U nang nước buồng trứng có thực sự nguy hiểm?

Chủ Nhật, 23/10/2022 08:29 AM (GMT+7)

U nang buồng trứng chiếm tỉ lệ khoảng 80% các khối u buồng trứng nói chung, là loại khối u rất hay gặp ở phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Hiểu rõ về bệnh này sẽ giúp bạn phòng ngừa hình thành u nang nước buồng trứng một cách hiệu quả.

U nang buồng trứng dạng nước là gì?

U nang buồng trứng dạng nước chiếm gần một nửa các trường hợp nang hình thành bên trong buồng trứng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một loại nang có chứa dịch ở bên trong, vị trí nằm cạnh buồng trứng hoặc phía dưới tai vòi và thường ở 1 bên. Kích thước của nang nước cạnh tai vòi thường thay đổi, dao động từ 0,5 – 20 cm và có thể gây nhầm lẫn đây là một khối u buồng trứng nếu vị trí nằm ngay cạnh buồng trứng.

Nang nước thường không cố định và dễ di động, có thể hình thành ở một hoặc cả hai bên buồng trứng. Thông thường, u nang nước buồng trứng diễn ra âm thầm và không biểu hiện triệu chứng, người bệnh chỉ vô tình phát hiện khi đi khám phụ khoa định kỳ.

Nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng dạng nước

Hiện nay, các nhà nghiên cứu và bác sĩ vẫn chưa thể đưa ra kết luận cho nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng nói chung và các dạng u nang buồng trứng nói riêng. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố được đánh giá làm tăng nguy cơ hình thành u nang nước buồng trứng:

- Tiền sử gia đình có người mắc u nang buồng trứng.

- Môi trường sống và làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất hay các chất độc hại, khói thuốc lá, ô nhiễm.

- Người lạm dụng thuốc tránh thai hay tự ý dùng thuốc tránh thai không theo chỉ định từ bác sĩ.

- Người có tiền sử sẩy thai hoặc nạo phá thai.

- Phụ nữ không có con hoặc ít con thường có nguy cơ bị u nang nước buồng trứng cao hơn.

- Chế độ ăn uống không cân đối kết hợp ít vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ.  

u-nang-buong-trung-anh-huong-the-nao-den-kha-nang-mang-thai11658886575

Triệu chứng nang nước cạnh buồng trứng

Đa số các nang nước cạnh buồng trứng có kích thước tương đối nhỏ, nếu chúng vẫn giữ nguyên kích thước đó thì hầu như không gây ra bất kì triệu chứng gì. Bệnh nhân tình cờ phát hiện qua siêu âm phụ khoa hoặc siêu âm bụng qua các lần khám sức khỏe hoặc khám vì bệnh lí khác.

Những nang có kích thước quá lớn sẽ gây chèn ép các cơ quan xung quanh gây ra những triệu chứng chèn ép: thận ứ nước, ra huyết âm đạo bất thường hoặc đau khi quan hệ tình dục. Một số trường hợp khác sẽ bị tiểu lắt nhắt nhiều lần hoặc táo bón.

Các biến chứng của nang nước cạnh buồng trứng

Nang nước buồng trứng có thể gây một số biến chứng sau nếu không được phát hiện và theo dõi thường xuyên:

- Xuất huyết: Khi nang nước bị vỡ, sẽ làm đứt các mạch máu nằm ở thành nang, dẫn đến máu chảy vào ổ bụng. Nếu các mạch máu bị đứt có kích thước lớn, khó tự cầm máu sẽ có nguy cơ máu chảy nhiều trong ổ bụng hay còn gọi là xuất huyết nội.

- Xoắn: Cũng giống như các loại u buồng trứng khác, nang nước cạnh tai vòi/buồng trứng cũng có khả năng gây xoắn dẫn đến thiếu máu nuôi buồng trứng và tai vòi. Khi tình trạng này diễn ra, bệnh nhân sẽ có những cơn đau bụng dữ dội kèm theo một số triệu chứng như bồn nôn, nôn hoặc sốt nhẹ. Xoắn là một biến chứng nguy hiểm có thể gây ra hoại tử buồng trứng và tai vòi, việc điều trị trễ sẽ rất có khả năng phải cắt bỏ buồng trứng và tai vòi, dẫn đến ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này. Do đó, việc điều trị cho những tình huống này luôn được ưu tiên cấp cứu.

