Tắc tia sữa sau sinh: Nguyên nhân và cách xử lý

Thứ Hai, 20/04/2020 01:23 PM (GMT+7)

Tắc tia sữa là quá trình bế tắc, ứ đọng sữa không thoát ra ngoài được và tạo mủ cấp tính. Bệnh thường phát sinh vào thời kỳ cho con bú, đặc biệt ở bà mẹ sinh con đầu lòng. 

tac-tia-sua

Nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa?

Dưới kích thích khi trẻ bú mút vú mẹ, sữa sản xuất từ các nang sữa, theo các ống dẫn về xoang chứa sữa ở quầng vú, chảy ra ngoài. Nếu xảy ra bất thường làm hẹp ống dẫn sữa, mẹ bất đắc dĩ phải đối mặt với chứng tắc tia sữa khó chịu. Tại chỗ tắc, hiện tượng sữa đông kết tạo cục, cản trở dòng chảy của lượng sữa khác, làm căng giãn ống dẫn trước chỗ tắc, gây chèn ép các ống dẫn sữa còn lại khiến tình trạng tắc sữa trầm trọng hơn.

Ngoài nguyên nhân mang tính lý thuyết cơ bản trên, đôi khi tình trạng không mong đợi này lại xảy ra do một nguyên nhân khác như:

- Sau khi sinh, mẹ không biết cách massage đều bầu vú để thông tia sữa.

- Sữa thừa ứ đọng do trẻ không bú hết, lâu ngày gây ôi, tắc và ung nhũ.

- Cảm hàn ảnh hưởng đến sự lưu thông của sữa.

- Tinh thần không thoải mái, buồn bã, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến dòng chảy của sữa.

- Chế độ ăn uống không hợp lý, thất thường, gây sưng đau vú, làm trì trệ việc sản xuất sữa.

- Mẹ không vệ sinh bầu vú sạch sau khi cho con bú.

Bác sĩ Nam chia sẻ: Có rất nhiều trường hợp chị em bị tắc tia sữa không biết xử lý đúng, khi vào bệnh viện kiểm tra thì hậu quả dẫn đến áp xe vú phải phẫu thuật.

Áp xe vú diễn biến qua hai giai đoạn, giai đoạn viêm ban đầu và giai đoạn tạo thành ổ áp xe, biểu hiện của hai giai đoạn này ở từng bệnh nhân sẽ rất khác nhau chứ không phải lúc nào cũng bao gồm sốt cao, sưng tấy đỏ vùng viêm. Nhiều sản phụ sau khi có dấu hiện viêm tắc tia sữa lại tự tìm thông tin trên mạng, khi thấy trường hợp của mình không giống mà chỉ là tắc sữa đơn thuần nên vẫn tiếp tục xử trí sai và hậu quả là tổn thương vú nặng nề hơn rất nhiều.

Cách xử trí khi bị tắc tia sữa

Ép ngực bằng tay: Dùng tay ép bầu vú lên thành ngực, vừa ép vừa day để tạo lực làm tan sữa đông kết, vón cục bên trong. Ép nhẹ nhàng trong mức đau mẹ có thể chịu được, day từ từ theo chiều kim đồng hồ, khoảng 20-30 lần, sau đó làm ngược lại. Thực hiện nhiều lần cho đến khi cảm thấy dễ chịu, bớt căng tức ngực. 

Chườm nóng: Sau khi day và ép ngực, mẹ có thể tiếp tục giảm đau bằng cách chườm nóng. Dưới sức nóng của nhiệt, sữa vón cục tan dần, tạo điều kiện thuận lợi cho các tia sữa lưu thông.

 Hút sữa dư thừa: Chỉ dùng khi tình trạng tắc tia sữa mới ở giai đoạn “chớm nở”. Để lâu, sữa vón cục đặc, dày và nhiều, dụng cụ hút sữa không có tác dụng, đôi khi còn làm tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng giãn. 

Nếu những phương pháp trên không hiệu quả, người mẹ bắt đầu có những cơn sốt nóng lạnh kèm theo tình trạng vú bị tắc sữa sưng nóng đỏ đau thì đây là dấu hiệu mà người mẹ cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử trí sớm. Nếu vùng tắc tia sẽ đã làm thành ổ abces thì người mẹ cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để trích thông mủ và xử trí ổ abces càng sớm càng tốt 

Phòng tắc tia sữa sau sinh

Sau khi sinh, hãy xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa. Nếu muốn tránh tắc tia sữa thì người mẹ cần phải xử trí ngay khi vú bị cương sữa. Khi đó sản phụ sẽ thấy ngực căng tức thì bạn có thể dùng khăn ấm massage bầu vú. Có thể sử dụng lược chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông. Sau đó, cần xoa bóp tuyến vú nhẹ nhàng giúp  căng sữa rất hữu hiệu.

Sau mỗi lần cho bé bú, để giảm sưng tuyến sữa, sản phụ có thể đắp lạnh bầu vú và dưới cánh tay. Có thể đắp lạnh bằng túi nước lạnh hay túi rau lạnh tự làm (để túi rau vào tủ lạnh khoảng 20 phút trước đó). Nên để một lớp khăn mỏng trên tuyến vú khi đắp lạnh (tránh bị lạnh quá, làm mát dịu nơi căng sữa). Mỗi khi chuẩn bị cho bé bú, sản phụ cần đắp ấm bầu vú có thể giúp tăng tiết sữa. Sản phụ có thể xông hơi ấm vùng ngực hay đắp gạc ấm trên tuyến vú trước khi cho bé bú.

Khi bị cương sữa nhiều khiến đau tức để làm mềm tuyến sữa hãy dùng dụng cụ để hút sữa. Sau khi cho con bú, nếu tuyến sữa vẫn căng và đau sau khi cho bú cần hút sữa khoảng 5 – 10 phút để nhanh chóng lấy hết sữa thừa ra. Việc này sẽ giúp bầu sữa mềm hơn và trẻ dễ bú hơn, tránh bị tắc tia sữa.

-  Để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa sau sinh thì tốt nhất là giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho bú phải dùng khăn sạch, nhúng nước ấm để lau sạch đầu vú và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô.

- Sau đó, nếu bé bú không hết sữa, cần nặn hết sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong, dễ vón cục gây tắc tuyến sữa. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa.

- Nếu khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia, thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông ống sữa khi cho bú, như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa. 

Tắc tia sữa là một bệnh thường gặp và có thể xử trí tại nhà,nhưng nếu thấy có dấu hiệu bất thường như sốt cao, đau nhức nhiều, màu sữa tiết ra giống dạng mủ thì cần đi khám để chẩn đoán chính xác, đảm bảo an toàn tránh các biến chứng nguy hiểm.  Người mẹ cũng không nên tự ý mua thuốc tiêu sữa về dùng vì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe của người mẹ.

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....