Những điều cần lưu ý khi mang đa thai

Thứ Năm, 27/08/2020 07:04 AM (GMT+7)

Mẹ cần hiểu rõ các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu và biến chứng của đa thai để phối hợp với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

da-thai

Thời gian gần đây, tỷ lệ đa thai đã tăng lên đáng kể do ngày càng có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản. Bên cạnh niềm hạnh phúc nhân đôi vì mang đa thai, cả mẹ và bé sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Mẹ cần hiểu rõ các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu và biến chứng của đa thai để phối hợp với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đa thai là gì và xảy ra khi nào?

Trong một thai kỳ có hai hay nhiều thai nhi cùng lớn lên trong tử cung mẹ được gọi là đa thai. Có 2 trường hợp đa thai: Đa thai cùng trứng và khác trứng.

Đa thai cùng trứng: Là hiện tượng trứng sau khi được thụ tinh, trong quá trình phân chia tách làm 2 phôi hoặc nhiều phôi giống hệt nhau, từ đó phát triển thành các em bé giống hệt nhau.

Đa thai khác trứng: Là hiện tượng 2 hoặc nhiều hơn 2 trứng cùng rụng một lúc và thụ tinh với 2 hoặc nhiều hơn 2 tinh trùng và phát triển thành những em bé khác nhau về hình dáng, màu da.

Nguyên nhân dẫn đến đa thai

Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, các yếu tố làm tăng khả năng mang đa thai của người mẹ gồm:

Di truyền 

Nếu bạn có mẹ hoặc chị/em gái từng mang đa thai, khả năng mang đa thai của bạn cũng tăng lên đáng kể.

Tuổi tác

So với những thai phụ tuổi dưới 35, phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng mang đa thai cao hơn.

Tiền sử mang đa thai

Nếu trước đây từng mang đa thai, bạn hãy chuẩn bị tâm lý cho lần mang thai này, vì rất có thể bạn sẽ tiếp tục mang đa thai một lần nữa.

Thuốc kích thích rụng trứng

Các bác sĩ thường kê đơn thuốc kích thích rụng trứng cho những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thưa hoặc không đều. Hormone kích thích nang trứng (FSH) và Clomiphene citrate được bác sĩ kê toa để tăng cường sản xuất trứng. Các loại thuốc này có tác dụng phụ là kích thích nhiều trứng rụng cùng lúc và nếu tất cả đều được thụ tinh sẽ dẫn đến hiện tượng đa thai.

Sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản

Khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như lọc rửa và bơm tinh trùng (IUI), các thuốc kích trứng và gây rụng trứng thường khiến cho nhiều trứng được giải phóng trong 1 chu kỳ, từ đó tăng nguy cơ sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng làm tăng khả năng đa thai nếu có nhiều phôi được chuyển vào tử cung. Các phôi sau chuyển cũng có khả năng tự phân tách để tạo thành những phôi giống hệt nhau, dẫn tới đa thai.

Theo thống kê, tỷ lệ đa thai trong thụ tinh ống nghiệm là 25%, cao gấp 20 lần so với đa thai tự nhiên, mà nguyên nhân chính là do chuyển nhiều phôi để tăng tỷ lệ thành công.

PGS.TS.BS Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) chia sẻ: “Việc chuyển cùng lúc nhiều phôi trong thụ tinh ống nghiệm giúp nâng cao tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, điều này làm tăng tỷ lệ đa thai kèm theo những rủi ro cho mẹ và bé. Tại IVFTA, chúng tôi ứng dụng nhiều kỹ thuật mới nâng cao chất lượng phôi và làm tổ của phôi  giúp tăng tỷ lệ đậu thai mà không cần chuyển nhiều phôi, từ đó hạn chế tỷ lệ đa thai để bà mẹ và thai nhi có một thai kỳ nhẹ nhàng, khỏe mạnh và các gia đình có điều kiện chăm sóc bé tốt nhất.”

Các triệu chứng thường gặp

Siêu âm là cách duy nhất để biết chính xác mẹ đang mang đa thai hay một thai. Tuy nhiên, ngoài nhận biết bằng siêu âm, mẹ có thể biết mình mang đa thai hay không bằng cách để ý những dấu hiệu sau:

Ốm nghén nặng

Thống kê cho thấy thai phụ mang đa thai thường bị ốm nghén nhiều hơn so với những người mang thai đơn. Ngoài ra, các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, chán ăn, chóng mặt… còn xuất hiện khá sớm, trước khi thai phụ phát hiện mình có thai.

