Cách tự cứu mình trước cơn đột quỵ

Thứ Hai, 14/10/2019 12:13 PM (GMT+7)

Bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với đột quỵ, đặc biệt là các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ. Mỗi người cần biết yếu tố nguy cơ của mình là gì, đặt mục tiêu cần đạt.

Tại hội nghị đột quỵ cuối tuần qua, tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Nếu may mắn cứu sống, nhiều bệnh nhân đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý... Các thống kê thấy khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ một lần không thể quay lại cuộc sống bình thường. Do vậy điều trị phòng ngừa đột quỵ mới là điều quan trọng nhất.

Bác sĩ Thắng cho rằng, bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với đột quỵ, đặc biệt là các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ. Bởi vậy, mỗi người cần biết yếu tố nguy cơ của mình là gì, đặt mục tiêu cần đạt.

dotquy

Trên 90% bệnh nhân đột quỵ có cao huyết áp, do đó người cao huyết áp cần điều trị kiểm soát huyết áp theo đúng mục tiêu. Khoảng 20-30% bệnh nhân đột quỵ có bệnh tiểu đường không được kiểm soát đường huyết tốt. Nhiều người bệnh tự ý ngưng thuốc khi thấy khoẻ, không theo dõi bệnh thường xuyên, đến lúc xảy ra đột quỵ mới hối tiếc.

Bác sĩ Thắng nói thêm, có những yếu tố nguy cơ buộc phải chấp nhận như tuổi tác, càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao.

Với những nguyên nhân có thể thay đổi được, thầy thuốc và bệnh nhân cần phối hợp tốt, chẳng hạn người rung nhĩ phải uống kháng đông để ngừa đột quỵ, người hút thuốc lá phải cai thuốc. Cần hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn, kiểm soát cholesterol...

Theo bác sĩ Thắng, nhận thức người dân về đột quỵ ngày càng cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Cách đây 10 năm, khoảng 9% bệnh nhân đột quỵ đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong những giờ vàng đầu tiên. Hiện tỷ lệ tăng lên gần 20%, tức vẫn còn khoảng 80% bệnh nhân ngoài "thời gian vàng", không thể điều trị hiệu quả. Nhiều người thấy các triệu chứng đột quỵ như yếu nhẹ tay chân, nghĩ sẽ tự hồi phục, vài giờ sau liệt người, vào viện thì đã trễ. Những nước phát triển, khoảng 70-80% bệnh nhân đến viện sớm.

Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ. 

Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng như cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng...

Lấy bỏ các vật trong miệng hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành. Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....