Lý do khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, học hành sa sút

Thứ Sáu, 27/03/2020 09:26 AM (GMT+7)

Trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, học hành sa sút có thể do nhiễm giun đường ruột. Đây là nguyên nhân hay mắc ở trẻ nhưng nhiều cha mẹ lại bỏ qua.

tre-bieng-an

Tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm 

Con gái anh Giang (Nam Định) 5 tuổi nhưng chỉ nặng 12kg, rất còi cọc, biếng ăn. Gần đây cháu hay kêu đau bụng. Mỗi lần bé kêu đau bụng, vị trí bé chỉ tập trung ở xung quanh rốn. Mỗi lần con đau, anh Giang lại lấy tay xoa bụng cho con một chút là bé hết đau rồi lại chạy chơi như bình thường nên anh Giang cũng không bận tâm lắm đến biểu hiện đau bụng của con.

Gần đây, thấy bé hay sờ tay gãi hậu môn, có hôm nửa đêm bé bật dậy khóc vì ngứa hậu môn không chịu được, vợ chồng anh Giang vạch quần con ra thì thấy bé gãi đến trợt cả lỗ hậu môn. Chợt nghĩ đến giun, vợ chồng anh Giang lấy miếng vải màu đen lau quanh hậu môn của con gái thì thấy những đốm trắng nhỏ li ti trên nền vải đen. Với kinh nghiệm nhiều năm sống ở nông thôn, anh Giang khẳng định con gái đã bị nhiễm giun và việc giun chui ra ngoài lỗ hậu môn là nguyên nhân khiến bé nhiều đêm thức giấc vì ngứa hậu môn.

Nhiễm giun đường ruột sẽ khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, học hành sa sút. Ảnh minh họaTheo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun đường ruột nhất. Tại một số địa phương từng có tới 70 - 80% trẻ em bị nhiễm giun đường ruột. Trẻ thường mắc các loại giun như: giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, với cường độ nhiễm rất cao và nhiễm phối hợp 2 hoặc 3, 4 loại giun.

Giun là một loại ký sinh trùng, sống chủ yếu trong đường ruột. Giun kim dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác bằng việc vô tình đưa vật chất vào miệng. Giun móc, giun tròn và sán có thể xâm nhập cơ thể người qua việc tiếp xúc với đất bị ô nhiễm do phân của vật nuôi, con người. Ngoài ra, con người có thể bị nhiễm giun nếu ăn phải thực phẩm nhiễm trứng sán dây hoặc ấu trùng sán như thịt lợn, thịt bò sống,...

Khi cơ thể trẻ nhiễm giun sẽ dẫn tới tình trạng sau:

• Chán ăn, kém hấp thu: Giun ký sinh lâu ngày làm giảm quá trình hấp thụ dưỡng chất cần thiết, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin. Trẻ bị mất cảm giác thèm ăn, ăn mất ngon.

• Giảm tình trạng dinh dưỡng: Giun ký sinh sẽ hút hết các chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu protein.

• Kém phát triển thể chất, trí tuệ: Tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu hụt do bị giun tàn phá trong thời gian dài khiến trẻ bị kém tăng trưởng về thể chất (sức khỏe yếu, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa) và trí tuệ (không tập trung, học hành sa sút).

• Tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm: Nhiễm giun nếu không được chữa sớm dễ dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng khác như: viêm ruột thừa, tắc và thủng ruột, rối loạn tim mạch khi nhiễm nhiều giun đũa; Nhiễm giun kim trong thời gian dài ở bé gái dễ dẫn đến tình trạng viêm âm đạo, viêm vòi trứng, nhiễm trùng tiểu.

Dấu hiệu thường gặp khi trẻ nhiễm giun

Khi bị nhiễm giun, trẻ sẽ có những triệu chứng điển hình sau:

• Nhiễm gây đau bụng vùng rốn ở trẻ em, bụng ỏng, gầy yếu, trẻ có thể nôn ra giun, đại tiện ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần.

• Trẻ nhiễm giun thường khó ngủ, đôi khi đái dầm, hay quấy khóc do ngứa hậu môn vào ban đêm.

• Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng, có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.

• Trẻ biếng ăn.

• Trẻ khó chịu, thay đổi trong hoạt động hằng ngày.

• Trẻ em gái có thể bị mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.

• Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất.

• Có thể có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu hoặc thở khò khè, ho khan.

Xét nghiệm trong phân tìm trứng giun sẽ thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa thì siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.

Cha mẹ nên làm gì?

• Tẩy giun cho trẻ nếu xét nghiệm phân có nhiều trứng giun hoặc khi trẻ có biểu hiện đi ngoài ra giun, nôn ra giun, ngứa hậu môn…

• Nên tẩy giun bằng các loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc và ít tác dụng phụ. Khi dùng thuốc tẩy giun không cần bắt trẻ nhịn ăn. Nên tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi, tẩy giun 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.

• Để phòng ngừa nhiễm giun, các thành viên trong gia đình cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, tiểu tiện, thực hiện ăn chín, uống sôi, không đi chân đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da, không để trẻ bò lê dưới đất, không cho trẻ cắn móng tay.

Đồng thời, cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống, sử dụng nguồn nước sạch, trị giun cho vật nuôi trong gia đình.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....