Dấu hiệu nhận biết sớm thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thứ Tư, 08/01/2020 08:37 PM (GMT+7)

Tuỳ thuộc vào vị trí thoát vị, mức độ thoát vị và thể thoát vị mà thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Cùng tham khảo một số dấu hiệu nhận biết bệnh lý này.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao trong tổng các bệnh lý về thoát vị đĩa đệm cột sống, đứng thứ 2 sau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Lão hóa, thói quen công việc... đều là những tác nhân gây ra bệnh lý này.

Trên thực tế lâm sàng, có một số bệnh nhân vừa có thoát vị đĩa đệm thắt lưng, vừa có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì ưu tiên mổ là giải quyết thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ trước để giải phóng chèn ép tủy, sau đó mới giải quyết thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

tvddcsc

Bệnh nhân có thể nhầm lẫn với các triệu chứng đau, tê, khiếm khuyết một vài chức năng nhưng hoàn toàn không phải thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mà là do bệnh lý ở tại chỗ.

Theo TTƯT.ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ- Bệnh viện nhân dân 115 ( TP. HCM), biểu hiện đầu tiên là bệnh nhân lúc nào cũng có phản ứng đau ở vùng cổ, đau tăng khi vận động, cúi hoặc nghiêng sang hai bên, ngồi làm việc, giữ tư thế cổ ở trước màn hình,… tần số đau càng ngày tăng lên nếu không có điều trị đặc hiệu thì sẽ không thuyên giảm triệu chứng này.

Sau hiện tượng đau, bệnh nhân có thể gặp phải những khiếm khuyết về thần kinh như tê liệt, giảm vận động vùng của dây thần kinh bị chèn ép.

Ở phần cột sống cổ, các bác sĩ thường thăm khám những động tác khác do rễ thần kinh chi phối và suy ra được những rễ thần kinh bị chi phối. Ví dụ như dang cánh tay ra, để có thể làm được động tác này bệnh nhân phải có sức kéo của cơ Delta để kéo cánh tay ra nhưng nếu có một thoát vị đĩa đệm ở C4 chèn ép vào rễ C4 thì điều này sẽ làm giảm vận động ở cơ Delta, bệnh nhân sẽ không dang tay được hoặc bệnh nhân làm rất yếu vì không đủ lực. Tùy theo động tác mà bệnh nhân bị khiếm khuyết, giảm vận động hay bị liệt thì chúng ta sẽ suy ra rễ thần kinh bị chèn ép.

Sau khi đánh giá khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đối chiếu với hình ảnh học để củng cố chẩn đoán, xem xét giữa triệu chứng lâm sàng và hình ảnh học có phù hợp, có giải thích được triệu chứng của người bệnh hay không. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra kết quả cuối cùng là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đồng thời phải khu trú được vùng bị chèn ép đó là rễ nào. Bởi vì khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm do thoái hóa, nhìn phim MRI chúng ta sẽ thấy tất cả các tầng bị thoái hóa và tầng nào cũng có nguy cơ lồi, mất nước, thoát vị trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Nếu chúng ta khám lâm sàng và không phát hiện được triệu chứng phù hợp, khi điều trị sẽ không có kết quả, bệnh nhân sẽ không thấy hết triệu chứng sau khi điều trị.

Về các dấu hiệu cũng như triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có thể dễ nhầm lẫn với hội chứng ống cổ tay. Vậy bệnh nhân nếu không thể phát hiện sớm có thể xảy ra những trường hợp nào?

Cũng theo bác sĩ Sĩ, nếu tổn thương này chỉ khu trú ở một chỗ và bệnh nhân chỉ đau ở từng điểm một thì không đặc thù cho tổn thương của rễ thần kinh, do đó bệnh nhân có thể nhầm lẫn với các triệu chứng đau, tê, khiếm khuyết một vài chức năng nhưng hoàn toàn không phải thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mà là do bệnh lý ở tại chỗ.

Ví dụ bệnh nhân bị thương thần kinh ở cổ tay được gọi là tổn thương ống cổ tay thì chỉ bị thương ở vị trí ống cổ tay và gây chi phối đến các ngón tay và bàn tay nhưng tổn thương hoàn toàn không liên quan đến cổ. Tuy nhiên, bệnh nhân nếu không biết có thể nghĩ đây là một triệu chứng của thoát vị đĩa đệm ở cổ. Thậm chí có những bệnh nhân đã bị mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhưng thực tế họ đang bị hội chứng ống cổ tay, khi mổ cổ xong thì họ hoàn toàn không được cải thiện dấu hiệu ở bàn tay.

Do đó, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ đề nghị một số chỉ định cận lâm sàng sau khi xét nghiệm lâm sàng. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được chụp X-quang cột sống cổ. Khi bệnh nhân đau sẽ có những phản ứng và sẽ thay đổi độ cong sinh lý của cột sống, lỗ ly hợp ở vị trí tổn thương có thể bị bào mòn, rộng ra so với các lỗ ly hợp kế bên hoặc các lỗ trên và dưới có thể thay đổi cấu trúc lỗ ly hợp.

Xét nghiệm tiếp theo sẽ được đề nghị là đo điện cơ để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh cơ, xác định rễ thần kinh nào bị tổn thương mạn tính do thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp CT-scanner cột sống cổ để xác định những tổn thương làm thoái hóa xương hoặc gây nên vôi hóa của dây chằng dọc sau, cũng có thể gây chèn ép cột sống cổ. Hoặc bệnh nhân có thể chụp MRI (cộng hưởng từ) cột sống cổ.

Với những xét nghiệm này có thể xác định thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở mức độ nào và bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để tư vấn hướng điều trị cho bệnh nhân.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....