Vai trò của cha mẹ trong đồng hành cùng con gái tuổi dậy thì

Chủ Nhật, 25/12/2022 01:51 PM (GMT+7)

Tuổi dậy thì là lứa tuổi con đang đứng giữa ranh giới trẻ con và người lớn, có những đặc điểm khá phức tạp, vì thế định hướng cho con là hết sức cần thiết. Vậy bố mẹ đã biết cách dạy con gái tuổi dậy thì sao cho đúng đắn, phù hợp và thực sự giúp ích cho con sau này?

 1. Tính cách con gái tuổi dậy thì

Con gái đến tuổi dậy thì tính cách sẽ thay đổi ít nhiều; mẹ cần dựa vào đó để tìm ra cách dạy con gái phù hợp.

- Trưởng thành hơn trong suy nghĩ: Bé gái thường dậy thì sớm hơn bé trai. Do đó suy nghĩ và tư tưởng của bé gái thường phát triển sớm hơn bé trai. Các em thường ý thức được rằng mình không còn là trẻ con nữa nên mong muốn được cha mẹ tôn trọng.

- So sánh cơ thể với các bạn cùng lứa: Một trong những thay đổi tính cách con gái tuổi dậy thì rõ ràng nhất đó là bé bắt đầu quan tâm đến những thay đổi của cơ thể khi so sánh với các bạn cùng lứa. Đặc biệt các bé gái sẽ thường trở nên nhạy cảm hơn. Dễ lo lắng và buồn rầu khi nhận ra những điểm mà mình không bằng các bạn cùng trang lứa. Các bé gái xuất hiện tâm lý so sánh nhau và bắt đầu quan tâm hơn đến việc làm đẹp, thay đổi phong cách.

- Muốn mở rộng các mối quan hệ bên ngoài: Ở độ tuổi từ 14-16, các bé gái sẽ dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến ngoại hình, vóc dáng, ưu nhược điểm trên cơ thể. Bé muốn tự do khẳng định bản thân đồng thời muốn tách khỏi kiểm soát của gia đình. Để mở rộng hơn nữa các mối quan hệ trong xã hội.

- Chú ý đến bạn khác giới: Những rung động đầu đời dễ khiến cho bé nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu. Tuy nhiên, lúc này tình cảm của các em vẫn là trẻ con với những đặc điểm như dễ thay đổi tình cảm, sớm nắng chiều mưa. Muốn có để thỏa mãn ngay, khi có được lại dễ chán.

- Tính cách con gái tuổi dậy thì nhạy cảm và dễ xúc động hơn: Trong giai đoạn này con gái dậy thì không còn vô tư, vô lo vô nghĩ. Những rung động đầu đời, những lo lắng, suy nghĩ về cuộc sống, áp lực từ việc học hành trong tuổi dậy thì khiến cho các con trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Trong giai đoạn này, mẹ cần quan tâm bé hơn. Ở bên cạnh con gái, tâm sự và chia sẻ với con về những khúc mắc.

day-con-o-tuoi-day-thi-4-1

2. Cách dạy con gái tuổi dậy thì

2.1. Tâm sự với con về những thay đổi lớn của cơ thể

Bản thân mẹ cũng là những người từng trải qua những bỡ ngỡ xa lạ khi lần đầu tiên dậy thì. Với con trẻ cũng không khác mấy về cảm xúc trong thời khắc này. Vì thế mẹ nên nhẹ nhàng gợi mở câu chuyện, lắng nghe những tâm sự của con trước những biến đổi lớn trong cơ thể trẻ như về sự thay đổi của ngực, có kinh nguyệt, vi-ô-lông xuất hiện… Chỉ qua cách dạy con gái tuổi dậy thì bằng việc tâm sự này, cha mẹ sẽ hiểu thêm về trẻ. Ngược lại, trẻ có thêm những lời khuyên hữu ích cho tình trạng của mình. Giúp trẻ thêm tự tin để chào đón hành trình dậy thì và chăm sóc cơ thể trong trạng thái tốt nhất.

