Mẹo hay giúp giảm đau núm vú khi cho con bú

Thứ Hai, 13/01/2020 03:18 PM (GMT+7)

Cơn đau núm vú nếu dữ dội có thể ngăn khả năng sản xuất sữa mẹ, khiến lượng sữa bị giảm sút, thậm chí bé phải cai sữa mẹ sớm. Vậy làm thế nào để giảm đau núm vú?

cho-con-bu

Tìm hiểu nguyên khiến đầu ngực bị đau nhức

Nuôi con bằng sữa mẹ là sự trải nghiệm và học tập thú vị. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ rơi vào hoàn cảnh “khóc dở, mếu dở” vì đầu ngực quá đau khi cho con bú. Một vài nguyên nhân và những gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ giảm thiểu cơn đau và không sợ hãi mỗi lần bé “ti mẹ”. Mẹ nên lưu ý vì nếu không chữa trị nghiêm túc, ti mẹ sẽ bị nứt, chảy máu và còn đau đớn hơn gấp nhiều lần.

Nguyên nhân đau đầu ngực

Tư thế cho con bú không chính xác. Trong vài ngày hay vài tuần đầu sau khi sinh, cho bé bú sai tư thế dẫn đến việc bé không ngậm hết đầu ngực, khiến mẹ cảm thấy đau tức. Nếu mẹ quan sát thấy đầu ngực có hình dạng như thỏi son hoặc có biểu hiện lạ, đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn tư thế đúng khi cho bé bú.

Bị tổn thương do máy hút sữa. Sử dụng máy hút sữa không đúng cách cũng có thể làm ti mẹ bị đau. Nhiều bà mẹ chọn miếng chụp của máy hút sữa quá nhỏ so với đầu ngực hoặc chỉnh tốc độ máy quá cao. Tốt nhất, nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng.

Nhiễm nấm. Nhiều khả năng mẹ bị lây nấm tưa miệng khi bé mắc phải chứng này làm ti đau nhức. Ngực mẹ có dấu hiệu ngứa, đỏ, đầu ngực bị đau trong hoặc sau khi cho bé bú. Hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán phù hợp. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày, rất có khả năng mẹ bị bệnh chàm.

Bé bị dính thắng lưỡi. Đây là tình trạng thắng lưỡi của bé ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của đầu lưỡi. Điều này có thể gây nên một số vấn đề khi bé bú mẹ. Tuy nhiên, chỉ cần tiểu phẫu là bé sẽ không sao. Các bác sĩ có thể sẽ khám lưỡi của bé để biết có phải núm vú mẹ bị đau là do bé bị dính thắng lưỡi hay không.

Mụn sữa. Khi một lớp da mỏng phát triển quá mức trong tuyến sữa gây nên tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa, ti mẹ sẽ bị nổi mụn màu trắng hoặc vàng và có cảm giác đau. Đến bác sĩ da liễu để điều trị mụn.

Đầu ngực bị phồng rộp. Ti mẹ xuất hiện vết rộp trong suốt màu vàng, đôi khi ửng máu khiến mẹ đau đớn suốt quá trình cho con bú. Thông thường, nguyên nhân chính là do bé ngậm ti sai cách hay mẹ dùng máy hút sữa có cường độ cao.

Ngoài ra, lý do ít phổ biến hơn là mẹ bị viêm da tiếp xúc do phản ứng với thuốc mỡ hoặc kem thoa trên đầu ti. Ngưng sử dụng các loại kem hoặc thuốc này cho đến khi bác sĩ da liễu xác định nguyên nhân chính xác.

Nếu có tiền sử bị bệnh mụn rộp, mẹ nên cẩn thận hơn vì bé có thể bị lây bệnh này từ mẹ. Ngưng cho bé bú và đi khám bác sĩ ngay. Mẹ nên dùng máy hút sữa trong suốt quá trình trị liệu để tránh tình trạng căng sữa và bảo vệ nguồn sữa. Nếu chỉ một bên ngực bị nhiễm bệnh, mẹ có thể cho bé bú ở bên ngực còn lại.

Co thắt mạch máu. Nếu ti mẹ trông nhợt nhạt và đau khi cho bé bú xong nhưng trở lại màu sắc bình thường sau đó, nguyên nhân có thể xuất pháp từ chứng co thắt mạch máu bên trong ti, do ti bị nén chặt, nhiễm nấm hay mẹ mắc bệnh Reynaud (các mạch máu phản ứng khi trời lạnh). Mẹ nên khám bác sĩ để biết cách quản lý “lịch” cho bé bú khi gặp phải tình trạng này.

Cách giúp giảm đau múm vú khi cho con bú

Cho bé ngậm đầu vú đúng cách để giảm đau núm vú

Đây là một trong những chìa khóa thành công trong việc cho trẻ bú mẹ và giúp ngăn ngừa tình trạng đau núm vú. Để ngậm núm vú đúng cách, bé sẽ ngậm được toàn bộ đầu vú cũng như quầng vú của mẹ trong miệng. Núm vú nên ở sâu bên trong miệng trẻ.

Nếu chỉ ngậm núm vú, bé sẽ cố gắng lấy sữa mẹ bằng cách dùng lợi nghiến nhẹ phần đầu vú kèm theo hành động mút mạnh, từ đó gây đau núm vú. Bên cạnh đó, con yêu  không nhận được nhiều sữa từ mẹ nên đói và khó chịu. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng đau núm vú, bạn hãy cố gắng cho trẻ ngậm được cả núm và quầng vú từ lần bú đầu tiên.

