Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em: Phát huy vai trò nhóm trẻ em nòng cốt

Chủ Nhật, 03/11/2019 07:22 PM (GMT+7)

Bên cạnh các biện pháp mạnh để xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, cần tuyên truyền, xây dựng các nhóm trẻ em nòng cốt, để các em phát huy vai trò tuyên truyền cho chính bạn bè trong lớp, trường mình.

Từ năm 2015 đến tháng 6- 2019, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 118 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 68 trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Vì thế, bên cạnh các biện pháp mạnh để xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, cần tuyên truyền, xây dựng các nhóm trẻ em nòng cốt, để các em phát huy vai trò tuyên truyền cho chính bạn bè trong lớp, trường mình.

Truyền thông chủ động đi trước

Chiều 18-10, tại nhà hàng Vườn 66 (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức buổi tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em. Lớp tập huấn thu hút 37 giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội và hơn 100 trẻ em thuộc nhóm trẻ em nòng cốt các trường THCS trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Với cách thức tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu của báo cáo viên, kết hợp video trình chiếu sinh động, các em học sinh được cung cấp các kiến thức liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em và cách phòng, chống. Em Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Dương Quan cho biết: “Nhờ buổi tập huấn, em nắm được các quy tắc phòng, chống nguy cơ bị xâm hại, như: không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ; không ở trong phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; không để người lạ đến gần; không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em…

hai phong

Các buổi tuyên truyền về xâm hại tình dục trẻ em thêm sinh động với các video clip.

Buổi tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em tại huyện Thủy Nguyên là một trong những hoạt động nổi bật thuộc Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em của Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2019 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức. Trước đó, buổi tập huấn dành cho các trẻ em nhóm nòng cốt trường THCS khu vực các quận cũng được tổ chức Công ty TNHH thương mại quốc tế Hải Phòng (phố Lý Tự Trọng, quận Hồng Bàng). Từ đầu năm đến nay, sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các trường học tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại, XHTD trẻ em. Nhiều địa phương cũng mời báo cáo viên thành phố tuyên truyền tại các khu dân cư với các nội dung đa dạng như Luật Trẻ em; Luật An ninh mạng; kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTD trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Phát huy vai trò tuyên truyền viên tích cực

Qua các buổi tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt, các báo cáo viên thành phố không chỉ hướng dẫn các em, trang bị cho các trẻ những kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh XHTD, mà kỳ vọng các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại các lớp học, trường học của mình. Bởi các em được lựa chọn tham gia tập huấn đều là những em nhanh nhẹn, có học lực tốt, có khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm. Quá trình tập huấn, các em được báo cáo viên trao đổi, cùng thảo luận, làm bài tập nhóm, bài tập xử lý tình huống về kỹ năng tuyên truyền, thuyết trình, điều hành, tổ chức sinh hoạt nhóm cho trẻ em . Chị Nguyễn Như Anh, Phó trưởng Khoa Hoạt động phương pháp (Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố) cho biết: “Tuyên truyền cho cha mẹ, người thân cách phòng ngừa xâm hại cho trẻ là cần thiết, và tuyên truyền để trẻ hiểu, có kỹ năng truyền đạt, tuyên truyền lại các kiến thức, kỹ năng được học cho chính bạn bè đồng lứa với mình cũng là cách hiệu quả cao”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Như Trang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Ngô Quyền), sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và các thiết bị điện tử tạo thuận lợi cho trẻ em dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của in-tơ-net, dễ dàng chia sẻ thông tin nhưng lại thiếu định hướng và những kỹ năng tốt xử lý thông tin giữa một “rừng” thông tin cả tích cực và tiêu cực. Nếu nhóm trẻ em nòng cốt được trang bị kiến thức, có kỹ năng, chính các em là người chia sẻ, tuyên truyền cho nhau về kiến thức, cách thức phòng tránh xâm hại cũng sẽ có hiệu quả. Mỗi lớp, mỗi trường cần có những nhóm học sinh nòng cốt để nhân rộng hiệu quả tuyên truyền, phát huy vai trò của các tuyên truyền viên tích cực để nói về chính vấn đề của các em.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....