Những điều nên và không nên khi tích trữ sữa mẹ trong tủ lạnh

Chủ Nhật, 12/01/2020 02:18 PM (GMT+7)

Do đó để việc tích trữ sữa mẹ được đảm bảo nhất, hãy đặt túi trữ sữa vào trong một hộp đựng thực phẩm bằng nhựa cứng có nắp đậy kín. Và hãy nhớ tuyệt đối không bao giờ sử dụng những dụng cụ như các loại chai dùng một lần hay túi bóng thông thường để tích trữ sữa mẹ cho trẻ.

sua-me

Sữa mẹ nên được tích trữ bằng loại dụng cụ như thế nào?

Trước khi tiến hành vắt hoặc hút sữa, người mẹ cần nhớ rửa kỹ tay với xà phòng diệt khuẩn. Vật dụng để tích trữ sữa mẹ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, có nắp đậy, làm từ chất liệu thủy tinh hoặc nhựa cứng không chứa Bisphenol A (BPA).

Bên cạnh đó còn có các loại túi trữ sữa chuyên dụng rất tiện lợi để các bà mẹ dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên các loại túi trữ sữa chuyên dụng có một nhược điểm, đó là chúng có thể bị rách, bị hở và dễ bị nhiễm khuẩn hơn so với các vật đựng bằng chất liệu cứng.

Do đó để việc tích trữ sữa mẹ được đảm bảo nhất, hãy đặt túi trữ sữa vào trong một hộp đựng thực phẩm bằng nhựa cứng có nắp đậy kín. Và hãy nhớ tuyệt đối không bao giờ sử dụng những dụng cụ như các loại chai dùng một lần hay túi bóng thông thường để tích trữ sữa mẹ cho trẻ.

Làm thế nào để cất trữ sữa mẹ tốt nhất?

Hãy nhớ mỗi dụng cụ trữ sữa đều cần được dán nhãn đề rõ ngày lấy sữa (nên sử dụng các loại nhãn chống nước để tránh bị nhòe mực). Nếu tích trữ sữa chung với người khác, đừng quên thêm cả tên em bé bên cạnh ngày lấy sữa. Chỗ trữ sữa tốt nhất trong tủ lạnh hoặc tủ đông là ở sâu phía trong, nơi có nhiệt độ thấp nhất và ổn định nhất. Nếu vì lí do nào đó chưa thể để vào tủ lạnh hay tủ đông ngay, người mẹ có thể cất tạm phần sữa trữ ở trong thùng làm mát cách nhiệt.

Mỗi vật dụng dùng để tích trữ chỉ nên chứa lượng sữa mẹ đủ cho một cữ ăn của em bé. Với lần tích trữ đầu tiên, người mẹ có thể thử bắt đầu với thể tích từ 2 đến 4 ounce (~ 59 - 118 ml), sau đó sẽ tùy thực tế mà điều chỉnh. Người mẹ cũng có thể trữ thêm một số phần sữa nhỏ hơn (thể tích 1 - 2 ounce, tương đương khoảng 30 - 59 ml) để dự phòng cho những tình huống bất ngờ. Thể tích sữa mẹ sẽ tăng lên khi ở trạng thái đông lạnh, do đó đừng nên đựng quá đầy trong dụng cụ tích trữ. 

Liệu có thể thêm sữa mới lấy vào phần sữa đã tích trữ trước đó không?

Người mẹ hoàn toàn có thể cho thêm phần sữa mới lấy vào trữ cùng với phần sữa đã được trữ trước đó trong tủ lạnh hoặc tủ đông (nhưng phần sữa mới lấy phải được lấy trong cùng một ngày với phần sữa đã được tích trữ trước).

