Rối loạn cương dương: Những điều bạn cần thảo luận với bác sĩ

Thứ Ba, 11/08/2020 11:39 AM (GMT+7)

Nếu cảm thấy khó khăn khi nói về triệu chứng bệnh của mình, bệnh nhân có thể nói rằng "Tôi nghĩ rằng tôi đang gặp vấn đề liên quan đến cương dương". Với cách nói này, hầu như các bác sĩ sẽ hiểu những gì bệnh nhân đang gặp phải, tuy nhiên vẫn cần làm rõ thêm một số thông tin.

roi-loan-cuong-duong

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương là bệnh lý rất hay gặp ở nam giới, xảy ra khi dương vật không đủ khả năng hoặc không thể duy trì sự cương cứng đủ để giao hợp với bạn tình. Nếu tình trạng này chỉ đôi khi xảy ra thì không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu vấn đề này lặp đi lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến “chuyện ấy” thì mới được xem là rối loạn cương dương.

Nguyên nhân khiến nam giới bị rối loạn cương dương

Những nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương bao gồm:

Những rối loạn làm giảm lưu lượng máu hoặc gây tổn thương lên các dây thần kinh tại dương vật;

Ảnh hưởng từ phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng (phổ biến nhất là phẫu thuật tuyến tiền liệt), xạ trị, bệnh về cột sống, bệnh tiểu đường, đa xơ cứng hoặc bệnh rối loạn thần kinh ngoại biên;

Rối loạn nội tiết tố (như testosterone thấp) cũng là nguyên nhân gây rối loạn cương dương.

Một số yếu tố khác bao gồm: đột quỵ, thói quen thuốc lá, uống rượu và sử dụng chất gây nghiện. Tác dụng phụ của thuốc cũng có thể là tác nhân dẫn đến rối loạn cương (đặc biệt đối với nam giới lớn tuổi) bao gồm một số loại thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu hoặc các chất cấm.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến tâm lý, như mệt mỏi, stress, lo lắng có thể gây ra tác động không nhỏ, khiến nam giới gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cương cứng khi quan hệ.

Rối loạn cương dương có chữa được không?

Rối loạn cương dương hoàn toàn có thể chữa trị được. Đôi khi, việc điều trị bệnh chỉ đơn giản là tuân thủ chế độ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn trong đơn thuốc của bác sĩ. Có những loại thuốc chỉ dành cho để điều trị tình trạng rối loạn cương ở nam giới. Ngoài ra, bác sĩ có thể lựa chọn một số phương án khác, bao gồm:

Thuốc tiêm;

Thuốc đạn;

Phẫu thuật cấy ghép dương vật;

Sử dụng các thiết bị đặc biệt, như máy bơm chân không, giúp làm tăng lưu lượng máu đến dương vật.

Khi phát hiện triệu chứng của rối loạn cương dương, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân chính xác, tránh tình trạng tự tìm cách chữa trị. Nhiều trường hợp nam giới gặp vấn đề trong việc cương cứng bắt nguồn từ một bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

Tăng huyết áp;

Xơ cứng động mạch;

Bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, rối loạn cương dương cũng có thể gây ra bởi các phương pháp điều trị khác, bao gồm:

Phẫu thuật tuyến tiền liệt;

Xạ trị.

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi “Rối loạn cương dương có tự khỏi không?” thì trước hết, bệnh nhân cần đến bác sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị phù hợp. Một số trường hợp chỉ cần thay đổi lối sống, tập luyện tích cực là triệu chứng bệnh sẽ được giải quyết.

Mặt khác, nếu nguyên nhân gây bệnh là do căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm, người bệnh cần thăm khám và trao đổi với bác sĩ tâm lý để khắc phục tác nhân gây bệnh.

Lưu ý trong quá trình thăm khám bệnh

Khi phát hiện biểu hiện bệnh rối loạn cương dương, nam giới cần đến cơ sở y tế để thăm khám. Nếu không muốn nói với nhân viên tiếp tân lý do đến khám, bệnh nhân chỉ cần nói rằng mình đang mắc một vấn đề liên quan đến sức khỏe nam giới.

Bệnh nhân nên chuẩn bị trước những thông tin sau đây để hỗ trợ cho quá trình khám và chẩn đoán bệnh, bao gồm:

Tất cả các loại thuốc đang dùng: Bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn, các thảo dược, thực phẩm bổ sung và vitamin;

Thông tin chi tiết về bệnh tình: Biểu hiện triệu chứng cụ thể như thế nào? Khi nào triệu chứng bệnh xuất hiện, đến nhanh hay chậm? Có phải những triệu chứng chỉ xuất hiện ngẫu nhiên, lúc có lúc không? Có phải bệnh chỉ xảy ra trong những trường hợp nhất định nào đó?

Một số thông tin cá nhân: Bệnh nhân có đang gặp căng thẳng gì không? Gần đây có sự thay đổi quan trọng nào đó ở nhà hay nơi làm việc hay không?

Những thói quen liên quan đến vấn đề cương dương: Có hay uống nhiều rượu, sử dụng cocain, thuốc lá hoặc chất gây nghiện?

Nam giới nên thẳng thắn trao đổi với bạn tình về tình trạng bệnh của mình và thậm chí có thể dẫn cô ấy đi cùng trong những lần thăm khám bệnh để bổ sung một số triệu chứng bệnh nhân có thể quên hoặc không nghĩ đến.

Cần trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về rối loạn cương dương

Bệnh nhân rối loạn cương dương cũng như các vấn đề về sinh lý nam nói chung thường có nhiều thắc mắc về bệnh tình của mình. Hãy chuẩn bị sẵn những câu hỏi và thắc mắc trước khi đến khám:

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Những triệu chứng này là lâu dài hay chỉ tạm thời?

Bệnh rối loạn cương dương có chữa được không?

Các lựa chọn điều trị bao gồm những gì?

Nếu điều trị không hiệu quả thì sao?

Có cần gặp chuyên gia về nam khoa?

Phí điều trị có được bảo hiểm y tế chi trả?

Bệnh rối loạn cương dương có tự khỏi không?

Cần thay đổi lối sống như thế nào?

Làm cách nào để tìm hiểu thêm thông tin?

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....