Mẹ nên làm gì khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ?

Chủ Nhật, 13/09/2020 02:06 PM (GMT+7)

Thực tế là hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn cổ rất hiếm có biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nếu bà bầu quá lo lắng cho thai nhi trong hiện tượng này hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để nhận được những lời tư vấn hữu ích.

 

rau-quan-co

Dây rau là gì?

Dây rau là một ống dẫn hai đầu để đưa dưỡng chất và oxy từ máu mẹ sang thai nhi, đồng thời cũng mang những sản phẩm chuyển hóa từ máu thai nhi sang máu mẹ để đào thải ra ngoài. Nhiệm vụ hàng đầu của dây rau là vận chuyển oxy từ máu mẹ sang máu thai nhi. Vì một lý do nào đó làm ngăn cản sự vận chuyển này, thai nhi bị thiếu oxy sẽ chết rất nhanh chóng.

Dây rốn thường có chiều dài trung bình khoảng 50-60cm. Dây rốn càng dài càng làm gia tăng nguy cơ quấn quanh cổ, tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút. Nhưng cũng có khi bản thân dây rau ngắn hơn chiều dài trên ( ví dụ toàn bộ chiều dài dây rau dưới 35cm thì gọi là dây rau ngắn tuyệt đối) hoặc là khi thai nhi bận động trong buồng tử cung làm cho dây rau vốn có chiều dài bình thường nhưng lại bị quấn vào cổ, chân hay thân làm cho dây rau ngắn lại ( lúc này gọi là ngắn tương đối).

Vệ mặt lý thuyết, sự chuyển động của bào thai sẽ khiến dây rốn căng ra và dài thêm. Dây rốn dài có thể vướng vào tay chân hay quấn cổ thai nhi gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu liên tục hoặc từng phần.

Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ xảy ra khá phổ biến với khoảng 12% ở thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng. Tin vui là phần lớn các trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh ( Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau khi sinh). Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít thông báo cho mẹ bầu biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng bé.

Cách phát hiện bé bị rau quấn cổ

Qua siêu âm mới phát hiện chính xác bé bị dây rốn quấn cổ. Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số trường hợp phát hiện tràng hoa quấn cổ vào tháng thứ 5-6.

Ngoài ra, thai máy bất thường có thể cũng là dấu hiệu của dây rốn quấn cổ. Nhiều trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn chặt gây thiếu oxy, khó thở, thai nhi sẽ đạp nhiều và bất thường hơn.

 Nguyên nhân gây rau quấn cổ thai nhi

Trong những tháng đầu thai kỳ, thai nhi như một cục nước đá nằm trong một bể nước lớn nên rất dễ dàng di chuyển lung tung trong buồng tử cung. Trong quá trình di chuyển đó, khi dây rốn còn dài, thai nhi đã làm rối dây rốn như cuộn chỉ bị rối và dây rốn quấn vào thân hay cổ thai nhi. Cũng có trường hợp khi còn bé, thai di chuyển lung tung trong buồng tử cung đã làm cho dây rốn bị thắt nút lại. Nếu dây rốn bị thắt nút lại kèm theo quấn cổ thì rất nguy hiểm.

Hoặc là ở 3 tháng cuối, khi thai nhi quay đầu xuống dưới (gọi là thai thuận), dây rốn mềm trơn nên cũng dễ bị quấn vào thai nhi. Nếu dây rốn quấn vào thân thai nhi thì có thể tự tháo được, còn khi bị quấn vào cổ là một khe hẹp giữa đầu và vai nên dây rau không thể tự tháo được mà ngày càng bị quấn chặt hơn.

Mẹ vận động, lao động quá sức là nguyên nhân chính của hiện tượng dây rốn quấn cổ. Điều này đã được khoa học chứng minh, khi mẹ làm việc quá sức, thai nhi sẽ có xu hướng quay đầu xuống nhiều hơn khiến dây rốn rất dễ cuộn quanh người và quấn vào cổ con. Bởi vậy, mẹ bầu hãy chú ý trong thai kỳ chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh quá sức. Khi mệt mỏi hãy dành thời gian nghỉ ngơi và nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ những việc lặt vặt.

Theo các bác sĩ, mẹ bầu bị dư ối hoặc đa ối sẽ tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn cổ, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Một nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn quấn cổ khác đó là độ dài dây rốn. Mặc dù dây rốn dài trung bình 56cm nhưng vẫn có những bé có dây rốn dài hơn. Mà dây rốn càng dài , thai nhi càng có nguy cơ bị quấn cổ.

Biến chứng của hiện tượng dây rốn quấn cổ

Thực tế là hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn cổ rất hiếm có biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nếu bà bầu quá lo lắng cho thai nhi trong hiện tượng này hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để nhận được những lời tư vấn hữu ích. Thông thường, hiện tượng dây rốn quấn cổ có thể khiến bé và mẹ bầu gặp phải các sự cố sau:

Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở. Nên bé sơ sinh sẽ có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ.

Khi người mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn cổ có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài.

Nếu được bác sĩ xử lý kịp thời thì các trường hợp dây rốn quấn cổ không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu dây rốn quấn chặt thì bé có thể bị thiếu oxy. Vì vậy, đối với những bé bị dây rốn quấn cổ, sau khi sinh nếu mẹ phát hiện thấy bé có dấu hiệu co giật, chân tay run thì cần đưa bé đi khám ngay.

Mẹ nên làm gì khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ?

Đầu tiên mẹ cần biết là tình trạng này không nguy hiểm như mẹ nghĩ nên đừng quá lo lắng. Thực tế có khá nhiều bé tự tháo được dây rốn quấn cổ khi ở tuần thai thứ 18-25.

Nếu trong trường hợp, bé bị quấn cổ khi đã lớn sẽ không có phương pháp nào để tháo gỡ được thì việc mẹ cần làm đó là khám thai theo đúng lịch định kỳ của bác sĩ và thường xuyên theo dõi thai máy. Khi thấy bé đạp quá ít hoặc quá nhiều thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Tùy vào tình hình của sản phụ mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Hầu hết những thai nhi chỉ bị dây rốn quấn một vòng thì đều có thể sinh thường khỏe mạnh được. Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để kết quả khám chính xác nhất.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....