Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bệnh tim bẩm sinh

Thứ Năm, 14/09/2023 03:14 PM (GMT+7)

Trẻ em mắc bệnh tim, thường yếu thể chất, có thể mắc bệnh kèm theo, hấp thu kém nên nguy cơ suy dinh dưỡng tương đối cao. Do vậy, đối với các bệnh nhân tim bẩm sinh, cha mẹ cần kiên nhẫn áp dụng chế độ ăn hợp lý, nâng cao thể chất của con để đáp ứng những yêu cầu trong điều trị bệnh.

Theo quan điểm của Ths.BS Lý Hoàng Anh, Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện (BV) Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trẻ bệnh tim bẩm sinh thường suy dinh dưỡng. Nguyên nhân do trẻ bệnh tim thường kém hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn. Trong giai đoạn sơ sinh, khi bú, trẻ rất hay mệt, phải bú nhiều lần trong một cử, nghỉ ngắt quãng giữa các lần bú, đổ mồ hôi. Giai đoạn trẻ ăn dặm, thức ăn chứa nhiều muối làm tăng mức độ suy tim, càng khiến trẻ mệt hơn. Tuy nhiên, thức ăn nhạt lại khiến trẻ chán ăn. Nguyên nhân khác, trẻ bệnh tim thường viêm phổi, phải điều trị kháng sinh tới lui, lại khiến bé biếng ăn, hấp thu dinh dưỡng kém. Ngoài ra, một số trẻ mắc bệnh tim kèm theo hội chứng Down, không hợp tác tốt trong việc ăn uống… Tất cả những điều này khiến trẻ bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ cao bị thấp còi, suy dinh dưỡng.

Theo BS Hoàng Anh, nhu cầu năng lượng của trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không khác so với trẻ khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, trẻ mắc bệnh hấp thu dinh dưỡng kém, nên cha mẹ cần có những biện pháp can thiệp phù hợp trong quá trình nuôi nấng. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu cần chia nhiều cữ bú, khoảng 8-10 cữ/ngày. Còn trẻ từ 4-6 tháng tuổi, duy trì lượng sữa 8 cử/ngày và bắt đầu bổ sung thêm vitamin và khoáng chất có trong các loại trái cây như xoài, đu đủ. Với trẻ lớn hơn, duy trì số cử bú trong ngày, đồng thời tăng hàm lượng thức ăn dặm từ 3-5 cử mỗi ngày. Còn trẻ từ 2 tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho ăn chế độ như người lớn, bổ sung khoáng chất và vitamin khi cần. Những bé đã được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh, cần sự tư vấn phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa tim mạch và dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng thể chất và năng lực hấp thu dinh dưỡng của bé.

benh-tim-bam-sinh-o-tre-em

Một số phụ huynh có con mắc bệnh tim bẩm sinh vì lo lắng cho thể trạng yếu ớt của trẻ thường bổ sung cho trẻ nhiều loại thuốc bổ. Các bà mẹ thấy con bú không được nhiều, sợ thiếu vi chất này nọ, thường bổ sung vitamin, khoáng chất bằng đường uống. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, việc tùy tiện cho trẻ uống thuốc bổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ. Trong một số thuốc có thể chứa dư lượng khoáng chất trẻ cần. Ðôi khi thuốc có lượng muối và natri khiến tình trạng suy tim hiện tại của trẻ trầm trọng thêm. Vì vậy, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá tổng quan thông quan lâm sàng và cận lâm sàng, xác định bé thật sự thiếu hụt thành phần nào để bổ sung cho phù hợp về liều lượng và thời gian sử dụng. Sự thay đổi về chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh lý của trẻ. Với những bé bệnh tim bẩm sinh ở mức độ nặng, cần thiết có sự phối hợp, trao đổi giữa bác sĩ chuyên khoa nhi, tim mạch và dinh dưỡng để nâng thể trạng cho trẻ, điều kiện cần thiết để trẻ có thể tiến hành phẫu thuật. Các bác sĩ cân chỉnh rất nhiều phương pháp kết hợp, phù hợp với thể trạng riêng của từng trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, cha mẹ bệnh nhi cũng cần kiên nhẫn khi trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh chưa được điều trị khỏi. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cần kiểm soát tốt bệnh tim bẩm sinh của trẻ, các vấn đề suy tim, viêm phổi, dự phòng những nguy cơ chuyển biến xấu. Cha mẹ chủ động tiêm ngừa các bệnh đường hô hấp và các bệnh lý thường gặp cho trẻ giai đoạn đầu đời, giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, phòng ngừa bệnh tật.

Trong vấn đề vận động, bác sĩ cho rằng, nếu trẻ tim bẩm sinh không tím, cứ để trẻ thỏa thích chơi đùa với bạn bình thường. Trường hợp gắng sức, trẻ có thể mệt sớm hơn các bạn đồng trang lứa, tuy nhiên cũng không nên vì vậy mà hạn chế trẻ. Hiện nay, lĩnh vực điều trị tim bẩm sinh cho trẻ ở nước ta đã phát triển vượt bậc, có năng lực điều trị hiệu quả cho hầu hết các bệnh lý tim bẩm sinh. Sau can thiệp, phẫu thuật điều trị, nếu trẻ không có các vấn đề liên quan rối loạn tâm thần vận động như bệnh Down thì hoàn toàn phát triển bình thường như trẻ khỏe mạnh khác.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....