Mức sinh cao có chiều hướng tăng trở lại tại một số địa phương

Thứ Tư, 28/12/2022 02:44 AM (GMT+7)

Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 và duy trì trong suốt hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển thì mức sinh ở mức cao, thậm chí rất cao. Xu hướng này vẫn đang có sự gia tăng trở lại.

Mức sinh cao tập trung ở các địa phương khó khăn

Theo Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) - Bộ Y tế, Việt Nam có tổng tỷ suất sinh (TFR)=2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Trong 6 vùng kinh tế-xã hội, có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế gồm: Trung du miền núi phía Bắc (2,41 con); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,31 con); Tây nguyên (2,41 con); Đồng bằng sông Hồng (2,34 con).

bai_14._van_dong_sinh_con_o_noi_co_muc_sinh_thap

Có sự khác biệt mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn-thành thị. Trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (TFR=2,29 con). Chênh lệch mức sinh giữa khu vực nông thôn-thành thị ở mức 0,41 con.

Có tới 33/63 tỉnh/TP, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh/TP mức sinh còn rất cao trên 2,5 con. Các địa phương có mức sinh cao theo Quyết định 588/QĐ-TTg gồm: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương.

Ngược lại, 2/6 vùng có mức sinh dưới mức sinh thay thế là Đồng bằng Sông Cửu Long (1,82 con), Đông Nam Bộ (1,62 con). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc- Tây Nguyên) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,79 con.

Bên cạnh đó, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng chỉ ra thực tế tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như: Khu vực nông thôn từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020); Đồng bằng sông Hồng từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020)...

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của Nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác. Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại giảm

Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng trở lại mức sinh ở một số địa phương, Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Kinh nghiệm 60 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy mối quan hệ nguyên nhân và kết quả giữa tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai và mức sinh.

Một số nước sau thời kỳ đẩy mạnh thực hiện Chương trình kế hoạch hóa gia đình, đạt được mức sinh thay thế đã buông lỏng quản lý đã làm cho mức sinh tăng cao trở lại, vượt mức sinh thay thế như Indonesia. Việt Nam có một nửa số tỉnh có mức sinh cao, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn, hạn chế.

94b54d8a9849d15bbd5070cd76d60ff2

Kết quả điều tra về DS-KHHGĐ ngày 1/4 hàng năm cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại giảm từ 68,8% vào năm 2008 xuống còn 67,5% vào năm 2010 và 67% vào năm 2020 liên tiếp không đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2020 (mục tiêu là 70,1%).Trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn duy trì ở mức cao, nhu cầu KHHGĐ của người dân Việt Nam ngày càng cao, thì tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai giảm.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về mức sinh cho dù là giảm sinh hay duy trì mức sinh thì trước hết phải thực hiện được các mục tiêu về tỷ lệ sử dụng tránh thai, đẩy mạnh cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai.

Đồng thời, thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại vùng mức sinh thấp và thay thế, tại vùng mức sinh cao cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế-xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc;

Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”;

Tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình,…

Đảm bảo cung cấp miễn phí cho mọi người dân có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai đang cư trú trên địa bàn tỉnh, tại cả khu vực thành thị và nông thôn; bao gồm cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đơn thân, vị thành niên, thanh niên, người tạm trú là cán bộ, công nhân, người lao động thuộc các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn.

Đẩy mạnh tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp, có hiệu quả; mở rộng các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Huyện Văn Bàn (Lào Cai) nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Huyện Văn Bàn hiện có 29,141 trẻ em dưới 16 tuổi. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022 có 6 trẻ em bị xâm hại,...

Mù Căng Chải, Yên Bái: Tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng

Mù Cang Chải là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhận thức của đa số người dân về công tác dân số -...

Hậu Giang vận động thanh niên kết hôn trước 30 tuổi

Sáng 23/11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Y tế Hậu Giang tổ chức thành công Tọa đàm về giải pháp vận động...

Lâm Đồng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 18/11, tại TP Đà Lạt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức Lễ phát...