Tại sao người Việt ăn cơm rượu nếp, thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ 5/5?

Thứ Năm, 06/06/2019 06:59 AM (GMT+7)

Rượu nếp cẩm, mận, vải, bánh tro... là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thế nhưng ở nhiều địa phương, người ta còn ăn cả thịt vịt.

tet-doan-ngo-55

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương - diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Đâyđược coi là ngày có thời điểm khí dương thịnh nhất trong năm, với thời gian Mặt trời chiếu sáng dài nhất.

Ở nước ta, dân gian còn gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, bởi đó là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.

Theo quan niệm của người xưa, ăn mận, vải, dưa hấu, bánh gio, rượu nếp... trong ngày này, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy sẽ khiến sâu bọ, giun sán trong người chết hết.

Tại sao ta lại ăn rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ?

Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại.

Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải thời gian nào cũng có thể làm được, chỉ có ngày mùng 5/5 âm lịch chúng mới ngoi lên. Bởi vậy, ta không thể để vụt mất cơ hội tốt nhất để trừ khử chúng. 

Do đó mà theo truyền thống, người xưa thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết "sâu bọ" - những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và rượu nếp hay cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế - đã được trọng dụng.

Chưa hết, người xưa còn cho rằng, ăn rượu nếp, nhất là khi bụng đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ "say lử đử" rồi chết ngất.

Dưới góc độ khoa học, lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, chúng ta ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.

Ngoài ra, nhiều người còn đun lá mùi tắm để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ họ còn đi tắm biển. Bởi theo quan niệm dân gian, ngày này có khí dương mạnh nhất trong năm nên việc tắm biển vào ban trưa sẽ hấp thu nhiều dương khí và loại bỏ những vận xui. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.

Có những loại rượu nếp nào?

Mặc dù là món "không thể thiếu" trong dịp Tết Đoan Ngọ nhưng ít ai biết rằng, rượu nếp ở mỗi vùng lại có sự khác nhau đôi chút.

Cụ thể, cơm rượu nếp miền Bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu, ủ khoảng 2 - 3 ngày cho ngấm.

Cơm rượu nếp miền Bắc thường khá tơi và có màu vàng nhạt, mùi thơm.Cơm rượu nếp miền Trung là những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt. Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn.

Cơm rượu nếp miền Trung thường vuông vức, có vị ngọt để dùng làm món tráng miệng.Cơm rượu nếp miền Nam không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ.

Cơm rượu nếp trong miền Nam sẽ được nặn tròn ủ trong men rượu.Dẫu mang hình dáng nào nhưng đây vẫn là món ăn được nhiều người ưa thích để "diệt sâu bọ".

Liệu rằng ăn rượu nếp sẽ khiến bạn say như uống rượu?

Cần phải hiểu rằng, cơm rượu nếp hay rượu nếp được lên men hoàn toàn từ gạo nếp trong khoảng 3 ngày.

Gạo nếp dùng làm rượu phải là nếp cẩm, nếp cái hoa vàng vẫn nguyên vỏ lụa và lớp cám nên giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lipid, các nguyên tố vi lượng và vitamin (nhất là vitamin B1).

Men sử dụng làm rượu nếp cũng được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng. Về cơ bản men rượu là một hỗn hợp gồm các vi sinh vật có khả năng thủy phân tinh bột thành đường và lên men dịch đường thành rượu. 

Do chứa 1 lượng cồn thấp, nên cơm rượu rất khó gây nên cảm giác say xỉn cho người dùng như các loại rượu thông thường.

Vì sao người Việt lại ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?

Dù thịt vịt luôn bị người Việt “tẩy chay” vào những ngày đầu tháng, thế nhưng đây lại là món truyền thống đặc biệt trong ngày Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch). Món ăn này đặc biệt phổ biến ở các tỉnh miền Trung.

Vì sao lại có phong tục khác lạ như vậy?

Vịt tên trong sách thuốc cổ là “Gia Áp”, có nơi còn gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ.

Theo Đông y, thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lực, lao tâm nhiều.

Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật, thịt vịt giúp giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vịt có sắc vàng trắng tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.

Thông thường người ta ăn thịt vịt theo lối luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt. Vịt tiềm với sen, táo, đinh và hồi, thường gọi là vịt tiềm thuốc Bắc.

Vịt phải “ăn già” nghĩa là phải trưởng thành, thường là từ sáu tháng trở lên, không ăn non như gà.

Trong khi đó, vào ngày Tết Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nên người ta ăn thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình giữa nhiệt – hàn (nóng và lạnh) của giữa Trời và Người.

Xem như vậy thì các món ăn mà người Việt Nam thường dùng không phải là do sự tình cờ. Vì trong thức ăn của Việt Nam, các chất trong thiên nhiên được tổng hợp theo nguyên lý âm-dương hàn-nhiệt để các chất bổ dưỡng dễ hấp thụ vào cơ thể.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những loại thực phẩm giàu DHA cho bà bầu và thai nhi

DHA là dưỡng chất quan trọng rất cần thiết giúp mẹ có thai kỳ thuận lợi, thai nhi phát triển khỏe mạnh. Dưới...

Thực phẩm giúp cải thiện chứng xuất tinh sớm

Chứng xuất tinh sớm khiến nam giới gặp nhiều trở ngại trong đời sống tình dục nhưng thực tế có rất ít...

Một số loại gia vị có thể giúp giảm hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt là những triệu chứng xảy ra trước kỳ kinh nguyệt mà 20-50% phụ nữ trong độ tuổi...

Lợi ích của bưởi đến sức khỏe sinh sản và tình dục

Theo y học cổ truyền, bưởi có vị ngọt chua, có nhiều tác dụng với sức khỏe, trong đó có tác dụng tốt cho sức...