Trường học tích cực “dẹp” nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Thứ Sáu, 25/12/2020 09:00 PM (GMT+7)

GiadinhNet - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội. Nhằm giảm thiểu, công tác tuyên truyền giáo dục tới học sinh, thanh niên được coi là biện pháp hiệu quả tích cực.

Nhiều hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Vấn nạn tảo hôn không chỉ xảy ra ở miền núi phía Bắc mà nó còn xuất hiện cả ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật hạn chế, hủ tục lạc hậu trói buộc… 

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Tảo hôn ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là các em gái. Khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hết, việc quan hệ tình dục sớm, mang bầu, rồi nuôi con khiến sự phát triển đầy đủ của người phụ nữ bị chậm lại, thoái hóa. Bên cạnh đó, việc nuôi con thiếu hiểu biết có thể khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh…

Hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo quy định của pháp luật, hôn nhận cận huyết thống bị nghiêm cấm. Theo các bác sỹ, hôn nhân cận huyết hoặc chỉ lấy người trong cộng đồng của mình khiến tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh cao do những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau. Hôn nhân cận huyết thống còn khiến trẻ sinh ra dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền khác như mù màu, da vảy cá, bạch tạng…

Trường học tích cực “dẹp” nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống - Ảnh 1.

Trường hợp tảo hôn ở Sơn La đã có 6 con khi tuổi còn trẻ. Ảnh: T.H

Tại nhiều địa phương, công tác tuyên tuyền, phổ biến nhằm xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được triển khai rộng khắp và thu được những kết quả tích cực. Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, từ nhiều năm nay, mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã được triển khai tại 35 xã và 11 điểm Trường phổ thông dân tộc nội trú. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì triển khai lồng ghép tại 35 xã của 12 huyện, thành phố…

Không chỉ đưa tuyên truyền trong trường học, cộng đồng, nhiều ý kiến đề xuất đưa nội dung tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào chương trình học. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường La (tỉnh Sơn La), các bộ, ngành cần phối hợp trong công tác đưa nội dung giáo dục giới tính, giáo dục về tảo hôn và kết hôn cận huyết vào các trường THCS mỗi một tuần ít nhất có một tiết để làm sao giáo dục cho các em học sinh cách để tránh có thai ngoài ý muốn, thứ hai là tránh được việc tao hôn và kết hôn cận huyết.

Lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động nhà trường

Đối với phạm vi các trường học tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi đóng tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số công tác giáo dục, tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được các nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (tỉnh Bình Định) tổ chức tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 240 em học sinh là dân tộc thiểu số người Banar ở xã Vĩnh An. Tại buổi truyền thông, các em học sinh được thông tin, trao đổi nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Qua đó giúp cho các em học sinh tự tin, nắm vững kiến thức, kỹ năng về hệ lụy của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, mang thai sớm, kết hôn sớm,… Đồng thời nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng cùng xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại trong dân tộc thiểu số, tạo chuyển biến trong hành vi, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt Luật hôn nhân và gia đình.

Trường học tích cực “dẹp” nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống - Ảnh 2.

Lồng ghép tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các nhà trường. Ảnh: TL


Còn tại Thanh Hóa, trong các năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường THCS, THPT, gồm 125 buổi/29.069 học sinh tham gia. Một số huyện có cách làm hay, hiệu quả như huyện Như Thanh: Đã tổ chức Hội thi Thiếu nữ dân tộc thiểu số với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hội thi Rung chuông Vàng về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các Trường THCS; THPT Như Thanh; Trường THPT Như Thanh 2 với 200 học sinh tham gia…

Ngoài ra, ở các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng được 30 mô hình điểm tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (trong đó, 20 mô hình xã, 10 mô hình trường học) ở các huyện: Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh… Đồng thời, cấp phát các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến với học sinh, phụ huynh và người dân.

Thanh Hằng

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Gần 40% đàn ông Việt gặp vấn đề về bệnh nam khoa

GiadinhNet - Với quý ông, chứng “chưa đến chợ đã hết tiền” trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì bày tỏ trong...

Khánh Hòa: Nỗ lực chăm sóc người cao tuổi

GiadinhNet - Hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tại Khánh Hòa chiếm trên 10% tổng dân số và có xu...

Những người đàn ông chậm dậy thì

Lấy vợ gần 2 năm không có con, bị vợ giục, anh Thành mới đi khám. Bác sĩ cho biết, hệ sinh sản của anh vẫn như...

Cổ tử cung ngắn - nguyên nhân dễ gây sảy thai

Cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó...