ở tuổi 40, tỷ lệ này giảm mạnh chỉ còn 5%. Dễ dàng nhận thấy tuổi càng cao tỷ lệ mang thai càng giảm.

Bệnh lý vô sinh nữ được chia là 2 nhóm, bao gồm vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là những trường hợp nữ giới có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn nhưng chưa mang thai lần nào. Vô sinh thứ phát là trường hợp phụ nữ đã từng mang thai ít nhất 1 lần, nhưng sau đó có quan hệ tình dục không dùng biện pháp an toàn nhưng không thể tiếp tục mang thai trở lại.

Vô sinh do yếu tố nữ chiếm 40% tổng số trường hợp vô sinh nói chung. Do đó, nếu nghi ngờ vô sinh, bạn cần được đi khám tại các cơ sở y tế uy tín, các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm Sản Phụ khoa để được thầy thuốc tư vấn, thăm khám, cho làm các xét nghiệm cần thiết và lựa chọn cách điều trị thích hợp.

Khi nào cần khám vô sinh nữ?

Vô sinh hiếm muộn đang là căn bệnh nguy hiểm thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Việt Nam là nước có tỷ lệ vô sinh cao với khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề về vô sinh, trong đó 40% nguyên nhân đến từ nữ giới. Nhiều chị em chần chừ trong thăm khám sẽ bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị.

Điều đáng mừng là hiện nay y học phát triển giúp bác sĩ có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán và tăng hiệu quả điều trị cho phụ nữ hiếm muộn.

Các bác sĩ cũng lưu ý tuổi càng trẻ thì tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn càng cao. Vậy thời điểm cần đi khám vô sinh hiếm muộn ở nữ như thế nào?

Các chị em cần lưu ý, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ vấn đề vô sinh nếu:

 - Trường hợp phụ nữ dưới 35 tuổi và đã cố gắng mang thai sau 1 năm nhưng không thành công;

 - Phụ nữ đã trên 35 tuổi và không thể mang thai sau 6 tháng cố gắng thụ thai;

 - Có tiền sử sảy thai ít nhất 3 lần, thai lưu từ 2 lần trở lên;

 - Chu kỳ kinh nguyệt bất thường cũng là dấu hiệu cho thấy vấn đề về sức khỏe sinh sản của bạn;

 - Được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, sẹo hoặc tắc nghẽn vòi trứng;

 - Mắc các bệnh lý ung thư trong độ tuổi sinh sản;

 - Xét nghiệm dương tính với bệnh chlamydia, lậu vì 2 bệnh này có thể gây tắc vòi trứng…

Empty

Các bước khám vô sinh nữ như thế nào?

Thăm khám và xét nghiệm vô sinh nữ giúp xác định các nguyên nhân để người vợ được điều trị đúng cách giúp tăng cơ hội thụ thai. 

1. Hỏi tiền sử bệnh

Khi thăm khám ban đầu, bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản sẽ hỏi tiền sử bệnh của người phụ nữ, bao gồm:

 - Tiền sử thăm khám sản khoa;

 - Các bệnh đã và đang mắc phải, hoặc những thủ thuật, phẫu thuật khách hàng đã từng làm;

 - Những thuốc mà khách hàng đang sử dụng;

 - Thói quen trong sinh hoạt như có hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng nhiều sản phẩm chứa caffeine, các chất kích thích;

 - Công việc có phải tiếp xúc nhiều với chất độc hại, chất hoá học hay chất bức xạ;

Bác sĩ cũng sẽ muốn biết thêm về đời sống tình dục của cặp vợ chồng như:

 - Tần suất quan hệ vợ chồng trong tuần;

 - Lịch sử sử dụng các biện pháp tránh thai mà vợ chồng áp dụng trước đó (dùng bao cao su, dùng thuốc tránh thai, cấy que, đặt vòng, thực hiện thủ thuật…);

 - Khách hàng đã từng hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục không?;

 - Có gặp các vấn đề khi quan hệ tình dục như đau khi quan hệ, chảy máu khi quan hệ…

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ có câu hỏi liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, như:

 - Chu kỳ kinh nguyệt của khách hàng trong năm qua có đều không?

 - Đã từng bị kinh nguyệt không đều, trễ kinh hoặc ra kinh bất thường chưa?

 - Có sự thay đổi về lưu lượng máu kinh hoặc xuất hiện các cục máu đông lớn không?

 - Khách hàng đã từng đi khám hiếm muộn trước đó chưa?

2. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng sẽ bao gồm:

 - Khám nội khoa, ngoại khoa;

 - Khám phụ khoa và khám tuyến vú.

Với những thông tin khách hàng cung cấp bác sĩ sẽ xem xét và tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán và các xét nghiệm cần thiết. 

3. Cận lâm sàng

 - Xét nghiệm máu: Công thức máu, sinh hóa máu.

 -Các bệnh lý truyền nhiễm: HIV, HBV, HCV, giang mai, chức năng gan – thận.

 - Xét nghiệm nội tiết: AMH (đánh giá dự trữ buồng trứng), chức năng tuyến giáp.

 - Khảo sát hoạt động buồng trứng bằng các xét nghiệm nội tiết khi cần thiết.

 - Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bằng HPV, phết tế bào âm đạo

 - Một số xét nghiệm đặc biệt tuỳ vào từng trường hợp như: Cytomegalo virus, Antiphospholipid, xét nghiệm di truyền…

4. Chẩn đoán hình ảnh

 - Siêu âm qua ngả âm đạo: Đây là phương pháp phổ biến trong thăm khám hiếm muộn. Bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm với một đầu dò thuôn, dài được đưa nhẹ nhàng vào âm đạo. Với việc sử dụng sóng âm tần cao cùng việc kết nối với hệ thống máy tính xử lý hình ảnh và thông tin, siêu âm qua ngả âm đạo cung cấp cho bác sĩ những tổn thương hoặc bệnh lý ở tử cung, buồng trứng… của người phụ nữ. 