2.2 Cùng con trải qua kỳ nguyệt san đầu tiên bình yên

Khi những dấu hiệu của kỳ nguyệt san đầu tiên xuất hiện, chắc hẳn con sẽ cực kỳ bối rối và hoảng hốt. Mẹ nên tìm cách nói chuyện và giúp đỡ trẻ dần quen với chu kỳ sinh lý bình thường này của cơ thể. Mẹ cũng nên dạy con gái tuổi dậy thì cách chăm sóc vùng tam giác sao cho đúng cách. Vệ sinh bằng nước sạch, thay băng vệ sinh sau 2-3 giờ, giặt quần lót sạch sẽ ngay sau khi thay và phơi ra nắng, không uống nước lạnh, bổ sung thực phẩm giàu sắt và nghỉ ngơi điều độ.

2.3. Khuyến khích con tham gia các buổi giáo dục giới tính

Không ít bậc cha mẹ phải thốt lên rằng “Dạy con về tuổi dậy thì sao khó thế?”. Việc trang bị kiến thức giới tính cho trẻ vẫn là bài toán nan giải với nhiều mẹ khi đứng trước những câu hỏi hóc búa của con: “Con gái khác con trai chỗ nào?”, “Khi nào thì đủ tuổi hẹn hò?”… Cha mẹ sẽ làm gì khi hiểu rõ con đang thắc mắc điều gì nhưng lại không biết giải thích bắt đầu từ đâu? Cha mẹ có thể cùng con tham gia các buổi tư vấn tâm sinh lý tuổi mới lớn ở trường lớp cùng bạn bè đồng trang lứa. Đây sẽ là cách dạy con gái tuổi dậy thì gián tiếp, giúp con trang bị thêm kiến thức và tự tin để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn.

2.4. Giúp con tự tin về bản thân

Giáo dục con gái tuổi dậy thì là giúp con tự tin về bản thân của mình, tự tin về tri thức, về ngoại hình và cả tâm hồn. Bởi sự tự tin chính là chìa khóa giúp con mở những cánh cửa thành công và hạnh phúc. Mẹ có thể giúp con trau dồi tri thức bằng việc tặng con những quyển sách hoặc gây bất ngờ với việc đăng kí cho con học lớp năng khiếu/ kĩ năng mềm yêu thích.

Tập cho con biết trân trọng và yêu quý bản thân mình, giúp con gái mình cảm thấy tự tin với ngoại hình của con và giúp cô bé cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với những gì mà bản thân có. Rèn luyện cho bé tấm lòng vị tha, sự bao dung, đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu. Và đừng quên mình sẽ là tấm gương cho con của mình nhé.

2.5. Dạy con về việc độc lập trong tài chính

Cô bé cần phải có khả năng tự lập và độc lập về tài chính, hãy cho con biết giá trị của tiền bạc cũng như khuyến khích con ra ngoài, làm thêm và tự chi trả cho những khoản ăn vặt, mua sắm của mình. Dạy con chi tiêu là điều không thể thiếu. Bạn nên nhẹ nhàng, hướng dẫn và gợi ý danh sách những món đồ dùng cần thiết và không cần thiết, giúp con phân biệt rõ ràng hơn, từ đó xây dựng 1 kế hoạch chi tiêu đúng đắn.

2.6. Dạy con luôn theo đuổi ước mơ

Mẹ nên tìm hiểu và theo dõi những ước mơ và đam mê của con, và cùng giúp con thực hiện. Dù cho có thất bại hãy chia sẽ động viên cho con những lời khuyên đúng đắn để con bắt đầu lại. Hãy vun đắp cho những ước mơ của con dạy con làm hết sức mình để đạt được thành công.

