Xử trí sốt ở phụ nữ mang thai

Thứ Ba, 15/09/2020 12:47 PM (GMT+7)

Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ có sức đề kháng rất kém. Điều này dẫn đến việc thai phụ dễ nhiễm các loại bệnh như: Cảm cúm, ho, sổ mũi và sốt. Theo ước tính, sốt khi mang thai gặp khoảng 15% các trường hợp, nhiều bà mẹ quá lo lắng và không biết hệ lụy của vấn đề trên.

Thông thường sốt là một phản ứng của cơ thể với một quá trình bệnh lý. Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng hơn so với bình thường (trên 37oC), ngay cả lúc nghỉ ngơi ở môi trường bình thường được gọi là sốt. Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt, trong đó thường gặp là nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng...) xâm nhập đường tiểu, hô hấp, tiêu hóa hoặc đường máu...

Ảnh hưởng của sốt đối với thai nhi

Theo các nghiên cứu, mẹ bầu bị sốt trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bé bị sứt môi, dị tật tim bẩm sinh và dị tật ống thần kinh từ 1,5-3 lần. Tuy nhiên, kết quả của một số nghiên cứu, hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác nhận bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa sốt và bất thường bẩm sinh.

Những phụ nữ bị sốt khi mang thai có nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh cao gấp 2 lần so với thai phụ bình thường. Có bằng chứng cho thấy rằng dùng đủ liều axit folic có thể làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, có rất ít bằng chứng ủng hộ ý kiến cho rằng thai phụ bị sốt làm tăng khả năng bất thường bẩm sinh cho bé.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sốt ở mẹ trong giai đoạn thai kỳ và trẻ mắc tự kỷ, đặc biệt là ở trong giai đoạn 2 của thai kỳ. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy sốt thường xuyên làm tăng khả năng này. Tuy nhiên, khả năng tự kỷ ở thai nhi bị sốt là thấp hơn nếu người phụ nữ dùng thuốc chống sốt rét khi mang thai.

Mất thai hoặc sẩy thai xảy ra trong khoảng 20% thai kỳ. Sốt không phải là nguyên nhân chính gây mất thai, nhưng nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm trùng có nguy cơ gây mất thai.

kham thai

Cần khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Cần làm gì?

Đối với người bình thường, việc điều trị sẽ đơn giản do không có nhiều nguy cơ. Nhưng đối với thai phụ khi bị sốt nếu dùng thuốc không đúng mục đích (ngay cả thuốc Đông y) cũng có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, nếu nghi ngờ sốt, thai phụ cần nhanh chóng biết chính xác nhiệt độ cơ thể khi sốt là bao nhiêu. Nếu sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Để điều trị sốt, điều quan trọng là bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây sốt.

Nếu nguyên nhân gây sốt là do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh. Thông thường, các bác sĩ nhận định phần lớn kháng sinh là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ có 10% thuốc kháng sinh “có đủ dữ liệu liên quan đến sử dụng an toàn và hiệu quả” trong thai kỳ. Do đó, bác sĩ cần phải đánh giá rủi ro và theo dõi đáp ứng thuốc.

Nếu thai phụ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh cúm, nên khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus, có hiệu quả nhất khi sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Ngoài ra, khi bị sốt, thai phụ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, có thể giúp giảm triệu chứng sốt và rút ngắn thời gian mắc nhiều bệnh.

Axit folic là một chất bổ sung trước sinh quan trọng, vì nó có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Một nghiên cứu về nhóm phụ nữ bị sốt ngay trước khi mang thai hoặc rất sớm trong thai kỳ cho thấy, những người tiêu thụ dưới 400microgam axit folic mỗi ngày có khả năng sinh con bị dị tật ống thần kinh cao nhất.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc phòng tránh lây nhiễm các bệnh đối với phụ nữ mang thai là rất quan trọng. Về mùa đông, cần giữ ấm, tránh để nhiễm lạnh. Mùa hè tránh ra nắng gắt giữa trưa sẽ cảm nắng. Giữ vệ sinh cá nhân tốt. Trong quá trình mang thai, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm nghi ngờ mắc bệnh. Không ăn các thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tránh gây ngộ độc, lây bệnh từ gia cầm, gia súc...

Ngoài ra, thai phụ cần khám thai đúng lịch để phát hiện những bất thường, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

BS. Nguyễn Mai/ SK&ĐS

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....