Mức Beta-hCG tăng nhanh

Beta-hCG là một loại hormone xuất hiện trong máu hoặc nước tiểu của phụ nữ mang thai khoảng 10 ngày sau khi thụ thai. Chỉ số này thường tăng gấp đôi cứ sau 2 – 3 ngày, đạt cực đại vào tuần thứ 8 – 11 của thai kỳ. Que thử thai hiển thị “2 vạch” nếu trong nước tiểu có hormone Beta-hCG. Tuy nhiên để có kết quả chính xác, que thường chỉ được sử dụng sau khi người phụ nữ phát hiện mình trễ kinh.

Nhưng với thai phụ mang đa thai, nồng độ Beta-hCG sẽ tăng nhanh chỉ vài ngày sau khi thụ thai. Đó là lý do nếu bạn sử dụng que thử thai thông thường (không phải loại siêu nhạy cảm) và có kết quả dương tính dù chưa trễ kinh, rất có khả năng đây là một thai kỳ đa thai.

Que thử 2 vạch

Que thử thai “2 vạch” dù bạn chưa trễ kinh có thể là dấu hiệu sớm cho biết bạn mang đa thai

Mệt mỏi

Những mẹ bầu đa thai thường có cảm giác mệt mỏi, thậm chí gần như kiệt sức. Nguyên nhân là cơ thể người mẹ phải làm việc cật lực hơn để nuôi dưỡng nhiều hơn một em bé, dẫn tới quá tải.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cảm thấy tim hoạt động nhiều hơn, đập nhanh và mạnh hơn vì phải bơm một lượng máu lớn hơn để cung cấp cho tử cung để nuôi dưỡng nhiều thai nhi.

Kích thước tử cung lớn

Trong suốt thai kỳ, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung của bạn (từ đỉnh xương mu đến đỉnh tử cung) như một cách ước tính tuổi thai cũng như sự phát triển của em bé. Mang đa thai có thể khiến tử cung của mẹ cao và rộng hơn so với thai đơn.

Tăng cân nhiều

Các bà mẹ mang song thai sẽ tăng nhiều hơn mẹ đơn thai từ 5 – 7kg. Con số này ở thai phụ mang từ 3 thai trở lên là 8 – 12kg hoặc hơn.

Biến chứng thường gặp của song thai

Mẹ bầu song thai có nguy cơ gặp phải những rủi ro sức khỏe cho cả mẹ và bé, cụ thể:

Sinh non

Biến chứng hay gặp nhất là sinh non. Hơn một nửa phụ nữ mang song thai, tam thai và nhiều thai trong một thai kỳ gặp tình trạng sinh non. Những em bé sinh trước 37 tuần sẽ tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn, bao gồm vấn đề về hô hấp, ăn uống và thị giác. Những vấn đề khác, chẳng hạn như học tập và khuyết tật hành vi, có thể xuất hiện muộn hơn, ở thời thơ ấu hoặc thậm chí tuổi trưởng thành.

Trong khi đó, những em bé sinh non trước 32 tuần sẽ tăng nguy cơ tử vong hoặc gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, dù được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Thậm chí, có nhiều em bé sinh non do đa thai cần được chăm sóc y tế suốt đời.

Sảy thai

Hiện tượng sảy thai sớm trong tam ca nguyệt thứ nhất rất thường thấy ở các thai phụ mang đa thai. Ở các tam cá nguyệt tiếp theo, nguy cơ sảy thai vẫn tiềm ẩn nếu mẹ không được theo dõi đúng cách và có biện pháp xử trí kịp thời.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là hiện tượng rối loạn huyết áp, xảy ra sau tuần thai thứ 20 hoặc sau khi sinh con. Tình trạng này có xu hướng xuất hiện sớm hơn và nghiêm trọng hơn trong thai kỳ đa thai.