2.7. Dạy con về kỹ năng phòng vệ – tự bảo vệ bản thân

Đây là thời điểm trẻ có chu kỳ kinh nguyệt, nghĩa là trẻ đã có khả năng mang thai. Vì vậy, cha mẹ cũng cần chia sẻ cũng như dạy con gái tuổi dậy thì cách phòng vệ và tự bảo vệ bản thân mình. Kiến thức tránh thai, việc quan hệ nam nữ ra sao cũng là những kiến thức quan trọng cha mẹ nên dạy trẻ. Không được ngần ngại chia sẻ vấn đề này để con không bị kẻ xấu lợi dụng.

2.8. Đặt ra tiêu chuẩn phù hợp với con

Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ sẽ bị thay đổi rất nhiều về mặt tâm sinh lý. Những đứa trẻ ở giai đoạn này rất tò mò, muốn khám phá nhiều thứ và đôi lúc học tập theo những suy nghĩ, hành vi của người lớn. Tuy nhiên, lúc này trẻ vẫn chưa đủ nhận thức để có thể phân biệt được cụ thể những điều tốt và xấu, không có khả năng chọn lọc thông tin một cách chính xác. Nhiều trường hợp trẻ bị thu hút và lạm dụng vào những điều cấm kỵ như chất kích thích, chất gây nghiện,…

Lứa tuổi dậy thì rất cần sự chăm sóc, yêu thương và quan tâm từ gia đình, đặc biệt là cha mẹDo đó, cha mẹ nên đặt ra cho con một số tiêu chuẩn nhất định nhưng không nên quá cứng nhắc với con. Các bậc phụ huynh nên cùng con trao đổi và thảo luận về các vấn đề mà con đang quan tâm. Phân tích cho con những điểm lợi và điểm hại để con hiểu rõ hơn về chúng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên quá áp đặt, siết chặt tất cả mọi hoạt động của con sẽ khiến cho cảm thấy mất tự do, tù túng và gây nên nhiều phản ứng tiêu cực.

2.9.  Đặt ra nguyên tắc cho chính cha mẹ

Việc chỉ thiết lập các mục tiêu, nguyên tắc đối với trẻ vẫn chưa đủ, cha mẹ cần phải đưa ra những quy định cụ thể cho chính mình để có thể sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra xung quanh. Phụ huynh nên rèn luyện cho mình sự nhẫn nại, biết cách kiềm chế những cơn nóng giận, kiểm soát lời nói và hành vi của bản thân khi con mắc phải sai lầm.

Bạn nên hiểu rằng mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách, suy nghĩ riêng, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì trẻ sẽ càng trở nên nhạy cảm. Lúc này con chỉ vừa chập chững bước vào con đường trưởng thành. Con chưa thể hiểu và suy nghĩ một cách thấu đáo như người lớn. Vì thế, sẽ có những lúc con bồng bột, phạm phải những điều sai trái, không đúng chừng mực.

Do đó, bạn cần phải biết cách kiểm soát cảm xúc, không nên buông những lời chửi mắng khó nghe hoặc sử dụng bạo lực với con. Hãy bình tĩnh và làm rõ nguyên nhân sự việc, trò chuyện với con để phân tích cho con biết được những lỗi lầm của bản thân. Sự bao dung, ân cần và thấu hiểu của cha mẹ sẽ giúp trẻ được cảm hóa và dần biết cách điều chỉnh bản thân tốt hơn.

2.10. Trở thành một người “bạn tri kỷ” của con

Để dạy con ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần phải cởi mở và thoải mái hơn trong cách giao tiếp, trò chuyện, không nên quá cứng nhắc, nghiêm túc hoặc bắt ép con không được đùa giỡn, cười nói. Các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu và cập nhật những sự thay đổi của xã hội hiện nay để có thể hiểu và nắm bắt được nhanh chóng những gì mà con chia sẻ.

