Chuyện của những  người già cô đơn phải làm bạn với Robot

Thứ Bảy, 20/04/2019 02:37 PM (GMT+7)

Từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Hàn Quốc, nhu cầu về rô bốt dự kiến sẽ tăng mạnh trong bối cảnh xã hội châu Á ngày càng có nhiều người cô đơn hơn trước.

nguoi-gia-co-don

Sự kiện hãng công nghệ Mỹ iRobot trình làng Roomba, một trong những rô bốt hút bụi đầu tiên trên thế giới, đã gần 20 năm. Không ngạc nhiên khi dân Nhật thuộc nhóm người tiêu dùng đầu tiên mua Roomba sau khi nó được giới thiệu vào năm 2002, nhưng nhà sản xuất hoàn toàn bất ngờ về công dụng khác của dòng rô bốt bên cạnh chức năng dọn dẹp nhà cửa này. Roomba chẳng hiểu sao lại trở thành “vật cưng” của nhiều người Nhật. Họ lên mạng chia sẻ mẹo đặt tên rô bốt sao cho thật dễ thương, chụp ảnh chúng và thậm chí còn lập ra những nhóm chat để chào mừng những thành viên mới của cộng đồng.

Một số doanh nhân Nhật, bao gồm nhà sáng lập Công ty rô bốt Yukai Engineering là ông Shunsuke Aoki, đã nhanh chóng bắt được xu hướng trên.

“Cô đơn đang trở thành vấn đề lớn tại xứ sở hoa anh đào, thậm chí thế hệ trẻ cũng không thoát được nỗi ám ảnh của sự cô độc”, theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của ông Aoki về tiềm năng to lớn của rô bốt đồng hành và làm bạn với con người. Tình trạng càng thêm báo động khi giờ đây làn sóng cô độc đang lan sang nhiều nước châu Á khác, bởi ngày càng nhiều người không lập gia đình và dân số già hóa.

Vì thế công nghệ rô bốt đang khởi sắc khắp châu Á. Vào năm 2016, các công ty Hàn Quốc bán được khoảng 41.000 rô bốt, chỉ đứng sau Trung Quốc với hơn 65.000 sản phẩm, theo trang The Robot Report dẫn báo cáo của Liên đoàn Rô bốt học quốc tế (IFR). Ông Andy Liu của Hãng tư vấn công nghệ Future Form (trụ sở tại Bắc Kinh) dự đoán trong vòng 5 - 10 năm tới, người tiêu dùng cao tuổi của Trung Quốc sẽ đặc biệt chuộng các dòng rô bốt giúp họ khuây khỏa trong những ngày tháng cuối đời. Ở Nhật, dự kiến đến năm 2040, cứ 5 hộ gia đình sẽ có 2 gia đình có người sống cô độc, theo Kyodo dẫn ước tính của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia.

Không chỉ người già, trẻ con cũng được cha mẹ giới thiệu tiếp xúc với rô bốt. Doanh thu ở lĩnh vực khách hàng tiêu dùng nhỏ tuổi cũng dự kiến tăng.

 “Vào năm 2017, chúng tôi bán được khoảng 1 triệu sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho nhu cầu rô bốt giáo dục ở trẻ em, và con số này tăng lên 3 triệu trong năm 2018”, theo ông Kang Heng, đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp Unisound ở Bắc Kinh.

Trong lúc xu hướng rô bốt đồng hành đang trở nên thắng thế tại các thị trường tiêu dùng, thì giới chuyên gia lại cảnh báo nguy cơ phát sinh nếu cho rằng có thể sử dụng rô bốt để giải tỏa nỗi cô độc.

 “Cứ thử tưởng tượng thay vì đến thăm ông bà, tôi lại mua một con rô bốt và gửi đến nhà”, SCMP dẫn lời Giáo sư Gael Bonnin của Trường Thương mại Neoma ở Paris (Pháp). Ông cho rằng rô bốt không thể thay thế được người thật, thậm chí còn có thể làm trầm trọng hơn cảm giác bị cô lập ở những con người đang phải sống một mình.

Về phần mình, ông Aoki của Hãng Yukai Engineering cho rằng không nên cố gắng biến rô bốt thành con người, đặc biệt trong môi trường gia đình nhằm tránh tình cảnh phụ thuộc tình cảm quá mức vào một đồ vật, vì cũng giống mọi thứ khác chúng đều có tuổi thọ sử dụng.