- Vỡ tai vòi: Tai vòi (ống dẫn trứng) là một cơ quan nối giữa buồng trứng và tử cung, đảm nhiệm chức năng vận chuyển trứng vào buồng tử cung, từ đó giúp người phụ nữ đậu thai. Để đảm bảo chức năng này, cần có một vòi trứng mềm mại với hệ thống các lông chuyển hoạt động bình thường ở bên trong lòng ống. Nếu nang nước có kích thước quá lớn nằm vị trí gần tai vòi. Khi xảy ra tình trạng vỡ nang nước cũng có thể sẽ kéo theo gây vỡ tai vòi (ống dẫn trứng). Nếu tình trạng này xảy ra có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của người phụ nữ. Đo sẽ làm biến dạng hoặc để lại sẹo trên tai vòi, hoặc phải cắt bỏ tai vòi…

- Ác tính hóa: Đa số các nang nước cạnh buồng trứng/ nang nước cạnh tai vòi là một cấu trúc lành tính. Tỉ lệ ác tính đối với những loại nang này còn có sự khác biệt qua các nghiên cứu khảo sát. Tuy nhiên nhìn chung, tỉ lệ các nang giáp biên ác hoặc ác tính rất thấp, cho đến nay cũng chỉ có một vài ca bệnh được ghi nhận.

- Vô sinh hiếm muộn: U nang buồng trứng khi phát triển quá mức sẽ chèn ép vòi trứng, ống dẫn trứng và cản trở tinh trùng gặp được trứng, làm giảm khả năng thụ thai. Đồng thời cũng ngăn cản quá trình trứng làm tổ trong tử cung. Từ đó, làm giảm khả năng mang thai ở những phụ nữ mắc phải u nang nước buồng trứng. 

Cách điều trị u nang buồng trứng dạng nước

- Với phụ nữ đang mang thai và bị nang nước buồng trứng, bác sĩ sẽ theo dõi và kiểm tra định kỳ để đảm bảo u nang không ảnh hưởng đến thai nhi. Đồng thời, để đưa ra quyết định có nên sinh mổ hay không khi u nang nước phát triển quá to. 

- Với phụ nữ bình thường và đang có ý mang thai, bác sĩ thường theo dõi định kỳ và chỉ định mổ bóc tách u nang buồng trứng (nếu cần). Tuy nhiên, việc bóc tách khối u cũng cần được cân nhắc cẩn thận để đảm bảo bảo toàn được khả năng mang thai cho bệnh nhân. 

- Với phụ nữ lớn tuổi hay không có ý định mang thai và khối u phát triển nhanh chóng, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một hay hai buồng trứng đang bị u nang nước.

Tùy vào tình trạng cụ thể của từng người mà bác sĩ có những chỉ định điều trị u nang buồng trứng phù hợp

u-nang-nuoc-buong-trung-3

Phòng ngừa u nang nước buồng trứng tái phát

U nang nước buồng trứng rất dễ xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tiền mãn kinh. Do đó, cần thiết thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau: 

- Chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học và ưu tiên bổ sung các chất giúp cân bằng nội tiết tố cơ thể.

- Uống nhiều nước. 

- Xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa đủ. 

- Hạn chế nạo phá thai bừa bãi. 

- Thăm khám phụ khoa định kỳ ít nhất là 4 hoặc 6 tháng một lần. 

Nếu chưa mắc bệnh nang nước cạnh tai vòi/ nang nước cạnh buồng trứng: các chị em nên khám phụ khoa định kì ít nhất 1 lần/năm. Không những để siêu âm tầm soát có mắc nang nước cạnh buồng trứng hay không mà còn tầm soát các loại u buồng trứng khác nguy hiểm hơn.

Nếu đã được chẩn đoán nang nước cạnh buồng trứng/ tai vòi: Người bệnh nên tuân theo lịch hẹn tái khám của bác sĩ đề ra hoặc tái khám sớm hơn nếu có những triệu chứng bất thường. Không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc áp dụng các phương pháp dân gian khác khi đã có triệu chứng, đặc biệt là đau bụng nhiều vì rất có thể đó là biểu hiện của việc đã có biến chứng xảy ra.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....