Cao Bằng: Nâng cao nhận thức của người dân về nạn tảo hôn

Thứ Bảy, 09/09/2023 09:04 AM (GMT+7)

Để hạn chế tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên trong việc kết hôn đã được triển khai với sự chung tay mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.

Theo thống kê, năm 2020 toàn tỉnh Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn; năm 2021 có 261 cặp tảo hôn; 11 tháng của năm 2022 có 100 cặp tảo hôn; 6 tháng đầu năm 2023 có 21 cặp tảo hôn… Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi. Tình trạng tảo hôn thường diễn ra ở vùng có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống như huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng...

Những năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn được lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai, tuy nhiên tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, thậm chí có nơi có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS với nhiều hệ lụy buồn. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn đi kèm với văn hóa của các DTTS.

Nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn tảo hôn chủ yếu là do trình độ dân trí của các DTTS còn thấp, người dân chưa nhận thức rõ tác hại sâu xa của tình trạng tảo hôn. Vấn nạn tảo hôn còn tước đi sự phát triển toàn diện của các bé gái... Tuy nhiên, đây lại là những tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền khu vực dân trí còn thấp, nơi các cộng đồng dân cư sống biệt lập, ít tương tác với các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

94131630pmth-1

Tảo hôn tước đi nhiều cơ hội học tập và phát triển thể chất của đồng bào DTTS ở Cao Bằng.

Triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2711/KH-UBND ngày 29/9/2015 của UBND tỉnh cho giai đoạn I 2016 - 2018  và có 1 mô hình điểm tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông (nay là xã Thanh Long, huyện Hà Quảng).

Tại Kế hoạch số 914/KH-BCĐ ngày 28/3/2019 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018 – 2025, Cao Bằng đã triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh và lựa chọn 6 huyện có nhiều nguy cơ tảo hôn làm mô hình trọng tâm.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao bằng cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, nhận thức của cấp ủy, chính quyền huyện, xã có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm hơn đến tình trạng tảo hôn. Các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các phòng chuyên môn, các tổ chức đoàn thể thường xuyên lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn tại địa phương. Lãnh đạo các cấp, ngành trực tiếp tham mưu triển khai thực hiện, thường xuyên quan tâm đánh giá, tổng kết để điều chỉnh nội dung tham mưu kế hoạch thực hiện phù hợp với vùng, miền, dân tộc tại địa phương.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tạo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Điều đáng mừng là nguời dân vùng đồng bào DTTS sau khi tham gia các hội nghị cung cấp thông tin, tư vấn đã nhận thức được hậu quả, hệ lụy của tảo hôn đến cá nhân, gia đình và xã hội. Đồng thời, biết thêm nhiều thông tin về những hình thức, định mức xử phạt các hành vi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật trong hôn nhân và gia đình.

Để giữ vững kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn một cách nghiêm túc, có hiệu quả.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...