Chỉ khi trở thành một người “bạn tri kỷ” thì trẻ mới có thể thoải mái tâm sự, chia sẻ những câu chuyện buồn vui, những khó khăn, trở ngại trong quá trình đi học, kết nối bạn bè hoặc là chuyện yêu đương ở tuổi mới lớn. Khi trò chuyện và tâm sự với con, cha mẹ cũng có thể khéo léo để đưa ra những lời khuyên khi con gặp phải khúc mắc, cản trở. Kèm theo đó là những kiến thức giáo dục con về những cách ứng phó với cuộc sống, cho con biết thêm thông tin về tình dục, giới tính, tình yêu và dạy con cách tự bảo vệ bản thân.

tuoi-day-thi-1

3. Những điều cha mẹ cần tránh khi dạy con gái ở tuổi dậy thì

Trong thực tế, những người làm cha làm mẹ đều phải trải qua khoảng thời gian khó khăn và thăng trầm khi con bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì. Đây là một trong những độ tuổi vô cùng nhạy cảm, trẻ phải đối mặt với hàng loạt các sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì thế trong lúc này cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho con và cần dành thời gian quan tâm, dạy bảo con nhiều hơn.

Tuy nhiên, một số trường hợp các bậc phụ huynh lại có những cách dạy sai lệch, nhiều người thường xuyên sử dụng đòn roi hoặc cố gắng ép đặt con trẻ thực hiện theo ý muốn của mình. Điều này sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ. Để hỗ dạy con một cách hiệu quả, các bậc phụ huynh nên tránh làm những điều sau đây:

- La mắng trẻ ở tuổi dậy thì: Khi bước vào độ tuổi dậy thì, kể cả bé trai lẫn bé gái đều phải đổi mặt với những sự thay đổi về thể chất lẫn tinh thần. Ở giai đoạn này trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dễ cảm thấy tổn thương và tủi thân đối với những lời nói trách mắng, la rầy của cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình. Đặc biệt một số trẻ còn biểu hiện sự chống đối, phản kháng dữ dội khi cha mẹ thường quyên la mắng, trách phạt.

Cha mẹ nên tránh la mắng, quát nạt con trong quá trình dạy con ở tuổi dậy thìMột thực tế cho biết rằng, những lời nói chửi mắng hoàn toàn không có tác dụng tốt đối với việc dạy con ở tuổi trưởng thành, đôi lúc nó còn gây ra các tác dụng ngược lại. Khi cha mẹ thường xuyên quát nạt sẽ làm con dần thu mình lại, khoảng cách giữa hai thế hệ càng xa dần, cảm giác thất vọng về gia đình càng nhiều. Vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên học cách kiềm chế cảm xúc, các cơn tức giận của mình, chỉ hãy nói chuyện với con khi cả hai đã bình tĩnh trở lại.

- Không chịu lắng nghe con: Thực tế cho thấy, người lớn luôn muốn con cái, trẻ nhỏ nghe theo lời mình nhưng lại tuyệt nhiên không muốn lắng nghe những điều mà con bày tỏ, chia sẻ. Để dạy con ở tuổi dậy thì tốt nhất, cha mẹ nên tránh việc thờ ơ, không quan tâm hoặc bác bỏ những lời nói của con. Có rất nhiều bậc phụ huynh vì sự bận rộn của công việc, vùi đầu vào “cơm áo gạo tiền” nên quên sự quan tâm, trở nên lạnh nhạt với con cái và cho rằng con đã đủ lớn.

Tuy nhiên khi nghiêm túc lắng nghe con nói, bạn sẽ hiểu hơn về những suy nghĩ, nguyện vọng của con, đồng thời phát hiện được những tư tưởng lệch lạc của con để nhanh chóng điều chỉnh. Càng gần với tuổi dậy thì, con cái thường mong muốn thổ lộ và chia sẻ nhiều hơn về những vấn đề của bản thân, cũng như các khúc mắc chưa được giải quyết. Do đó, khi con cái tìm đến thì cha mẹ cũng nên nắm bắt cơ hội để trò chuyện và lắng nghe con.