 - Chụp HSG: Đây là một kỹ thuật trong chẩn đoán hình ảnh thường sử dụng trong chẩn đoán hiếm muộn. Phương pháp này sử dụng tia X để kiểm tra tình trạng của bệnh ở trong lòng tử cung và vòi trứng. Phương pháp này có thể dùng để chẩn đoán sự hiện diện của tình trạng tắc/ ứ dịch hai vòi trứng, những bất thường về tử cung như có dị dạng tử cung… Những bất thường này đều có ảnh hưởng đến hiếm muộn và các biến chứng trong thai kỳ.

 - Nội soi buồng tử cung chẩn đoán: Đây là một thủ thuật giúp bác sĩ có thể quan sát trực tiếp được bên trong buồng tử cung của người phụ nữ, từ đó có thể chẩn đoán được các nguyên nhân bất thường ở buồng tử cung và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Tại IVFTA phương pháp này được thực hiện ngay tại trung tâm, sau 2 tiếng nghỉ ngơi chị em có thể về nhà bình thường. Phương pháp này giúp ích nhiều trong việc điều trị một số bệnh như polyp tử cung, u xơ, dính tử cung…

 - Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng chẩn đoán là một thủ thuật ngoại khoa được dùng để đánh giá các bệnh lý trong ổ bụng hoặc khung chậu (như, khối u, bệnh lạc nội mạc tử cung) ở những bệnh nhân đau bụng cấp hay mạn tính và ung thư còn khả năng phẫu thuật.

 - Sinh thiết nội mạc tử cung: Đây là xét nghiệm mà bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng hút đi một lớp nhỏ niêm mạc tử cung. Sau đó mẫu này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để phân tích và tìm tế bào bất thường nếu có. Sinh thiết cũng giúp bác sĩ phát hiện những căn bệnh nằm trong nội mạc tử cung cũng như cho phép bác sĩ biết được tình trạng nội mạc tử cung có phù hợp với nồng nộ nội tiết nữ trong cơ thể hay không.

Cần chuẩn bị gì khi khám vô sinh nữ?

Với phụ nữ lần đầu đi khám vô sinh sẽ có nhiều lo lắng, e ngại không biết cần chuẩn bị những khi đi khám vô sinh. Hiểu được tâm lý đó của chị em, bác sĩ tại IVFTA sẽ chia sẻ với chị em cần chuẩn bị những gì trước khi đi khám vô sinh nữ.

 - Chuẩn bị giấy tờ hồ sơ: Hiện nay, để có thể tiến hành thăm khám cũng như kiểm tra sức khỏe – đặc biệt là sức khỏe sinh sản, khách hàng sẽ cần có tối thiểu như Chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc Hộ chiếu, Giấy đăng ký kết hôn hợp pháp.

 - Hồ sơ bệnh lý có liên quan: Những hồ sơ bệnh lý cũ cũng cực kỳ cần thiết cho quá trình khám vô sinh. Nếu đã từng khám ở các cơ sở y tế khác trong vòng 6 tháng trở lại thì có thể mang theo các kết quả này đến để bác sĩ đọc trước rồi mới chỉ định các xét nghiệm kiểm tra tiếp theo. Trong trường hợp người bệnh đang phải điều trị bệnh lý nào khác thì cũng nên mang theo bệnh án cùng đơn thuốc đang sử dụng (nếu có) để bác sĩ kiểm tra trước. Đôi khi trường hợp vô sinh là do tác dụng phụ của quá trình điều trị bệnh khác. Vì vậy hãy lưu ý mang theo tất cả hồ sơ bệnh án có liên quan của cả hai vợ chồng theo người trước khi đến bệnh viện nhé.

 - Nên đi khám vào buổi sáng: Thời điểm tốt nhất để chị em đi khám là vào buổi sáng vì có một số xét nghiệm phụ khoa đòi hỏi cơ thể ở thể trạng tự nhiên nhất, chưa có sự can thiệp từ bên ngoài. Chị em có thể đến bệnh viện trong khoảng 3 – 5 ngày sau khi đã sạch kinh và kiêng quan hệ vợ chồng sau sạch kinh. Đây chính là thời điểm “vàng” để tiến hành các thăm khám phụ khoa.

 - Chuẩn bị trước nội dung và tâm lý khi trao đổi với bác sĩ để kết quả thăm khám được khách quan thì hãy coi như đây chỉ là một đợt kiểm tra sức khỏe hết sức bình thường. Việc khách hàng thoải mái trao đổi sẽ giúp ích cho việc thụ thai của cả hai vợ chồng. Hãy liệt kê từ trước các triệu chứng bất thường (nếu có) hoặc các câu hỏi cần tham khảo tư vấn y khoa của bác sĩ. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể hỏi một số vấn đề riêng tư về việc quan hệ, cách tránh thai trước đó hoặc tiền sử phá hoặc sảy thai,…

 - Lựa chọn trang phục thoải mái phù hợp khi đi thăm khám vì với khám vô sinh nữ có thể sẽ phải làm nhiều hơn các xét nghiệm, quy trình so với nam giới, trang phục thoải mái, tránh mặc đồ bó sát có thể gây cản trở trong quá trình thăm khám.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....