Mẹ cần làm gì khi có dấu hiệu sảy thai?

Thứ Năm, 30/11/2023 02:08 PM (GMT+7)

Sảy thai là điều không ai mong muốn, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra với mọi thai phụ. Tuy nhiên nếu nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, thai phụ vẫn có thể giữ được thai nhi, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Sảy thai là gì?

Sảy thai hay hư thai là hiện tượng thai bị mất một cách tự nhiên trước tuần thứ 20. Sẩy thai tự nhiên diễn ra qua hai giai đoạn: dọa sẩy thai và sẩy thai. Thai phụ cần nắm rõ các dấu hiệu để có thái độ xử trí phù hợp với mỗi giai đoạn.

say-thai-1

Dấu hiệu của dọa sảy thai

Thai phụ có thai dưới 22 tuần, có dấu hiệu ra máu âm đạo (có thể máu đỏ tươi hoặc ít nhầy hồng, có khi ra máu đỏ sậm hay đen, máu ra ít một, liên tiếp.

- Đau bụng: thường không đau bụng nhiều, chỉ có cảm giác tức nặng bụng dưới hay đau âm ỉ vùng hạ vị.

- Bác sĩ khám thấy cổ tử cung còn dài kín.

- Siêu âm: có thai trong buồng tử cung, có tim thai (đối với thai >7 tuần), có hoặc không dấu hiệu bóc tách của nhau thai.

Đối với trường hợp thai phụ có những dấu hiệu như vậy  cần sắp xếp đến khám tại phòng khám chuyên khoa Sản để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Dấu hiệu của sảy thai

Sảy thai có thể được phát hiện sớm khi thai phụ gặp phải những dấu hiệu dưới đây:

- Sốt hoặc ớn lạnh, cảm giác mệt, vã mồ hôi.

- Bác sĩ khám âm đạo thấy cổ tử cung đã xóa, mở có thể thấy khối thai, nhau thai trong âm đạo. Cổ tử cung hình con quay vì lỗ trong và phần trên cổ tử cung đã giãn, phình to do thai xuống thấp.

- Người mang thai ra máu nhiều. Có thể chảy máu đỏ tươi, hoặc máu thành khối, màu sậm hoặc đen, hoặc hảy dịch hồng nhớt lượng nhiều. Có khi chảy dịch trong nhiều như nước tiểu. Dịch chảy ra có mô nghi là phôi thai.

- Đau vùng bụng dưới và đau lưng. Vùng bụng dưới bị co thắt mạnh, từng cơn, cảm giác mót rặn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người mang thai không có triệu chứng gì trước khi sảy thai, nhất là với những thai còn rất nhỏ, thai phụ chỉ thấy ra máu âm đạo rất ít. 

Khi nào có thể bắt đầu có thai lại sau khi sảy thai?

Nếu việc sảy thai chưa giải quyết xong, vẫn thấy ra huyết hoặc siêu âm phát hiện có túi thai trống, bác sĩ sẽ nạo. Đây chỉ là một tiểu phẫu thực hiện dưới sự gây mê toàn thân để lấy sạch những gì của bào thai còn sót lại trong tử cung. Một số người vẫn thấy ra máu sau khi nạo thai vài hôm. Do HcG vẫn lưu thông trong cơ thể nên người phụ nữ sẽ không rụng trứng hay có kinh lại. Trong hầu hết trường hợp, phải mất khoảng 10 ngày để lượng HcG ổn định và lượng nội tiết tố trở về tình trạng bình thường trước khi có thai. Nhiều người có kinh lại trong vòng 4 - 6 tuần sau khi sảy thai, đây là dấu hiệu sự rụng trứng và khả năng sinh sản đã trở lại bình thường.

Nếu việc sảy thai trước đó do bệnh hoặc do nhiễm trùng, cần phải chắc chắn đã khỏe để có thai lại. Đợi đến khi nồng độ nội tiết tố ổn định, không bị ra huyết nữa và sức khỏe hồi phục thì cơ hội mang thai lần sau sẽ tốt hơn.

Phục hồi sau khi bị sảy thai

Sau khi chấm dứt thai kỳ theo cách không mong muốn, hầu hết phụ nữ đều muốn mình thụ thai trở lại càng sớm càng tốt. Trên lý thuyết, việc này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đến trong khoảng 4 – 6 tuần sau đó. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị thật tốt cả về thể chất lẫn tinh thần để lần mang thai này không có rủi ro nào. Những bước chuẩn bị này bao gồm:

Cân bằng cảm xúc

Không chỉ về sức khỏe, tinh thần của những người mẹ vừa trải qua nỗi đau mất con cũng cần được xoa dịu để sớm cân bằng trở lại. Thời gian đầu, bạn không tránh khỏi cảm giác buồn đau, mất mát. Sẽ có những đêm mất ngủ và những lúc lòng bạn nghẹn lại vì thương con. Đây là cảm xúc bình thường mà ai ở trong hoàn cảnh này cũng trải qua. Vì thế, bạn không cần phải kìm nén cảm xúc. 

Trong trường hợp bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể cân bằng được cảm xúc, thậm chí có biểu hiện stress thái quá dẫn tới trầm cảm, lo âu, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Đừng chủ quan để tình trạng tồi tệ hơn. Tâm lý càng bất ổn, cơ hội bạn đón nhận tin vui lần nữa càng xa vời.

Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng

Khi sảy thai, cơ thể bạn sẽ trải qua rất nhiều thay đổi về thể chất, thậm chí bị suy kiệt. Thế nên cùng với việc nghỉ ngơi, tuân thủ chế độ ăn giàu dinh dưỡng là điều tốt nhất mà bạn cần làm cho bản thân trong giai đoạn này. Hãy “chiều chuộng” cơ thể bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng, đặc biệt tăng cường thực phẩm giàu chất sắt (thịt bò, đậu tương, rau chân vịt…), thực phẩm giàu canxi (sữa, hải sản, các loại cá béo…), thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả). Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể (từ 2 – 2,5 lít/ngày). Ngoài nước lọc, lượng nước này có thể đến từ nước ép trái cây nguyên chất, các loại sữa, canh, súp, cháo…

Tránh quan hệ tình dục

Ngay sau khi sảy thai, tử cung rất nhạy cảm, và hiện tượng xuất huyết kèm dịch âm đạo là điều tất yếu. Vì thế, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn tránh quan hệ tình dục cho đến khi ngừng chảy máu hoàn toàn. Cụ thể, bạn nên kiêng giao hợp ít nhất 6 tuần kể từ khi hư thai để tránh các biến chứng.

Tránh tập luyện cường độ cao

Đây là thời điểm bạn cần nghỉ ngơi để hồi phục thể lực, ngay cả việc nhà cũng phải tránh. Vậy nên, bạn tuyệt đối không được tập các bài tập cường độ cao trong vòng 6 tuần sau khi sảy thai. Nếu muốn vận động, bạn có thể chọn những bộ môn nhẹ nhàng như yoga, thiền… để làm dịu tinh thần và đẩy nhanh quá trình phục hồi thể chất.

Dành thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn

Cần dành thời gian nghỉ ngơi thật nhiều để phục hồi sức khỏe nếu bạn chẳng may bị sảy thai. Ngoài ra, nên hạn chế hoặc tránh tuyệt đối làm việc nhà, nhất là những công việc nặng nhọc như giặt giũ, bưng bê, lau dọn nhà cửa… Làm việc quá sức không chỉ khiến cơ thể khó phục hồi mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý sản khoa.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....