Tiền sản giật là nguyên nhân khiến nhiều cơ quan trong cơ thể người mẹ bị tổn thương. Trong đó, phổ biến nhất là thận, gan, não và mắt. Tiền sản giật nặng còn có thể gây co giật cơ, gọi là sản giật. Khi sản giật xảy ra trong thai kỳ, em bé cần được chào đời càng sớm càng tốt, ngay cả khi chưa phát triển đầy đủ.

Đái tháo đường thai kỳ

Mẹ bầu mang đa thai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn so với các thai phụ đơn thai khác. Đây cũng là căn nguyên dẫn đến đái tháo đường sau này ở người mẹ. Nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ, trẻ thường gặp vấn đề về hô hấp hoặc hạ đường máu sau sinh.

 Trầm cảm

Đa thai làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Nếu bạn có cảm giác buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng đến mức không thể thực hiện các công việc hàng ngày, hãy thông báo cho bác sĩ ngay.

Thai nhi phát triển bất thường

Ở các thai kỳ đa thai, thai nhi phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển hoặc phát triển bất thường. Sự phát triển bất thường của thai nhi thường tỷ lệ thuận với số lượng túi thai trong buồng tử cung. Nếu có những dấu hiệu bất thường, mẹ cần được thăm khám ngay để được theo dõi sát sao và xử trí kịp thời.

Thai nhi có chung một bánh rau

Một vấn đề có thể xảy ra khi song thai có chung một bánh rau là hội chứng truyền máu song thai (TTTS). Trong TTTS, lưu lượng máu giữa các em bé trở nên mất cân bằng. Một em bé truyền máu cho em bé còn lại. Em bé cho bị thiếu máu trong khi em bé nhận dư máu. TTTS càng xảy ra sớm trong thai kỳ, biến chứng càng nghiêm trọng đối với một hoặc cả hai em bé.

Hiện tượng song thai có chung một bánh rau và một túi ối tuy hiếm xảy ra, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bên cạnh hội chứng truyền máu song thai, song thai chung một bánh rau còn gặp biến chứng liên quan đến xoắn dây rốn, tức là dây rốn của thai nhi này bị quấn vào dây rốn hoặc các bộ phận của thai nhi kia.

Thai nhi bị dị tật bẩm sinh

Những em bé sinh ra từ người mẹ mang đa thai tăng gấp đôi nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, bao gồm nứt đốt sống và các khuyết tật ống thần kinh khác, cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa và tim.

Mẹ nên làm gì khi mang đa thai?

Khi được chẩn đoán mang đa thai, mẹ bầu hãy tuân thủ các biện pháp sau để hạn chế tối đa các biến chứng có thể gặp phải cho cả mẹ lẫn bé:

Thiết lập chế độ dinh dưỡng đầy đủ

Khi nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi tăng lên gấp đôi, gấp ba… mẹ cần cung cấp nhiều dưỡng chất hơn để giảm nguy cơ suy dinh dưỡng cho cả trẻ sơ sinh sau này. Thực đơn cho mẹ cần đa dạng, đủ cả lượng và chất, trong đó tăng cường các vi chất quan trọng như sắt, canxi, axit folic, vitamin A…

Theo dõi thai chặt chẽ

Mẹ bầu thường được khuyên đến bác sĩ thường xuyên hơn để kiểm soát tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé. Việc siêu âm đúng lịch cũng giúp bác sĩ sớm phát hiện các dị tật thai nhi, đồng thời phát hiện sớm những tai biến sản khoa (như tiền sản giật, hội chứng truyền máu song thai…) để có hướng can thiệp kịp thời.

Chế độ nghỉ ngơi đầy đủ

Mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều, thư giãn, tránh làm việc quá sức nhằm hạn chế các nguy cơ biến chứng thai kỳ.

Khâu cổ tử cung

Để tránh tình trạng cổ tử cung mở quá sớm, bác sĩ thường chỉ định khâu cổ tử cung ở các mẹ bầu mang đa thai. Điều này giúp giữ cho thai nhi ở lâu nhất trong bụng mẹ, hạn chế nguy cơ bé gặp phải các vấn đề sức khỏe nếu chẳng may sinh non.

Uống thuốc đầy đủ

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc hỗ trợ dinh dưỡng và các kích thích tố khác để đảm bảo kỳ sinh nở diễn ra thuận lợi, an toàn.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....