Tương lai già hóa dân số và "hành trang" cần chuẩn bị

Thứ Tư, 12/06/2019 06:57 AM (GMT+7)

Ðề án Chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2025 đã khởi động. Thành phố nỗ lực chuẩn bị cho thời kỳ dân số già trong tương lai sớm theo dự báo của các chuyên gia về dân số của Việt Nam và thế giới.

gai-hoa-dan-so

Thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm Y tế xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Ảnh: T.Sương

Nỗ lực thực hiện Ðề án

Theo Liên Hiệp Quốc, già hóa dân số là tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% tổng dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên hiện nay chiếm 11%. Dự đoán đến năm 2030, nước ta kết thúc thời kỳ dân số vàng và nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 22% tổng dân số vào năm 2040.

Từ thực trạng đó, năm 2013, Cần Thơ đã triển khai các hoạt động hướng đến người cao tuổi, tranh thủ từ nguồn kinh phí của trung ương. Tuy nhiên, đến năm 2014 thì chương trình gián đoạn. Năm 2017, thành phố phê duyệt Đề án Chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2025, với tổng kinh phí phê duyệt trên 9 tỉ đồng. Năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp nhận kinh phí từ trung ương và địa phương trên 800 triệu đồng, phối hợp với các ngành, các cấp, đẩy mạnh nhiều hoạt động nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề người cao tuổi, cùng với các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng.

Cụ thể, ngành chức năng tổ chức các hội thảo nói chuyện chuyên đề về người cao tuổi; duy trì và thành lập mới các Câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng và Tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay, đề án đã triển khai thực hiện tại 27 xã, phường, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng quan tâm đến vấn đề chăm sóc, hỗ trợ cuộc sống cho người cao tuổi...

Chung tay của cộng đồng

Cuối năm 2018, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được triển khai tại 43 trạm y tế trên địa bàn thành phố, cũng góp phần cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại y tế cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm, mạng lưới trạm y tế còn phối hợp với Hội Người cao tuổi cùng cấp tổ chức khám, theo dõi sức khỏe từ 1 - 2 lần, quản lý người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm, có hướng điều trị, tư vấn phòng chống bệnh phù hợp.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, hoạt động chăm sóc người cao tuổi huy động được sức mạnh của sở, ban ngành, đoàn thể các cấp trong công tác truyền thông.

Cùng với ngành Dân số, Hội Chữ thập đỏ thành phố cũng tích cực trong công tác chăm lo cho người cao tuổi: tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các tổ chẩn trị, phòng khám nhân đạo, bếp ăn tình thương, chuyển bệnh từ thiện, các điểm sơ cấp cứu; vận động mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa thành phố là chỗ nương tựa của các cụ già neo đơn tuổi xế chiều.

Mặc dù Đề án Chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2025 đã khởi động, nhưng còn tồn tại nhiều vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Cần Thơ chia sẻ, Đề án đòi hỏi lực lượng tình nguyện viên tham gia có kiến thức rộng về xã hội, có kỹ năng truyền thông tư vấn trong lĩnh vực người cao tuổi nhưng đội ngũ chủ yếu là cộng tác viên dân số kiêm nhiệm, trong hoạt động còn nhiều lúng túng. Kinh phí cấp trễ và không đủ theo kế hoạch đã được phê duyệt từng năm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu của đề án.

Thêm vào đó, Cần Thơ được xem là trung tâm y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lĩnh vực y tế lão khoa chưa được quan tâm. Theo lãnh đạo Sở Y tế, cả thành phố chỉ có 1, 2 cán bộ y tế có chuyên ngành lão khoa và các bệnh viện chỉ có vài buồng khám dành cho người cao tuổi, ghép với các khoa phòng khác. Mới đây, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố về Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thành phố Cần Thơ. Bà Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu các sở, ngành khảo sát tình hình người cao tuổi thành phố để tham mưu cho UBND thành phố chiến lược tổng thể, toàn diện về người cao tuổi. Phát huy hiệu quả Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, huy động cộng đồng chung tay giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...