Người già Nhật Bản sống cô đơn, đến chết vẫn cô đơn

Sự phát triển kinh tế và dịch chuyển xã hội đã làm xói mòn mối quan hệ gia đình tại Nhật Bản. Thực tế này cũng đã để lại hậu quả lớn đó là sản sinh ra một thế hệ người Nhật Bản buộc phải sống và chết trong sự cô đơn.

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam, câu chuyện một người đàn ông 69 tuổi chết trên nền nhà ở khu dân cư Tokiwadaira, ngoại ô Tokyo trong suốt 3 năm mà không ai hay biết có lẽ đánh dấu sự ra đi trong cô đơn đầu tiên tại Nhật Bản.

Sau khi người này qua đời, tiền thuê nhà hàng tháng và các khoản chi trả sinh hoạt hàng ngày vẫn được trừ tự động từ tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, sau khi các tài khoản tiết kiệm của ông hết sạch tiền vào năm 2000, giới chức mới đến căn hộ và phát hiện người thuê chỉ còn là bộ xương khô nằm gần bếp, cách các nhà hàng xóm xung quanh chừng vài mét.

Ngôi nhà mà người già này qua đời nằm trong khu nhà của Chính phủ xây dựng, một trong những khu dân cư lớn nhất tại Nhật vốn là biểu tượng cho sự bùng nổ trẻ em thời hậu chiến và tạo tiền đề cho một cuộc sống hiện đại, kiểu phương Tây.

Nhưng ngày nay, khu nhà bỗng nhiên trở nên nổi tiếng với cái tên rùng rợn nơi “chết trong cô đơn”.

Có thể, nước nào cũng có những trường hợp người già chết trong cô đơn nhưng chưa có nước nào trải qua thực trạng giống như Nhật Bản, nơi có dân số già hóa với tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Hiện nay, hơn 1/4 dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và dự kiến tăng 40% tính đến năm 2050. Vấn nạn này đã trở nên đáng báo động và buộc Chính phủ Nhật phải lưu tâm sau khi một tạp chí hàng tuần nổi tiếng đăng tải thông tin “4.000 người chết cô đơn/ tuần” ngay trên trang bìa.

“Cách chúng tôi chết phản chiếu cách chúng tôi sống”

Xu thế chết trong cô đơn là hậu quả một xã hội dân số già và những thay đổi trong cấu trúc gia đình. Suy nghĩ đơn điệu, chỉ tập trung vào phát triển kinh tế sau một thế hệ dài bị trì trệ, đã làm tan rã cấu trúc và ý nghĩa về gia đình, cộng đồng, khiến thế hệ về sau của Nhật mắc kẹt giữa tình trạng tuổi ngày càng tăng và tỉ lệ sinh giảm.

Những hộ gia đình 3 thế hệ không còn nhiều như trước. Hiện nay, hầu hết người Nhật thích sống một mình, số lượng cặp đôi kết hôn rất thấp và nếu có thì cũng ít người sinh con.

Theo cô Masaki Ichinose, đến từ Trung tâm Nghiên cứu sự sống và cái chết tại Đại học Tokyo, đàn ông Nhật Bản lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì danh dự và ngại ngần nhờ cậy sự giúp đỡ.

Họ về hưu sau một vài công việc gắn bó cả đời và mất đi cộng đồng duy nhất. Nếu những người này goá vợ, ly hôn hoặc không kết hôn, họ sẽ rơi vào cảnh cô đơn đến cuối đời - cô Kumiko Kanno, tác giả một cuốn sách về sự qua đời trong cô đơn chia sẻ.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, thế hệ trẻ quá tập trung vào sự nghiệp và không có con cái đẩy họ đến cảnh sống cô đơn khi về già. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, một số người Nhật nghĩ, họ hoàn toàn có thể sống tốt và không cần phải có thêm bạn mới.

Cứ như vậy, sự cô đơn tuyệt đối của người già Nhật Bản trở thành điều hoàn toàn bình thường. Ông Takumi Nakazawa, 83 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Cư dân tại khu nhà Tokiwadaira trong suốt 32 năm cho biết: “Cách chúng tôi chết phản chiếu cách chúng tôi sống”.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...