Tuy nhiên người mẹ cần lưu ý, phải làm mát hoàn toàn phần sữa mới lấy (bằng tủ lạnh hoặc bằng máy làm mát với đá) trước khi cho vào cùng phần sữa đã được tích trữ đông lạnh. Lí do không được thêm ngay sữa mới lấy vào phần sữa đông lạnh tích trữ là bởi nhiệt độ từ sữa mới lấy sẽ làm cho chỗ sữa đã tích bị rã đông một phần.

Sữa mẹ có thể được tích trữ trong thời gian bao lâu?

Thời gian mà sữa mẹ có thể tích trữ được phụ thuộc vào cách tích trữ sữa mẹ được áp dụng. Thời gian tích trữ sữa mẹ đối với một số phương pháp thông dụng có thể tham khảo như sau:

Tích trữ ở nhiệt độ phòng: sữa mẹ mới lấy có thể để được trong điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 6 giờ đồng hồ. Tuy nhiên thời gian tích trữ và sử dụng tối ưu là trong vòng 4 giờ, và nếu căn phòng ấm áp thì giới hạn để sử dụng sữa cũng chỉ là 4 giờ.

Tích trữ trong máy làm mát cách nhiệt: sử dụng máy làm mát cách nhiệt với đá có thể giúp bảo quản sữa mẹ trong vòng một ngày.

Tích trữ trong tủ lạnh: sữa mẹ nếu được cất trữ ở khu vực sâu trong tủ lạnh và giữ vệ sinh sạch sẽ thì có thể bảo quản được trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 3 ngày.

Tích trữ trong tủ đông: tích trữ sữa mẹ bằng tủ đông là phương pháp giúp bảo quản được trong thời gian dài nhất, lên tới 12 tháng. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 6 tháng.

Tích trữ sữa mẹ tuy rất tiện lợi, nhưng không phải không có hạn chế. Dù bảo quản trong tủ lạnh hay tủ đông thì vitamin C trong sữa cũng sẽ mất dần theo thời gian, bảo quản càng dài thì hàm lượng vitamin C càng giảm. Thêm nữa, sữa mẹ được lấy và tích trữ khi đứa trẻ mới chào đời sẽ không hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của đứa trẻ đó sau vài tháng. Và hãy nhớ, khi đứa trẻ sinh non, bị ốm hay nằm viện thì các hướng dẫn về tích trữ sữa mẹ sẽ có sự khác biệt.

Muốn rã đông sữa mẹ đã tích trữ phải làm như thế nào?

Hãy luôn nhớ lấy phần sữa được cất trữ lâu nhất ra sử dụng trước (tuân theo nguyên tắc cất trước thì sử dụng trước).

Nếu sữa được bảo quản trong tủ đông, hãy nhớ chuyển phần sữa định sử dụng vào tủ lạnh qua đêm để có thể sử dụng vào ngày hôm sau.

Sữa có thể được làm ấm bằng cách đặt dưới dòng nước ấm đang chảy hoặc ngâm trong một bát nước ấm. Đừng vội vàng làm nóng sữa bằng lò vi sóng hoặc đun trên bếp, bởi các phần trong sữa sẽ nhận nhiệt lượng không đều, phần sẽ quá nóng trong khi phần khác vẫn lạnh. Mặt khác dưới tác động của nhiệt độ cao, các kháng thể cần cho em bé trong sữa mẹ sẽ bị mất đi.

Dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định chắc chắn sữa đã rã đông sau đó trữ đông trở lại có an toàn để sử dụng hay không, nhưng hiện nay đa số chuyên gia khuyến cáo sữa đã rã đông chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ, nếu quá thời gian này mà chưa dùng hết thì hãy bỏ đi.

 Sữa đã rã đông liệu có màu sắc hay mùi vị khác với sữa mẹ bình thường không?

Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi, phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn của người mẹ. Và sữa đã rã đông cũng có thể có mùi vị khác với sữa mẹ bình thường, nhưng nó hoàn toàn an toàn đối với em bé. Nếu em bé tỏ ra không thích, rút ngắn thời gian sữa được tích trữ có thể giúp giải quyết tình huống.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....