Rụng tóc sau sinh: Nguyên nhân từ đâu?

Chủ Nhật, 30/10/2022 02:37 PM (GMT+7)

Sau sinh con có nhiều sự thay đổi về cân nặng, vóc dáng, thói quen sinh hoạt, hay sự xáo trộn nội tiết tố gây nám da, mụn… đặc biệt là tình trạng rụng tóc nhiều sau sinh.

Nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh

  • Nấm

Nhiều trường hợp mẹ sau sinh rụng tóc do nấm với các biểu hiện như ngứa da đầu, tóc rụng thành mảng. Nếu gặp tình trạng này, mẹ nên lưu ý thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Trong quá trình mang thai, các chất dinh dưỡng mà người mẹ nạp vào được dành để cung cấp cho thai nhi và sau khi sinh lại được tập trung để tạo sữa cho con, dẫn đến tình trạng cơ thể dễ thiếu hụt chất. Nếu không được bổ sung đầy đủ, cơ thể mẹ sẽ bị suy nhược, dẫn đến một loạt các vấn đề khác về sức khỏe cũng như thẩm mỹ trong đó có rụng tóc.

dieu-tri-rung-toc-sau-sinh
  • Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể

Sự thay đổi của nội tiết tố trong thai kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến tóc rụng nhiều sau sinh ở các mẹ bỉm sữa. Trong thời gian mang thai, lượng estrogen được tiết ra nhiều hơn, tuổi thọ của tóc kéo dài, tốc độ rụng giảm. Chính vì vậy, ở tam cá nguyệt thứ 2 trong thai kỳ, chị em thường thấy mái tóc mình dày hơn. Sau khi sinh, lượng estrogen giảm dần và tóc không chỉ rụng bình thường theo chu kỳ vốn có mà cả số tóc không rụng trong thời kỳ mang thai cũng sẽ rụng. Vì thế, chị em thấy tóc rụng rất nhiều trong khoảng 3 – 4 tháng sau sinh, thậm chí còn có hiện tượng rụng tóc mảng.

Thêm vào đó, trong thời kỳ cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra hormone prolactin giúp nguồn sữa dồi dào hơn nhưng Prolactin cũng là một chất ức chế estrogen nên càng khiến tóc rụng nhiều hơn.

  • Rối loạn tâm lý

Phụ nữ khi mang thai và sau sinh thường lo lắng, căng thẳng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh. Khi mẹ thường xuyên lo lắng, stress có thể dẫn đến việc rối loạn chức năng thần kinh kiểm soát lượng máu nuôi các bộ phận cơ thể trong đó có tóc. Việc máu giảm cung cấp dinh dưỡng cho tóc sẽ khiến tóc dễ gãy rụng hơn.

Rụng tóc sau sinh kéo dài bao lâu?

Rụng tóc nhiều có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào sau khi sinh và thường rụng nhiều nhất vào khoảng tháng thứ 2 đến thứ 4. Rụng tóc ở phụ nữ sau sinh có thể kéo dài khoảng 1 năm nhưng bạn hãy yên tâm là tình trạng này không nghiêm trọng đến mức gây hói đầu. Thông thường, bạn có thể giảm rụng tóc một cách tự nhiên khi cho bé cai sữa, uống thêm sữa công thức hoặc ăn dặm. Tuy nhiên, nếu tình trạng rụng tóc vẫn kéo dài khi em bé tròn 1 tuổi thì chị em nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

photo-1659679891522-16596798919322025021459

Làm gì để khắc phục tình trạng rụng tóc sau sinh? 

- Hạn chế sử dụng các loại dầu gội có chất tẩy rửa mạnh, tốt nhất nên dùng loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.

- Giữ tinh thần luôn thoải mái trong thời gian mang thai và cho con bú: Tình trạng căng thẳng, lo lắng ngoài việc gây ảnh hưởng tới lượng sữa của mẹ, mà còn làm cho hiện tượng rụng tóc trầm trọng hơn.

- Tránh buộc tóc quá chặt: Sau khi sinh, tóc trở nên rất nhạy cảm nên cần nhẹ nhàng để tránh rụng tóc nhiều. Hãy dùng lược chải tóc nhẹ nhàng, kết hợp massage da đầu giúp cho máu lưu thông, thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc mới.

- Tránh kiêng quá mức việc tắm, gội đầu, chải tóc trong thời gian ở cữ sau sinh. Cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, giữ thông thoáng cho tóc và da đầu.

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Có chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế đồ ngọt, ăn nhiều rau tươi, trái cây, đồ hải sản, cá, trứng, các loại đậu, những thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi, vitamin nhóm B...

- Ngoài ra có thể hạn chế cảm giác bị rụng tóc nhiều bằng cách thay đổi một kiểu tóc mới, cắt tóc ngắn... sẽ giảm cảm giác tóc bị rụng nhiều.

Nguyễn Liên

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....