Cho con bú đúng tư thế

Tư thế cho bú tốt sẽ tạo cảm giác thoải mái cho bạn và con, đồng thời khuyến khích trẻ ngậm được trọn vẹn núm và quầng vú của mẹ.

Tư thế ngồi xếp bằng giúp bạn dễ quan sát núm vú cũng như vị trí miệng của con yêu đã đúng chưa.

Các bác sĩ khuyên chị em nên sử dụng gối lót dưới lưng trẻ để hỗ trợ đặt bé ngang tầm với vú của mẹ.

Khi bạn ngồi thẳng và không nghiêng người về phía trước, việc cho con bú sẽ diễn ra dễ dàng hơn vì điều này có thể khiến các cơ vùng cổ, lưng, cánh tay bị căng ra.

Bạn cũng có thể luân phiên thay đổi hai bên vú mỗi lần cho con bú. Khi bạn cho con bú cùng một vị trí, miệng của bé luôn gây áp lực lên cùng núm vú nên dễ gây đau. Tuy nhiên, nếu bạn thay đổi luân phiên hai bên vú có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đầu núm vú bị cọ xát nhiều lần mỗi khi con mút sữa.

Làm mềm ngực

Căng tức sữa rất phổ biến trong vài tuần đầu tiên cho trẻ bú. Tuy nhiên, ngực của bạn cũng có khả năng bị căng tức nếu không cho con bú mà vú lại sản xuất quá nhiều sữa.

Khi vú trở nên căng cứng, con sẽ gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Để giúp quá trình diễn ra dễ dàng hơn, bạn có thể nặn ra một ít sữa trước mỗi lần cho con bú. Điều này làm giảm độ căng và làm mềm các mô vú tạo điều kiện cho bé dễ dàng mút sữa.

Cho con bú mỗi 2 – 3 giờ

Dạ dày của trẻ sơ sinh đều rất nhỏ và có thể tiêu hóa sữa mẹ nhanh chóng, dễ dàng. Vì vậy, bé đòi ăn thường xuyên là điều bình thường. Bạn càng trì hoãn thời gian cho con bú càng lâu thì bé sẽ càng đói. Khi đó, trẻ sẽ dùng nhiều sức lực để có thể hút thật nhiều sữa. Từ đó, đầu ngực phải chịu nhiều áp lực nên dẫn đến đau nhức. Thêm vào đó, nếu giữ sữa quá lâu trong người thì bầu ngực của mẹ cũng trở nên căng tức khiến bé càng khó hút sữa hơn.

Sự kết hợp giữa việc con không ngậm được đầu vú và hút mạnh khi được cho bú có thể khiến bạn đau núm vú. Do đó, để tránh tình trạng này xảy ra, bạn cho trẻ ăn ít nhất mỗi 2 – 3 giờ và đừng để bé quá đói mới cho bú.

Giữ cho vùng da ngực và núm vú khỏe mạnh

Bạn có thể giữ cho làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa đau núm vú bằng một số biện pháp dưới đây:

Khi vệ sinh vú, bạn chỉ rửa bằng nước ấm, không nên dùng xà phòng chà sát kỹ vì có khả năng làm da khô, kích ứng, nứt nẻ.

Không cần sử dụng kem, thuốc mỡ để ngăn ngừa các vấn đề về núm vú trước khi chúng bắt đầu. Nhiều sản phẩm đôi khi lại không mang đến tác dụng như mong đợi mà càng khiến tình trạng đau núm vú trở nên trầm trọng hơn.

Nếu vẫn muốn dùng kem dưỡng ẩm, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn chọn sản phẩm phù hợp.

Thay áo ngực, miếng lót thấm sữa thường xuyên

Sữa rỉ ra liên tục khiến nhiều chị em cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, hãy cố gắng thay áo ngực, miếng lót thấm sữa thường xuyên. Nếu không cần thiết, bạn không mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng. Khi thấy áo ngực ẩm ướt hoặc bẩn, bạn nên thay chiếc khác.

Dù sử dụng miếng lót dùng một lần hoặc loại có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần, hãy bạn thường xuyên thay đổi miếng mới. Để những miếng lót này ẩm ướt trong thời gian quá lâu, có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu số lượng vi khuẩn nhiều có thể gây hại cho vú dẫn đến vú bị nứt nẻ, đau núm vú, nhiễm trùng vú hoặc tưa đầu vú.

Cẩn thận khi tách con khỏi bầu ngực

Sau khi con bú đủ no, bé thường chìm vào giấc ngủ nhưng miệng vẫn ngậm chặt vú không chịu nhả ra. Chỉ đến khi con ngủ sâu, miệng mới từ từ mở. Lúc đó, bạn mới có thể tách con khỏi bầu ngực để làm những việc khác hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến bạn phải chờ đợi rất mất thời gian.

Nếu con vẫn không muốn rời đầu vú, bạn cũng không nên kéo con ra quá đột ngột. Điều này sẽ khiến núm vú bị tổn thương và gây đau núm vú. Để tách con ra khỏi núm vú, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây:

Đặt ngón tay vào khóe miệng của bé để miệng bé mở ra.

Sau đó, di chuyển ngón tay vào bên trong miệng, chèn lên trên núm vú để đưa núm vú ra ngoài, tránh bị bé nghiến vú.

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....