Sàng lọc trước sinh và sơ sinh – những khó khăn còn tồn tại

Thứ Tư, 07/10/2020 01:29 PM (GMT+7)

Sàng lọc trước và sơ sinh là phương pháp đóng góp không nhỏ vào chất lượng dân số của nước nhà.

Phương pháp sàng lọc trước và sau sinh đang được rất nhiều các cặp vợ chồng áp dụng. Phương pháp này không những mang lại lợi ích cho gia đình mà còn cả quốc gia. Tuy nhiên phương pháp này còn gặp những khó khăn, cần khắc phục.

Phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở trẻ

Chị Vũ Thị Nhàn (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết, năm 2016, khi mang thai, chị đã được các y, bác sĩ đề cập đến những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Khi bé được sinh ra, các y, bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc sau 24 giờ sinh nên phát hiện bé bị thiếu men G6PD. Bình thường, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh này, trẻ có thể mắc các di chứng nặng nề, thậm chí là bại não. Nhờ phát hiện sớm, bác sĩ đã hướng dẫn gia đình các phương pháp chăm sóc, có chế độ ăn uống hợp lý, uống vitamin D để bổ sung men đầy đủ cho bé. Nhờ đó, giờ đây bé đã phát triển hoàn toàn bình thường.

phat-hien-di-tat-som-o-tre

Ngay từ ngày đầu thực hiện đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế địa phương, đơn vị y tế tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đào tạo nâng cao kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, cộng tác viên dân số thôn, xóm.

Nhờ tuyên truyền vận động, nhận thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh nâng lên. Nhiều bà mẹ mang thai, trẻ sinh ra được thụ hưởng đề án. Từ năm 2018 đến nay, có 7.356 ca sàng lọc trước sinh, trong đó có 680 ca được hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu y tế - dân số, 6.676 ca tự chi trả và xã hội hóa; phát hiện 76 ca nguy cơ cao; 36 ca được chẩn đoán bất thường nhiễm sắc thể và các dị tật khác.

Sàng lọc sơ sinh thực hiện 2.161 ca; trong đó có 1.120 ca được hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục mục tiêu y tế - dân số, 1.041 ca sàng lọc sơ sinh xã hội hóa; phát hiện 10 ca bị bệnh thiếu men G6PD, 2 ca bị bệnh suy giáp bẩm sinh.

Còn khó khăn

Lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất rõ ràng, nhưng hiện nay, số bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc chưa nhiều. Theo Thông tư số 26/2018 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, việc miễn phí hỗ trợ dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh chỉ dành cho những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và một số đối tượng khác…

Do đó, những đối tượng còn lại và các hoạt động khác, địa phương phải tự chủ động kinh phí thực hiện. Trong khi đó, kinh phí chương trình phân bổ hàng năm quá ít và thường chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án. Chỉ tiêu sàng lọc sau sinh được hỗ trợ phân bổ thấp. Công tác truyền thông vận động chủ yếu là lồng ghép trong các hoạt động dân số, chưa có kinh phí dành riêng cho truyền thông tăng cường sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

phat-hien-di-tat-som-o-tre2

Bên cạnh đó, thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc đi siêu âm không đúng thời điểm nên khó phát hiện các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Có trường hợp phát hiện dị tật bẩm sinh khi thai đã đủ tháng. Việc vận động và lưu giữ các sản phụ ở lại sau 24 giờ để lấy máu xét nghiệm sàng lọc sau sinh cho trẻ cũng khá khó khăn do sản phụ thường xin xuất viện sớm hơn 24 giờ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình sợ lấy máu xét nghiệm làm đau trẻ nên chưa tự nguyện cho trẻ làm xét nghiệm.

Những yếu tố trên khiến việc triển khai đề án chưa đạt hiệu quả cao. Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, kinh phí cho Chương trình DS-KHHGĐ giảm mạnh hàng năm, chỉ tiêu tỷ lệ sàng lọc sơ sinh hiện nay của tỉnh chỉ có 33,3%, trong khi số phụ nữ có thai và sinh nở hàng năm trên 15.000 trẻ. Số trẻ chưa được sàng lọc vẫn còn ở mức cao (hơn 12.300 trẻ, chiếm 77%). Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu của người dân vẫn là một bài toán khó.

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục

Phân biệt Double test và Triplet test trong sàng lọc trước sinh

Double test và Triple test là hai loại xét nghiệm rất quan trọng cần thực hiện trong quá trình mang thai để sàng lọc...

Sàng lọc sơ sinh - chìa khóa vàng cho con một khởi đầu trọn vẹn

Dị tật bẩm sinh đang là nguyên nhân khiến hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong (chiếm tỷ lệ 11%), khoảng 40.039 trẻ may...

Xét nghiệm sàng lọc sau sinh: có cần thiết hay không?

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, xét nghiệm sàng lọc sau sinh là vô cùng...