Tỷ lệ dân số "già" ở Hà Nội tăng nhanh, tuổi thọ bình quân cao nhất cả nước

Thứ Năm, 12/12/2019 02:29 PM (GMT+7)

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội, người dân Hà Nội hiện có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước (trên 75 tuổi)…

dan-so-gia-7

Ngày 12-12, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12) với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”.

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, bất cập mới do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có giảm nhưng chưa ổn định.

Cụ thể, tổng số sinh trong 10 tháng năm 2019 của toàn thành phố là 89.359 trẻ, tăng 3.411 trẻ; số trẻ là con thứ ba trở lên là 6.937 trẻ, tăng 73 trẻ so với cùng kỳ năm 2018; tỷ số giới tính khi sinh là 110,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số “già” ở Hà Nội tăng gấp đôi trong vòng chưa tới 20 năm qua và hiện tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội ở mức cao nhất cả nước (trên 75 tuổi). Đây là một kết quả tích cực rất đáng ghi nhận, song đi cùng với nó là những thách thức đặt ra trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo an sinh xã hội…

Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

Phát biểu lễ phát động, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị, các cấp chính quyền phải coi công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể. Thành phố sẽ nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện của các quận, huyện, thị xã.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...