Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì

Thứ Tư, 06/07/2022 02:30 PM (GMT+7)

Khi đến tuổi dậy thì, các bé gái sẽ xuất hiện kinh nguyệt. Tuy nhiên, đôi khi kinh nguyệt lại đến sớm hơn hoặc muộn hơn, nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường cũng khiến các bé lo lắng, bất an.

Với các bạn nữ ở độ tuổi dậy thì, phải mất 2 – 3 năm đầu chu kỳ kinh nguyệt mới đi vào “quỹ đạo”. Tuy nhiên, bất kì rối loạn nào trong những kì kinh nguyệt đầu tiên của bé gái cũng cần được quan tâm và theo dõi cẩn thận. Bởi nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của bé gái đến sau này.

1. Thế nào là rối loạn chu kì kinh nguyệt tuổi dậy thì

Đối với phụ nữ trưởng thành có sức khỏe bình thường, kinh nguyệt đều và ổn định thì một chu kì kinh sẽ trong khoảng 28 - 32 ngày, thời gian có kinh dao động trong 3 đến 7 ngày. Lượng máu bình thường bị mất đi trong một kỳ kinh nguyệt là từ 60 - 80ml.

Tuy nhiên, ở giai đoạn tuổi dậy thì, kinh nguyệt của rất nhiều bạn gái bị rối loạn. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái sẽ không xuất hiện vào đúng ngày cụ thể hoặc không thể tính được ngày trứng rụng với những biểu hiện như:

– Kinh nguyệt lần đầu tiên thường kéo dài khoảng vài ngày và lượng máu chảy ra rất ít, đôi khi chỉ thấy những vệt máu màu nâu đỏ. Sau đó, lần kinh nguyệt thứ hai sẽ cách lần đầu tiên khoảng 35 – 40 ngày, có khi lên đến 2 tháng.

– Chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không đều: Chu kỳ kinh nguyệt ngắn dưới 21 ngày, đôi khi 2 – 3 tháng mới thấy kinh 1 lần, đôi khi 1 tháng có tới 2 – 3 lần hành kinh, lượng máu có thể ra ít hoặc nhiều. Lúc này, số ngày kinh nguyệt có thể kéo dài hơn 7 ngày hoặc chưa tới 3 ngày, tình trạng rong huyết xuất hiện không theo chu kỳ.

– Lượng máu kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn 20ml. Thực tế, lượng máu xuất hiện trong thời gian này cũng rất khó để các bé có thể biết chính xác. Do vậy, phụ huynh nên quan tâm và hướng dẫn chi tiết cho bé. Dựa trên số lượng băng vệ sinh bé gái đã sử dụng, chúng ta cũng có thể hỏi con để biết lượng kinh nguyệt nhiều hay ít.

– Đau bụng hành kinh dữ dội kèm theo những triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn ói, thậm chí là ngất xỉu.

– Nếu mắc bệnh phụ khoa thì máu kinh sẽ có màu sắc bất thường, vón thành cục máu đông hoặc có màu đen,…

Nếu không phải do bệnh phụ khoa thì tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là hiện tượng vô cùng bình thường. Nó chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của các bạn gái chứ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang, mệt mỏi,… ảnh hưởng tới quá trình học tập của các bạn nữ.

roi-loan-kinh-nguyet-tuoi-day-thi

Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các bé gái. Ảnh minh họa.

2. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, nhưng theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến là:

- Căng thẳng tâm lý: Tuổi dậy thì là giai đoạn các bạn gái có rất nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm các bạn gái phải chịu rất nhiều áp lực từ việc học hành và thi cử, v.v... Ngoài ra, một vài bạn gái khi thấy kinh nguyệt lần đầu tiên sẽ cảm thấy lo lắng và bất an. Đặc biệt là những bạn gái chưa được chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự thay đổi này của cơ thể. Tuy nhiên, tới khoảng 16 tuổi, các bạn gái sẽ quen dần với việc chảy máu kinh hàng tháng và sẽ bắt đầu cảm thấy lo lắng khi kinh nguyệt không đều.

- Thói quen ăn uống: Dậy thì là giai đoạn cơ thể của các bạn gái phát triển mạnh mẽ nhất. Do đó, những rối loạn trong thói quen ăn uống như chán ăn, ăn rất ít,… sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, dẫn đến hiện tượng suy dinh dưỡng, còi xương, cơ thể suy nhược,… Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể và khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Ngoài ra, tình trạng béo phì, thừa cân cũng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

- Việc thiếu hụt một số vitamin cần thiết liên quan đến nhu cầu hoạt động của cơ quan sinh dục nữ cũng dẫn đến kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì.

- Vận động quá sức: Các động tác thể dục thể thao có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái trong độ tuổi dậy thì. Do đó, việc vận động quá sức có thể khiến thời gian bị hành kinh giảm xuống, thậm chí là mất kinh trong nhiều tháng.

- Do chức năng của cơ quan sinh dục ở trẻ vị thành niên chưa hoàn thiện.

- Viêm nhiễm phụ khoa: Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì cũng có thể là do các bạn gái mắc phải một số căn bệnh phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo. Đây cũng là thủ phạm dẫn đến hiện tượng rong kinh, bế kinh, chậm kinh,… ở tuổi mới lớn.

- Rối loạn ở tuyến dưới đồi và tuyến yên: Đây là hai vùng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng, nơi tiết ra nội tiết tố estrogen và progesterone. Do đó, khi 2 vùng này bị rối loạn, có thể khiến cho cấu tạo của lớp niêm mạc tử cung bị thay đổi, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra ít ở tuổi dậy thì hoặc một số rối loạn kinh nguyệt khác.

- Do mắc phải các bệnh lý về buồng trứng: Thường gặp nhất là hội chứng buồng trứng đa nang. Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng không thể tiết ra được hormone nội tiết tố như bình thường do sự cản trở của những nang trong buồng trứng. Mặc dù căn này rất ít gặp ở tuổi dậy thì nhưng đây cũng là thủ phạm gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở các bạn gái.

3. Xử lý tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì

Khi mới bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, các bé gái cần chú ý hơn trong việc chăm sóc cơ thể, đặc biệt là vùng kín. Những lời khuyên sau đây có thể giúp tránh tình trạng rối loạn kinh nguyệt và thất thường ở tuổi dậy thì:

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh đồ ăn cay nóng.

- Uống đủ nước. Mỗi ngày cần uống ít nhất 1.5 - 2 lít nước. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê....

- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.

- Hàng ngày vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách. Không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo.

- Giữ vùng kín luôn khô ráo, thoáng mát.

- Thay quần lót 1 - 2 lần/ ngày. Lựa chọn loại quần lót phù hợp kích cỡ với chất liệu tự nhiên thoáng mát.

- Trong các ngày kinh nguyệt, cần thay băng vệ sinh mỗi 4 - 6 tiếng. Không lạm dụng loại băng vệ sinh hàng ngày.

Ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở vùng kín, đặc biệt là kinh nguyệt ra ít thất thường kèm theo các triệu chứng như đau bụng dữ dội, mệt mỏi... gia đình cần đưa bé gá đến bệnh viện để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng có thai.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....