Vôi hóa tinh hoàn: vấn đề không nhỏ ở nam giới

Chủ Nhật, 20/11/2022 01:21 PM (GMT+7)

Vôi hóa tinh hoàn là bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của nam giới, điều nguy hiểm là bệnh tiến triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn. Vôi hóa có thể gặp ở cả nam giới trưởng thành và trẻ nhỏ.

1. Thế nào là vôi hóa tinh hoàn

Vôi hóa tinh hoàn là hiện tượng lắng đọng và xuất hiện các nốt canxi ở tinh hoàn, chủ yếu xuất phát từ tinh dịch bị tràn hoặc dịch viêm. Tình trạng vôi hóa này cản trở hoạt động và sự đàn hồi của các mô tinh hoàn, vì thế khi sờ vào có cảm giác bì, cứng. Vôi hoá tinh hoàn là một tình trạng không phổ biến. Tình trạng này được chẩn đoán khi siêu âm tinh hoàn. Hình ảnh siêu âm cho thấy các đám canxi nhỏ hình thành trong tinh hoàn. Tình trạng này thường không có triệu chứng, không gây đau và khó để tự nhận biết. Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa bệnh vôi hoá tinh hoàn và ung thư tinh hoàn. Hầu hết đàn ông phát hiện tình trạng này khi thực hiện siêu âm tinh hoàn vì một số lý do khác, chẳng hạn như sưng, đau tinh hoàn hoặc vô sinh. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bệnh vôi hoá tinh hoàn có phải là một yếu tố nguy cơ độc lập của ung thư tinh hoàn hay không.

Triệu chứng của vôi hoá tinh hoàn là tinh hoàn mất độ đàn hồi bình thường. Bên cạnh đó, nó có cảm giác cứng và rắn hơn. Một vài bệnh nhân có cảm giác đau ở bìu. Nhưng cảm giác đau không quá rõ rệt, và nhiều người sẽ bỏ sót nó. Chỉ đến khi tinh hoàn nặng và đau hơn, biểu hiện xơ cứng thì khi đó bệnh đã chuyển nặng. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn. Đa phần bệnh nhân biết mình bị vôi hóa tinh hoàn khi siêu âm trong thăm khám sức khỏe hoặc kiểm tra những bệnh lý khác. Bệnh có thể xảy ra ở nam giới mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ lẫn người già. Tình trạng vôi hóa tinh hoàn này có thể không tiến triển và không gây ra vấn đề sức khỏe gì, nhưng nếu vôi hóa lan rộng, nó gây đau đớn, viêm nhiễm và những ảnh hưởng nguy hiểm khác.

2. Nguyên nhân của vôi hóa tinh hoàn

- Sỏi nhỏ tinh hoàn: Sỏi nhỏ tinh hoàn gặp ở 0,6% bệnh nhân siêu âm tinh hoàn. Một vài báo cáo ghi nhận có thể 5,6% dân số chung tuổi từ 17 đến 35 gặp tình trạng này. Sau khi siêu âm thấy vôi hoá tinh hoàn, bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra. Tuỳ vào nguyên nhân và tình trạng bệnh từng người, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị.

- Tràn dịch màng tinh hoàn: Tinh hoàn bình thường nằm trong lớp màng bảo vệ gọi là tinh mạc. Trong lớp màng có chứa dịch giúp tinh hoàn trượt lên trượt xuống trong bìu dễ dàng. Tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra khi lượng dịch trong lớp màng này nhiều hơn đáng kể so với mức bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra khi chấn thương tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn,… Những trường hợp này có thể gây đau tức vùng bìu. Khi màng tinh hoàn bị tràn dịch kéo dài và không chữa trị, có thể dẫn đến vôi hoá tinh hoàn.

- Viêm nhiễm tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Viêm nhiễm tinh hoàn không điều trị dứt điểm cũng có thể dẫn đến vôi hoá tinh hoàn.

tran-dich-mang-tinh-hoan (1)

3. Hệ quả của vôi hóa tinh hoàn

Với sức khỏe sinh sản của nam giới, tinh hoàn là cơ quan đóng vai trò quan trọng khi là nơi sản sinh là tinh trùng và hormone testosterone. Do đó mọi bất thường ở cơ quan này đều có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và sức khỏe của người đàn ông. Khi tinh hoàn bị vôi hóa, nó sẽ cản trở hoạt động của các mô và tế bào, do đó hoạt động sản xuất và tích trữ tinh trùng của cơ quan này cũng bị ảnh hưởng. Đầu tiên là ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng tinh trùng. Khả năng thụ tinh của tinh trùng vì thế cũng thấp đi, nếu nghiêm trọng nam giới có thể bị vô sinh, hiếm muộn. Muốn đánh giá vôi hóa tinh hoàn ảnh hưởng như thế nào đến việc sản xuất tinh trùng, cần kiểm tra vị trí vôi hóa cũng như làm xét nghiệm tinh dịch đồ.

Ngoài ra, chức năng của tinh hoàn là tiết hormone sinh dục nam testosterone, sự vôi hóa cũng ảnh hưởng làm suy giảm hormone này. Điều này dẫn tới giảm ham muốn tình dục, khó đạt khoái cảm và vì thế khả năng có con cũng thấp hơn. Như vậy, vôi hóa tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản qua số lượng, chất lượng tinh trùng và lượng testosterone được tạo ra, song mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Bệnh nhân sẽ cần thực hiện các kiểm tra sâu hơn để biết được bệnh đang ở mức nào, từ đó xem xét can thiệp điều trị thích hơn.

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, sự vôi hóa tinh hoàn còn làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính từ một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Mặc dù đây là hai bệnh lý hoàn toàn độc lập song tổn thương và sự xuất hiện bất thường có vôi hóa có thể khiến tế bào biến đổi phát triển thành ung thư.

4. Điều trị vôi hóa tinh hoàn

- Nếu chẩn đoán thấy vôi hóa tinh hoàn ổn định, nghĩa là tình trạng này đã xảy ra từ lâu và không còn hiện tượng tràn dịch, viêm nhiễm bất thường nữa, trong thời gian dài không gây triệu chứng gì và cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản thì người bệnh có thể không cần điều trị. Chấp nhận sống chung với tình trạng vôi hóa tinh hoàn này nhưng bệnh nhân vẫn cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện sớm nếu bệnh tiến triển.

- Nếu vôi hóa tinh hoàn do viêm nhiễm, cần điều trị viêm nhiễm bằng các loại kháng sinh chống viêm, tiêu diệt vi khuẩn và thuốc giảm đau, hỗ trợ điều trị nếu cần thiết. Ngoài ra, nếu tình trạng vôi hóa làm thúc đẩy hoặc là nguyên nhân dễ gây viêm nhiễm, hoặc khi vôi hóa tiếp tục tăng lên dù điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân có thể cần chỉ định phẫu thuật.

- Các trường hợp vôi hóa tinh hoàn do tràn dịch màng tinh hoàn cũng cần phẫu thuật khắc phục bệnh, loại bỏ mảng vôi hóa. Điều trị sớm và theo dõi sau điều trị sẽ tránh được tình trạng bệnh tiến triển nặng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.

Dù đã điều trị, vôi hóa tinh hoàn vẫn có thể tái phát khi nguyên nhân gây bệnh không được khắc phục hoàn toàn. Do đó phòng tránh bệnh bằng chăm sóc sức khỏe tốt, vệ sinh vùng kín sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh và thường xuyên theo dõi, kiểm tra phát hiện bệnh là điều cần thiết.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....