Tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng

Thứ Bảy, 13/06/2020 10:00 AM (GMT+7)

Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng như hiện nay không những gây mệt mỏi, tổn thương da, đột quỵ do sốc nhiệt, mà còn dễ gây các bệnh lý khác. Vì thế, người dân cần biết cách hạn chế để nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt, đột quỵ tăng

Những ngày nắng nóng như đổ lửa, người già, trẻ nhỏ và những người phải làm việc ngoài trời là những người dễ bị sốc nhiệt nhất. Với người cao tuổi, theo các bác sĩ, khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết là rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính sẽ dễ mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể suy nhược, giảm khả năng chống đỡ với môi trường bên ngoài. Bác sĩ Đào Việt Phương thuộc khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong đợt nắng nóng này, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ. Hầu hết là những người phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người cao tuổi có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não… Còn bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương chia sẻ, người cao tuổi là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất do nắng nóng. Lý do là người cao tuổi đã có sẵn bệnh nền nên kém thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Khi bị ảnh hưởng trực tiếp với nắng nóng, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt. Còn với những người cao tuổi có sẵn bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, khi bị ảnh hưởng gián tiếp của nắng nóng dễ gây biến chứng. Do vậy, những ngày thời tiết nắng nóng, người cao tuổi cần uống nước thường xuyên, bổ sung hoa quả để đủ lượng vitamin, khoáng chất. Hơn nữa, người cao tuổi ít có cảm giác khát nên người thân cần chú ý đảm bảo đủ nước cho họ trong ngày nắng nóng. 

benh vien k

Tăng cường bàn xét nghiệm máu tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN

Đối tượng dễ sốc nhiệt nữa là trẻ nhỏ. Thời tiết nắng nóng dễ khiến trẻ bị viêm màng não, viêm não với các triệu chứng sốt cao, co giật, rối loạn nhịp thở, nhịp tim, có thể bị rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ bị sốt, bố mẹ phải chú ý theo dõi để đưa đến cơ sở y tế kịp thời, tránh biến chứng lên não. Không nên cho trẻ ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng, nhất là thời điểm nắng dữ dội nhất (từ 10 giờ đến 16 giờ). Cũng không cho trẻ ra vào phòng điều hòa liên tục, vì sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn cũng khiến cơ thể của trẻ không thích ứng kịp, dễ bị bệnh về hô hấp.

Ngoài ra, đối với những người phải hoạt động dưới trời nắng cần phải thận trọng, giữ gìn da, không để tổn thương da do trời nắng. Tổn thương da do nắng dễ thành mạn tính, đôi khi có thể dẫn đến tiền ung thư và ung thư da. Theo thống kê, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi năm bệnh viện điều trị cho khoảng 300 trường hợp ung thư da và con số này tăng khoảng 15% mỗi năm, trong đó tia cực tím là nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3-5 bệnh nhân đến khám do bỏng nắng, cháy nắng, trong đó có những trường hợp do tắm biển trong thời gian dài dưới trời nắng nóng. Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng bị bỏng nắng, nguyên nhân là nam giới không trang bị các trang phục bảo hộ cần thiết và bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời nắng.

Các bệnh viện tăng cường giải pháp chống nóng

Trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt như những ngày qua, nhiều bệnh viện đã triển khai các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi hành lang đều có các quạt công nghiệp công suất lớn, điều hòa, nước uống được bố trí đủ số lượng trên một mặt bằng. Mặt khác, bệnh viện còn có phương án đẩy giờ khám sớm, tăng bàn khám, giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh trong ngày nắng nóng.

Còn tại Bệnh viện K, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K cho biết, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện K tiếp đón khoảng hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người đã đến xếp hàng chờ từ sáng sớm. Nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, Bệnh viện K đã triển khai đón tiếp bệnh nhân từ 5 giờ sáng tại cơ sở Tân Triều, 6 giờ sáng tại cơ sở Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm), Tam Hiệp (Thanh Trì). Bệnh viện cũng tăng cường cửa tiếp đón, đăng ký khám, nhập viện lên 18 cửa, bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh đã giúp giảm áp lực tại khu vực phòng khám, khu vực lấy máu, chụp X-quang, khu vực xét nghiệm... Bệnh viện cũng đưa vào sử dụng công trình xử lý và cung cấp nước uống tinh khiết với hai nguồn nước nóng và lạnh để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người bệnh và người nhà người bệnh... Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cũng tăng cường thêm ghế ngồi, quạt công suất lớn phục vụ người bệnh.

Theo QĐND

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....