Đau bụng ở trẻ có thể là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm nào?

Thứ Hai, 15/06/2020 06:53 AM (GMT+7)

Triệu chứng đau bụng ở trẻ em có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm cần can thiệp gấp.

dau-bung-o-tre

Triệu chứng đau bụng ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân triệu chứng đau bụng ở trẻ em gây đau bụng ở trẻ như:

Nhiễm vi khuẩn, virus, côn trùng cắn.

Ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay độc chất.

Dùng thuốc quá liều, đặc biệt là do dùng nhiều kháng sinh gây loạn khuẩn.

Do bệnh lý của các cơ quan trong ổ bụng hoặc lân cận,...

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi của trẻ mà triệu chứng đau bụng ở trẻ em sẽ khác nhau. Nếu chưa biết nói, trẻ thường quấy khóc liên tục, vẻ mặt nhăn nhó đau đớn. Trẻ lớn hơn có thể sẽ than phiền với cha mẹ về tình trạng đau bụng của mình. Đôi khi trẻ có thể chỉ ra được vị trí hoặc vùng bụng bị đau, mô tả được tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác.

Đau bụng ở trẻ có thể là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm nào?

Triệu chứng đau bụng ở trẻ em có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm cần can thiệp gấp như:

Viêm ruột thừa cấp: Trẻ đau bụng tự phát khu trú ở hố chậu phải, kèm theo sốt vừa và nhẹ (38oC), rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn), đau kèm theo phản ứng thành bụng khi sờ nắn vào hố chậu phải.

Lồng ruột cấp tính: Trẻ đau bụng với những cơn đau ngắt quãng, đau từng cơn, mỗi cơn đau khóc thét, uốn người kèm theo nôn, da tái nhợt, có khi nôn hoặc đi ngoài phân lẫn nhầy và máu. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.

Xoắn thừng tinh ở bé trai: Trẻ đột ngột đau tinh hoàn kèm theo biểu hiện tăng thể tích tinh hoàn và rất đau khi bị sờ hoặc đụng vào.

Xoắn u nang buồng trứng ở bé gái: Trẻ đau vùng bụng kèm theo nôn. Sờ nắn thấy một u ở vùng khung chậu - bụng.

Thoát vị bẹn nghẹt: Nguy cơ thắt nghẹt cao hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.

Bệnh động kinh thể bụng: Trẻ đau bụng, nhiều khi đau dữ dội, đau không theo chu kỳ, lúc đau lúc không, lúc sốt, đôi khi liên quan đến trạng thái thần kinh.

Giun chui ống mật: Trẻ đột ngột đau bụng dữ dội kèm nôn nhiều, có trẻ còn nôn ra giun. Thường gặp ở trẻ từ 3-7 tuổi.

Tắc ruột do bã thức ăn: Trẻ bị đau bụng thường kèm theo nôn, bí trung đại tiện.

Trường hợp đau bụng ở trẻ em khi nào cần được đi khám bác sĩ?

Có nhiều nguyên nhân trẻ bị đau bụng, không phải lúc nào cũng cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên quá chủ quan, bởi đôi khi, đau bụng cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm, cần phải được can thiệp khẩn cấp. Không tự ý giảm đau bằng các thuốc giảm đau, vì sẽ làm lu mờ các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn trong chẩn đoán bệnh kịp thời để can thiệp. Do đó, nếu trẻ có hiện tượng bị đau bụng, cần theo dõi sát sao trẻ trước.

Thông thường cơn đau chỉ thoáng qua và thường ở vùng giữa bụng hoặc quanh rốn. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải hoặc cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn vì trong tình huống này đau bụng có thể do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.

Nôn là một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu ói nhiều hơn 24 giờ hoặc trẻ nôn ói liên tục, ói ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch ói có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.

Tiêu chảy thường đồng hành với đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Đa số các trường hợp tiêu chảy thường tự giới hạn trong khoảng 1-3 ngày. Trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế nếu đi tiêu quá nhiều, trẻ có biểu hiện mất nước, phân hôi tanh, trong phân có đàm máu.

Sốt: Trẻ có thể bị sốt, tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu chỉ ra tình trạng nặng bởi vì đôi lúc trẻ sốt nhưng không do những nguyên nhân trầm trọng trong khi đó trẻ có thể hoàn toàn không sốt nhưng tình trạng của trẻ rất nguy hiểm và cần phải can thiệp tức thì.

Trong những tình huống như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế để được thăm khám. Để xác định chính xác nguyên nhân đau bụng ở trẻ nhỏ, bác sĩ có thể phải chỉ định một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp X-quang, hoặc có thể phải chụp CT ổ bụng,...

Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà hướng xử trí, điều trị sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật nếu cần thiết.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....