Bài toán nan giải về mức sinh và già hóa dân số tại Hàn Quốc

Thứ Ba, 25/07/2023 04:27 PM (GMT+7)

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc vào năm 2023 là hơn 6,7 ca/1000 người, giảm 1,93% so với năm 2022. Năm 2020, tỷ lệ sinh trung bình ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức 0,84, nghĩa là trung bình 1 phụ nữ Hàn Quốc sinh chưa tới một người con, chỉ 0,84 con trong suốt cuộc đời. Đây là mức sinh thấp nhất thế giới.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, trong năm 2017, nước này có hơn 40.000 cơ sở chăm sóc trẻ em nhưng tính đến cuối năm 2022, con số đó đã giảm gần 1/4 xuống còn khoảng 30.900. Trong khi đó, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên gần 90.000 vào năm 2022.

Sự thay đổi kể trên là minh chứng rõ ràng nhất đối với một vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đến nay vẫn chưa thể đảo ngược tại Hàn Quốc. Đây là một trong những quốc gia có tốc độ dân số già nhanh nhất thế giới và có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tỷ lệ này đã liên tục giảm kể từ năm 2015 mặc dù các nhà chức trách đưa ra các ưu đãi tài chính và trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng sinh thêm con. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc vào năm 2023 là hơn 6,7 ca sinh/1000 người, giảm 1,93% so với năm 2022. Năm 2020, tỷ lệ sinh trung bình ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức 0,84, nghĩa là trung bình 1 phụ nữ Hàn Quốc sinh chưa tới một người con, chỉ 0,84 con trong suốt cuộc đời. Đây là mức sinh thấp nhất thế giới. Vào cuối những năm 2000, chính phủ bắt đầu cảnh báo cần có các biện pháp chính sách để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết hơn 200 tỷ USD đã được chi ra để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì hiệu quả và những tác động từ tình trạng già hóa dân số ngày càng rõ rệt trong kết cấu xã hội và cuộc sống hàng ngày.

Theo hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Số liệu từ cơ quan thống kê chính thức của đất nước cho thấy tổng số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn không thay đổi trong nhiều năm, chỉ tăng vài chục trường kể từ năm 2015. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh thấp này là do nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa làm việc đòi hỏi khắt khe, người trẻ muốn tập trung phát triển sự nghiệp, hay giá nhà đất cao, chi phí sinh hoạt tăng, gánh nặng tài chính trong nuôi dạy con cái cũng như sự thay đổi quan điểm đối với hôn nhân và bình đẳng giới ở thế hệ trẻ.

Cục Thống kê Hàn Quốc gần đây đã thông báo dân số Hàn Quốc liên tục giảm trong ba năm qua: giảm 32.611 người vào năm 2020, 57.118 người năm 2021 và 123.800 người trong năm 2022. Nếu xu thế này tiếp tục và Hàn Quốc không chuẩn bị tiếp nhận hàng triệu người nhập cư, số dân của Hàn Quốc sẽ giảm xuống trong những năm tới, trong khi tỷ lệ người trên 65 tuổi trong xã hội sẽ ngày càng tăng.

Dân số già ngày càng tăng của Hàn Quốc đồng nghĩa với sự bùng nổ nhu cầu về các dịch vụ dành cho người cao tuổi, gây căng thẳng cho một hệ thống đang tìm cách theo kịp. Theo một báo cáo mới được Tổ chức Hợp tác và Kinh tế Phát triển (OECD) công bố gần đây, hơn 3 trong số 10 người cao tuổi Hàn Quốc đang phải làm những công việc lương thấp sau khi nghỉ hưu để trang trải chi phí sinh hoạt, trong khi tỷ lệ nghèo của họ vẫn còn cao trong số các thành viên khác của OECD.

Theo báo cáo, tỷ lệ người cao tuổi Hàn Quốc có việc làm vào năm 2021 đạt con số đáng lo ngại là 34,9%, cao nhất trong số các quốc gia thành viên OECD. Điều này cho thấy rằng một số lượng đáng kể người cao tuổi đã phải tiếp tục lao động sau khi vượt qua tuổi nghỉ hưu, thường là trong những công việc không đòi hỏi kỹ năng cao và được trả lương thấp. Tình trạng này làm cho mức lương trung bình hàng tháng của người lao động ở độ tuổi 68 chỉ đạt 1,8 triệu won (khoảng 1.374 USD) vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình của những người 58 tuổi, là 3,11 triệu won. Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 25% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 70 tuổi trở lên có việc làm, và họ chỉ kiếm được trung bình 1,39 triệu won mỗi tháng. Điều này đặt nước này vào một vị trí đáng báo động, vì năm 2020, tỷ lệ nghèo của người cao tuổi Hàn Quốc đạt mức 40,4%, cao nhất trong số các quốc gia thành viên OECD.

Ở Hàn Quốc, hệ thống lương hưu vẫn đang hoàn thiện và các thế hệ hiện tại vẫn có mức lương hưu rất thấp. Sự gia tăng nhanh chóng các viện dưỡng lão trong những năm gần đây có thể giúp giảm bớt phần nào gánh nặng xã hội già hóa. Tuy nhiên, những lo ngại dài hạn về tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn tồn đọng, khi số lượng lao động trẻ - những người rất quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu - đang giảm dần.

Các con số thống kê không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách. Đất nước cần đưa ra những biện pháp cụ thể và hiệu quả để giúp người cao tuổi thoát khỏi tình trạng nghèo đói và tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn. Điều này có thể bao gồm việc tạo ra các chương trình đào tạo và hỗ trợ để nâng cao trình độ và kỹ năng của người cao tuổi, cùng với việc cải thiện chính sách liên quan đến hưu trí và an sinh xã hội. Đồng thời, cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để tạo ra cơ hội việc làm và tăng cường sự phát triển kinh tế bền vững.

Trong tương lai, sự quan tâm và sự chăm sóc đối với người cao tuổi là một yếu tố quan trọng và cần thiết để xây dựng một xã hội bao dung và phát triển. Việc đảm bảo một cuộc sống đáng sống và tương lai tốt hơn cho những người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn của toàn bộ cộng đồng.

Lưu Trung Kiên

Cùng chuyên mục

WHO lo ngại tình trạng số người cao tuổi ở châu Âu nhiều hơn số người dưới 15 tuổi

Ngày 11/10 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vào năm 2024, số người trên 65 tuổi tại châu Âu sẽ...

Bài toán nan giải về mức sinh và già hóa dân số tại Hàn Quốc

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc vào năm 2023 là hơn 6,7 ca/1000 người, giảm 1,93% so với năm 2022. Năm 2020, tỷ lệ sinh trung...

Dân số Ấn Độ dự kiến vượt Trung Quốc vào tháng 4 năm nay

Dữ liệu về dân số toàn cầu của Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, dân số của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc...

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7

Ngày Dân số thế giới (11/7) là sự kiện thường niên nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số toàn cầu