Ung thư cổ tử cung và những điều cần biết

Thứ Sáu, 04/11/2022 11:14 PM (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính nghiêm trọng nằm trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu nhận biết sớm dấu hiệu ung thư cổ tử cung, bệnh có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (tiếng Anh là Cervical Cancer) là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Picture1

2. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

+ Nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 82. Trong đó khoảng 2/3 số ung thư cổ tử cung là do týp HPV 16 và 18.

+ Hút thuốc lá.

+ Suy giảm miễn dịch do thuốc hay các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như HIV, AIDS.

+ Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như herpes sinh dục, HIV, chlamydia…

+ Lạm dụng thuốc tránh thai thời gian dài làm tăng khả năng viêm niêm mạc màng trong tử cung và khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.

+ Chế độ ăn ít trái cây và rau.

+ Thừa cân có thể làm tăng nồng độ Estrogen (hormone sinh dục nữ chính), dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư tuyến.

+ Sinh đẻ nhiều lần – sinh con sớm: Những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên hoặc sinh con trước 17 tuổi có khả năng bị ung thư cổ tử cung gấp đôi người bình thường.

+ Tiền sử gia đình có người bị ung thư cổ tử cung: Nếu gia đình bạn có người hoặc chính bố, mẹ bạn mắc các bệnh nguy hiểm thì bạn cũng sẽ có tỉ lệ mắc bệnh khá cao.

+ Có mẹ sử dụng Diethylstilbestrol (DES) là loại hormone có tác dụng phòng sẩy thai. Những người phụ nữ có mẹ sử dụng DES trong 16 tuần đầu mang thai có nguy cơ xuất hiện carcinom tuyến tế bào sáng nhiều hơn phụ nữ có mẹ không dùng DES.

+ Hoàn cảnh sống khó khăn, không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ.

7-dau-hieu-nhac-ban-nen-sang-loc-ung-thu-co-tu-cung-som-1

3. Bệnh ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Ung thư cổ tử cung gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Khối u có thể xâm lấn các cơ quan lân cận gây suy thận, thiếu máu, phù chân hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương… khiến  việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh.

Ở giai đoạn tế bào ung thư đã phát triển mạnh và lan rộng, bác sĩ phải chỉ định xạ trị hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng làm mất khả năng sinh con của người phụ nữ.

Tuy nhiên, bệnh ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà thường diễn tiến âm thầm từ 10 – 15 năm. Do đó, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể phát hiện các dấu hiệu của bệnh nếu khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư phụ khoa.

Bệnh ung thư cổ tử được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi (bệnh nhân sống khỏe mạnh trên 5 năm) càng cao. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư cổ tử phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn phát triển của bệnh:

Ung thư ở thể nhẹ, ung thư tại chỗ: Tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 96% nếu điều trị tích cực.

Giai đoạn I - Xuất hiện các tế bào ung thư: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 80 – 90%.

Giai đoạn II - Tiền ung thư: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 50 – 60%.

Giai đoạn III - Ung chưa chưa hoặc không di căn: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 25 – 35%.

Giai đoạn IV - Ung thư di căn: Tỷ lệ sống trên 5 năm là dưới 15%.Hơn 90% bệnh khi tái phát di căn xa sẽ tử vong trong vòng 5 năm.

7-dau-hieu-nhac-ban-nen-sang-loc-ung-thu-co-tu-cung-som-2

4. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung sớm nhất chị em cần lưu ý

- Ra máu âm đạo bất thường: Đây là biểu hiện phổ biến của ung thư cổ tử cung. Bạn có thể chảy máu vào giữa các kỳ kinh nguyệt, trong hoặc sau khi quan hệ tình dục hoặc bất cứ lúc nào sau khi mãn kinh.

- Tiết dịch âm đạo có mùi hôi: Dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, có màu xanh hoặc vàng hoặc có mủ lẫn máu thì rất có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa khác. Vì vậy để xác định được nguyên nhân chính xác, bạn cần phải đi khám phụ khoa.

- Đau, khó chịu khi quan hệ tình dục: Đau khi quan hệ tình dục có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Mặc dù vậy các chuyên gia vẫn khuyến cáo bạn nên thăm khám để có hướng điều trị phù hợp hoặc phát hiện được ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn đầu.

