Trẻ bị ho có đờm, khò khè, phải làm thế nào?

Thứ Hai, 29/06/2020 07:00 AM (GMT+7)

Trẻ sơ sinh còn non nớt, sức đề kháng kém nên rất dễ bị các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là tình trạng ho có đờm, khò khè. Tình trạng này khiến cho trẻ khó chịu, bỏ ăn, dễ bị nôn trớ. Đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi rất nguy hiểm.

tre-bi-ho

Dấu hiệu ho có đờm, khò khè ở trẻ sơ sinh

Khò khè có âm sắc cao như tiếng ngáy, thường được nghe khi trẻ thở ra, những trường hợp nặng có thể nghe được cả khi hít vào. Tại sao có tiếng khò khè? Âm thanh này được tạo ra là do đường hô hấp bị hẹp bẩm sinh hoặc bệnh lý: từ các quá trình viêm nhiễm và ứ động đàm nhớt. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý phân biệt tiếng thở khò khè bất thường (tình trạng nặng) với tiếng thở do tắc nghẹt mũi thông thường.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chủ yếu thở bằng mũi, lỗ mũi của trẻ lại có kích thước nhỏ nên rất dễ bị ho, nghẹt mũi dẫn để thở khụt khịt. Khi phân vân không biết trẻ thở khò khè bất thường hay do nghẹt mũi, cha mẹ có thể nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi để lỗ mũi của trẻ thông thoáng hơn rồi nghe kỹ lại tiếng thở của trẻ.

Trẻ sơ sinh ho có đờm, khò khè là biểu hiện của bệnh gì?

Tất cả các nguyên nhân gây hẹp đường hô hấp sẽ tạo ra tiếng khò khè. Ở trẻ sơ sinh đa số khò khè là do đường hô hấp nhỏ , một thời gian sau sẽ tự hết, những trường hợp này thường bé chỉ bị khò khè, không ho, không khó thở, bú ngủ bình thường. Nhưng nếu trẻ có kèm các triệu chứng khác: ho, khó thở, quấy khóc, bỏ bú..., phải lưu ý đến các nguyên nhân nguy hiểm hơn viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Những bệnh này nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển rất nhanh, tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Nếu trẻ bị ho khò khè kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần thì cũng nên lưu ý đến nguyên nhân hiếm gặp hơn: dị vật ở đường thở hay mắc một số dị tật bẩm sinh ở phế quản...

Phải làm gì khi trẻ sơ sinh ho có đờm, khò khè

Trẻ sơ sinh ho có đờm, khò khè có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi. Vì thế khi thấy tiếng thở của trẻ có điều bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám, xác định nguyên nhân và có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Nếu thấy trẻ ho khò khè kèm theo khó thở, người tím tái, ngủ li bì, vật vã, bỏ bú...cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu trẻ ho khò khè kéo dài trên 4 tuần cần đến khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu nếu cần như: chụp X quang, siêu âm, chụp CT lồng ngực, nội soi hô hấp...

Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho có đờm, khò khè

 Hạ sốt cho trẻ

Trẻ bị ho khò khè do viêm phổi thường đi kèm với sốt cao. Liên tục kiểm tra nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Vỗ lưng giúp trẻ long đờm

Khi trẻ sơ sinh ho có đờm, ho khò khè cha mẹ có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng cho trẻ, giúp long đờm trong phế quản.

Cách vỗ lưng long đờm cho trẻ như sau: Khum bàn tay và gập bàn tay ở chỗ cổ tay lại. Năm ngón tay sát vào nhau, ngón cái ép chặt vào ngón trỏ. Vỗ vào lưng trẻ từ trái sang phải, mỗi bên khoảng từ 3 - 5 phút. Vỗ vào vị trí phổi của trẻ, không vỗ vào vị trí dạ dày, xương sống. Không nên thực hiện vỗ lưng khi trẻ vừa ăn no vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ.

Vệ sinh cho trẻ

Nếu trẻ có nước mũi, nước dãi thì dùng giấy mềm lau sạch rồi vứt bỏ, không tái sử dụng. Nếu dùng khăn lau thì phải chú ý vệ sinh khăn nếu không sẽ vô tình khiến vi khuẩn bám trên khăn tấn công cơ thể trẻ.

Vệ nhà nhà cửa, khu vực đặt trẻ, đồ chơi, đồ dùng của trẻ sạch sẽ.

Chế độ ăn của trẻ

Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng

Chế biến thức ăn mềm, dễ nuốt

Cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu

Không cho trẻ ăn quá no, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày

Cho trẻ uống gừng hoặc quất hấp mật ong... để giảm ho

Lưu ý không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Để phòng ngừa trẻ bị ho do cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản...cha mẹ nên tiêm phòng vắc-xin cho trẻ đầy đủ theo độ tuổi.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....