Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên ở khu vực miền núi

Chủ Nhật, 25/12/2022 06:57 AM (GMT+7)

Hiện tượng tảo hôn ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số vẫn đang còn rất phức tạp. Tuy nhiên, những đối tượng tảo hôn này lại chưa nhận được sự chăm sóc sức khỏe sinh sản, đây là khoảng trống cần lấp.

Hiện trạng tảo hôn và vấn đề truyền thông về sức khỏe sinh sản cho trẻ VTN tại các tỉnh miền núi 

Ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số tình trạng kết hôn sớm, có thai sớm rất phổ biến. Gần 29,5% vị thành niên người dân tộc tuổi từ 15-19 đã lập gia đình, tỷ lệ này ở người Kinh là 6,5%. Tỷ lệ nữ vị thành niên từ 15-19 tuổi đã có con ở miền núi Tây Bắc là 107/1000 ( trong khi tỷ lệ chung trên toàn quốc là 23/1000). Trong khi đó, hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản (SKSS) tình dục vị thành niên còn rất hạn chế. Tại trường học, mỗi năm học có  tổ chức 1 cuộc  nói chuyện chuyên đề của cán bộ dân số xã thực hiện và hoạt động này còn tùy theo nguồn lực và kế hoạch của trên (mà thường là không có kinh phí).Trạm y tế xã không thực hiện hoạt động tư vấn/cung cấp dịch vụ SKSS vị thành niên. 

Bản thân nhân viên y tế xã cũng khó khăn trong việc thực hiện hoạt động này do "nói thì các em gật nhưng không làm theo" và bản thân cũng thấy "tư vấn khó khăn lắm... vì không được học về tư vấn SKSS cho vị thành niên, không được học về dịch vụ thân thiện cho vị thành niên nó nên như thế nào và ở trạm cũng không triển khai dịch vụ cho vị thành niên". Thậm chí, nhân viên y tế còn không biết về các nhóm vị thành niên đặc biệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (CS SKSS) : "Chúng em không biết người đồng tính, người chuyển giới là nhóm nào...còn người khuyết tật thì nói chung là họ ít có nhu cầu về SKSS, vì tình trạng của họ quá khó khăn". Với nhóm vị thành niên, thanh niên đặc thù này, thái độ kỳ thị, định kiến sai lầm của cộng đồng là một rào cản rất lớn để họ có thể tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn, thân thiện.

10513491_568369913329351_6712206106016080193_n

Các biện pháp khắc phục cần đẩy mạnh

Các vấn đề bất cập trong giáo dục giới tính vị thành niên dường như đã tồn tại quá lâu. Nếu giáo dục giới tính được làm tốt trong cộng đồng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho chăm sóc y tế, giảm các vấn đề xã hội. Cần thay giáo dục giáo điều, lý thuyết bằng thực hành kỹ năng, để hiểu biết về SKSS, tình dục biến thành năng lực. Để có thể lấp những "khoảng trống" tồn tại đã quá lâu này, cần thực hiện các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho nhân viên y tế xã, huyện về tư vấn SKSS vị thành niên, dịch vụ thân thiện với vị thành niên và tổ chức lồng ghép mô hình dịch vụ thân thiện tại trạm y tế, trường học cho các em; Tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến xã, huyện về các nhóm đặc biệt như người đồng tính, song tính, chuyển giới, người có H., người khuyết tật và nhu cầu dịch vụ chăm sóc SKSS của họ;  Thông tin, quảng bá dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên cho các nhóm đặc biệt; Phối hợp với chính quyền địa để truyền thông lồng ghép về SKSS vị thành niên, giới và hôn nhân và gia đình, đến vị thành niên và người dân tại cộng đồng.

Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến SKSS rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại các trường học giúp các em học sinh biết được nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên là rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình trong tương lai, đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề sức khỏe sinh sản khi còn trên ghế nhà trường.

Mục tiêu quan trọng trong truyền thông đối với trẻ vị thành niên về chăm sóc SKSS đó là trang bị cho các em học sinh nữ kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe vị thành niên và thanh niên, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn… Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên còn thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về SKSS, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân. Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính vị thành niên, nhiều địa phương đã thường xuyên tổ chức các chương trình bổ trợ kiến thức để thanh niên lứa tuổi này nhận thực đúng đắn về vấn đề này. Ngoài ra, việc kết hợp của ngành y tế và giáo dục ở mỗi đĩa phương được đánh giá đem lại hiệu quả cao cho công tác giáo dục giới tính cho vị thành niên. Lấy Hà Giang làm ví dụ, là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hủ tục liên quan đến vấn đề sinh đẻ còn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, ngành Y tế đã triển khai thực hiện Dự án "Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS". Theo đó, nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS được triển khai thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, tại các chợ phiên và các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ… thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Tuy nhiên, do điều kiện còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế cơ bản cho người dân hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy lĩnh vực y tế nói chung và chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em nói riêng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư rất lớn mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....