- Đau vùng xương chậu, đau lưng dưới: Các cơn đau có thể từ âm ỉ đến buốt, tập trung ở một vị trí ở vùng xương hông sau đó khuếch tán dần hoặc có thể xuất hiện cùng lúc ở bất kỳ khu vực nào ở xương hông. Nếu cơn đau chỉ mới gần đây và bạn đang không trong kỳ kinh nguyệt thì có thể đó chính là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.

- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Ung thư cổ tử cung gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, do đó, bạn có thể bị trễ kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm…

- Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát hoặc có ít máu trong nước tiểu có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung.

- Sưng đau ở chân: Khi khối u phát triển lớn dần sẽ gây chèn vào các dây thần kinh và mạch máu ở vùng xương chậu gây ra đau và sưng chân.

7-dau-hieu-nhac-ban-nen-sang-loc-ung-thu-co-tu-cung-som-5

5. Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung

Sau khi thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, nếu nghi ngờ bệnh nhân có khả năng đang bị ung thư cổ tử cung thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành các chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết khác:

Soi cổ tử cung

Nếu xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung có dấu hiệu bất thường thì sẽ áp dụng soi cổ tử cung. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt để mở âm đạo, tiếp theo là sử dụng một loại kính hiển vi nhỏ có lắp đèn chiếu sáng giúp quan sát cổ tử cung một cách rõ ràng hơn. 

Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chảy máu bất thường thì sẽ cần tiến hành xét nghiệm chlamydia trước khi thực hiện biện pháp soi cổ tử cung.

sieu-am-dau-do-co-dau-khong

Xét nghiệm tế bào học vùng cổ tử cung

 Một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra từ niêm mạc tử cung và đem đi kiểm tra nhằm tìm kiếm dấu vết ung thư. Bệnh nhân có thể bị chảy máu âm đạo khi trải qua quá trình này và có biểu hiện đau như khi đến kỳ kinh nguyệt.

Chẩn đoán hình ảnh

Nếu kết quả sinh thiết hoặc soi cổ tử cung có dấu hiệu bất thường với nguy cơ ung thư cao thì bệnh nhân cần thực hiện thêm các kiểm tra khác như:

Kiểm tra vùng chậu: trước khi thực hiện cần phải gây mê, tìm kiếm dấu vết ung thư tại các cơ quan như âm đạo, tử cung, trực tràng và bàng quang;

Chụp X-quang phổi: thăm dò xem liệu tế bào ung thư đã lan sang phổi hay chưa;

Chụp CT và MRI: dùng trong trường hợp muốn xác định vị trí, mức độ xâm lấn cũng như khả năng di căn của khối u;

Chụp PET-CT: thường được kết hợp cùng chụp CT để kiểm tra xem bệnh đang ở giai đoạn nào và nên điều trị bằng phương pháp gì là tối ưu nhất.

máy FUS MRI(4)

Để điều trị ung thư cổ tử cung thì cần phải áp dụng nhiều phác đồ khác nhau dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh. Đó có thể là chỉ phẫu thuật, xạ trị hoặc phối kết hợp các biện pháp cùng với nhau như phẫu thuật - xạ trị - hóa trị.

6. Các phương pháp ứng dụng trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Pap smear: hay còn được biết đến là xét nghiệm Pap/phết tế bào cổ tử cung. Để xét nghiệm thì bác  sĩ sẽ thu thập mẫu mô trong tử cung bệnh nhân và đưa vào máy phân tích giúp phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn sớm. Xét nghiệm này khá nhạy trong việc kiểm tra các dấu hiệu bất thường của tế bào tại tử cung, từ đó giúp cảnh báo nguy cơ phát triển bệnh lý trong tương lai;

Xét nghiệm Thinprep: tương tự như xét nghiệm Pap, một mẫu tế bào của cổ tử cung sẽ được thu thập và đưa vào lọ Thinprep chứa chất lỏng định hình. Để thực hiện được xét nghiệm này đòi hỏi phòng Lab cần được trang bị máy Thinprep tự động. Đây là công nghệ mới ưu việt hơn so với phương pháp truyền thống, đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm cũng như nâng cao tính chính xác của kết quả xét nghiệm;

Xét nghiệm virus HPV: theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì có tới 99,7% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Chính vì vậy xét nghiệm virus HPV là phương pháp tầm soát cần thiết nhằm phát hiện virus HPV và nguy cơ gây ung thư ở phụ nữ, nhất là những đối tượng trên 30 tuổi. Tuy nhiên bệnh nhân nên kết hợp cùng xét nghiệm Pap để thu được kết quả chính xác nhất.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....