Lời khuyên giúp bạn xóa bỏ những chướng ngại tâm lý khi sảy thai.

Thứ Năm, 13/08/2020 01:07 PM (GMT+7)

Sảy thai có lẽ là một trong những biến cố đau buồn nhất xảy ra trong cuộc đời bạn. Tuy nhiên, những gì bạn có thể làm đó là mạnh mẽ bước tiếp.

say-thai-0

Có lẽ khi mang thai lần nữa thì những ám ảnh tâm lý trong bạn vẫn còn và bạn sẽ luôn lo lắng không biết lần mang thai tiếp theo có xảy ra biến cố gì nữa không. Hãy thử lời khuyên giúp bạn xóa bỏ những chướng ngại tâm lý khi mang thai lại sau sảy thai.

Bạn có thể trải qua những cảm xúc nào khi sảy thai?

Hẳn nhiên nếu bạn đã từng bị sảy thai rồi lại lo lắng rằng lần này cũng có thể xảy ra điều tương tự, đặc biệt là trong ba tháng đầu mang thai.

Bạn có thể trải qua nhiều xúc cảm, chẳng hạn như:

Lãnh đạm với lần mang thai này và cố gắng thu mình lại;

Cảm thấy như bạn đang ở trên một chuyến phiêu lưu, đôi khi hạnh phúc nhưng đôi khi lại sợ hãi;

Cảm giác tội lỗi vì tiếp tục mang thai kể từ lần mang thai trước.

Giai đoạn khi bạn bị sảy thai có thể đặc biệt khó khăn, nhưng bạn sẽ đương đầu với giai đoạn này dễ dàng hơn nếu bạn thừa nhận và chấp nhận ký ức đau đớn này thay vì cố gắng đẩy nó ra khỏi tâm trí bạn. Khi bạn đã có thể vượt qua thời điểm trong quá khứ đó, bạn có thể cảm thấy tự tin hơn và ít lo lắng hơn trong lần mang thai tiếp theo này.

Nếu không thể quên những gì đã xảy ra, bạn nên làm gì?

Bạn nên biết rằng lần mang thai này hoàn toàn khác với lần trước. Bạn có thể sẽ vẫn còn ám ảnh với những gì xảy ra vào lần trước, dù lòng vẫn cố gắng mong chờ bé con tương lai của bạn. Một số mẹ bầu cảm thấy họ không thể thực sự tin vào việc mang thai mới này cho đến khi vượt qua thời điểm bị sảy thai lần trước đó.

Khi bạn đạt đến mỗi cột mốc trong thời kỳ mang thai, chẳng hạn như nghe nhịp tim của bé hoặc cảm thấy bé cử động, bạn sẽ yên tâm rằng mọi việc đang tiến triển tốt. Dưới đây là một số lời khuyên khác giúp bạn tích cực hơn:

Suy nghĩ tích cực từng ngày cùng một thời điểm

Bạn hãy cố gắng sống trong hiện tại. Khi bạn cảm thấy lo lắng về tương lai, hãy dừng lại và chỉ nghĩ về thời điểm hiện tại và những gì đang xảy ra bây giờ. Hãy luôn chú ý đến khung cảnh, mùi vị và âm thanh xung quanh bạn, đồng thời kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Cách này có thể làm giảm mức độ căng thẳng và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Tìm hiểu những gì đã xảy ra

Khi bạn mất em bé, bạn có thể đã quá sốc và buồn bã nên không thể suy xét lại các chi tiết về những nguyên nhân gây sảy thai. Hãy hỏi bác sĩ những chi tiết và nhờ đó bạn có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Nhiều trường hợp sảy thai không có nguyên nhân rõ ràng. Việc đã bị sảy thai một, hai lần trong quá khứ sẽ không có nghĩa là bạn sẽ bị sảy thai một lần nữa. Bạn vẫn còn nhiều khả năng có thể mang thai thành công. Hầu hết những phụ nữ đã sảy thai một lần vẫn có thể mang thai bình thường và khỏe mạnh.

Rút ra nhiều kinh nghiệm từ lần trước

Nếu lần sảy thai trong quá khứ đã được chẩn đoán là do trứng hỏng hoặc do hở eo tử cung, bạn hãy tìm hiểu về những tình trạng này thật kỹ càng. Bạn có thể cảm thấy kiểm soát tình hình tốt hơn nếu bạn hiểu những gì xảy ra trước đây.

Thử những bài tập thư giãn

Thư giãn có thể giúp bạn bình tĩnh suy nghĩ về em bé của bạn, sẽ cảm thấy thế nào khi con yêu chào đời. Bạn có thể sẽ luôn luôn nhớ đến đứa con đã mất của mình nhưng hãy thay thế những cảm xúc ấy bằng cảm xúc yêu thương chờ đợi bé con lần này và vẽ ra một viễn cảnh mọi việc sẽ như thế nào khi bạn sinh con ra.  Đôi khi trò chuyện với thai nhi cũng có thể giúp bạn gắn kết với con hơn.

Chia sẻ những lo lắng của bạn

Bạn không cần phải đối phó với những cảm giác này một mình. Người bạn đời của bạn cũng đã đi qua ngần ấy nỗi đau cùng bạn, vậy nên anh ấy sẽ dễ dàng thấu hiểu cảm xúc mà bạn chia sẻ.

Nói chuyện với bác sĩ thường xuyên

Đi khám thai định kỳ thường xuyên sẽ giúp bạn yên tâm bé con đang dần lớn lên khỏe mạnh trong bụng mẹ. Bạn cũng đừng quên nói cho bác sĩ biết những lo lắng của bản thân. Hãy mang theo một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn hỏi để không bỏ sót bất cứ điều gì chưa rõ.

Tìm hỗ trợ bên ngoài

Bạn hãy kết bạn với nhửng người đáng tin cậy, những người đã trải qua nỗi đau tương tự, ngay cả khi lúc ban đầu có vẻ hơi khó khăn để cả hai có thể nhắc lại chuyện đã xảy ra. Nhưng dần dần khi đã có thể thoải mái tâm sự, họ sẽ là nguồn động viên tinh thần cho bạn rất lớn.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....