- Quá nghiêm khắc, cứng nhắc với con: Tuy biết rằng sự nghiêm khắc là điều cần thiết đối với quá trình dạy con ở tuổi dậy thì. Khi bạn đưa ra những quy định, tiêu chuẩn cho con sẽ giúp con đi đúng hướng, nhận thức tốt những việc làm sai trách và không bị sa lầy vào các hành vi lệch lạc hoặc bị kể xấu lôi kéo, dụ dỗ.

Nhưng nếu cha mẹ quá khắt khe, cứng nhắc trong hầu hết các vấn đề của trẻ thì lại là điều không nên. Đôi lúc sự nghiêm khắc quá mức của bạn sẽ là rào cản vô hình khiến cả hai không thể thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Rất nhiều các trường hợp trẻ em trở nên nổi loạn, chống đối cũng bởi sự cấm đoán một cách vô tội vạ của phụ huynh.

- Sử dụng đòn roi: Hiện nay, quan điểm “thương cho roi cho vọt” đôi lúc đã quá lỗi thời và cần phải điều chỉnh lại. Đặc biệt khi con bước vào lứa tuổi nhạy cảm thì việc sử dụng đòn roi có thể gây nên nhiều hệ lụy xấu, khiến trẻ trở nên bướng bỉnh và bất mãn nhiều hơn. Cũng như việc la mắng, nếu bạn sử dụng đòn roi với con lúc ở chốn đông người sẽ làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm và tự ti nhiều hơn.

Ở tuổi dậy thì, các con thường muốn thể hiện bản thân, muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao năng lực của mình. Nếu cha mẹ thường xuyên đánh đập, sử dụng bạo lực của con sẽ khiến cho con hình thành nhiều sự bất mãn, cảm thấy không muốn gần gũi, yêu thương cha mẹ và cố gắng giữ khoảng cách. Điều này sẽ khiến phụ huynh không thể tiếp tục dạy dỗ con mà còn khiến cho con dễ bị vấp ngã, sa vào những con đường sai trái.

- Gây áp lực học tập cho con: Thông thường những trẻ ở độ tuổi dậy thì thường đang bắt đầu chương trình học cấp 2. So với cấp tiểu học thì các em học sinh trung học cơ sở sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực học cũng như liên tục phải thi cử, làm nhiều bài kiểm tra. Việc học tập quá nhiều đôi lúc cũng sẽ trở thành áp lực và khiến cho nhiều trẻ trở nên mệt mỏi, đuối sức.

Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh lại đặt ra cho con mục tiêu quá lớn, kì vọng quá nhiều về các điểm số mà con đạt được. Điều này lại gây nên nhiều áp lực và khiến cho trẻ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Không ít các trường hợp trẻ em gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm lý như stress, trầm cảm, lo âu,… vì chính áp lực đến từ việc học tập và kì vọng quá lớn của cha mẹ, thầy cô.

Do đó, cha mẹ nên tránh việc cứ nhìn vào điểm số, so sánh con với những bạn khác. Thay vào đó hãy ghi nhận những sự nỗ lực và cố gắng của trẻ. Động viên và khuyến khích trẻ nhiều hơn khi còn chưa đạt được kết quả tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải theo dõi và quan tâm nhiều hơn đến quá trình học của con, đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn của lứa tuổi nhạy cảm.

Cách dạy con gái tuổi dậy thì là điều quan trọng và các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ, hời hợt hoặc bỏ qua. Tuổi thần tiên của con cũng là nền tảng để con bạn phát triển sau này. Nhưng tuổi thần tiên ấy cũng chất chứa nhiều khó khăn riêng đối với chính bản thân con và cả cha mẹ. Vậy nên, hãy cùng dành thời gian tìm hiểu và cho con những lời khuyên đúng lúc, để trẻ luôn cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ, đồng thời chính bố mẹ cũng nên phấn đấu để luôn là tấm gương tốt nơi con gái mình có thể nhìn, học hỏi và noi theo.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....