Tại sao sức khỏe sàn chậu lại quan trọng đối với sức khỏe thai phụ và thai nhi?

Thứ Năm, 16/03/2023 09:26 AM (GMT+7)

Mang thai và sinh nở là thiên chức thiêng liêng của phụ nữ. Nhưng việc mang thai và áp lực căng giãn của cuộc sinh khiến người phụ nữ gặp rối loạn chức năng sàn chậu ngay từ trong thai kỳ đến sau sinh, thậm chí kéo dài đến khi về già.

Sàn chậu là gì? 

Sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau. Khối cân và cơ sàn chậu này bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.

Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) và hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh.

Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy.

Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này hỗ trợ hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.

Sàn chậu bị ảnh hưởng như thế nào khi mang thai?

Mang thai và sinh nở khiến cơ thể nhiều thay đổi. Những thay đổi này không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng, điều này có thể khiến những người sau sinh có các triệu chứng khó chịu, đôi khi suy nhược trong nhiều năm. Nhiều cơn đau và các vấn đề xảy ra trong thời kỳ hậu sản là do sàn chậu.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bác sĩ chuyên khoa Sàn chậu, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh lý sàn chậu thường gặp ở nữ giới, tần suất mắc bệnh gấp 4 lần nam giới do liên quan đến vấn đề mang thai, sinh nở, thiếu hụt nội tiết ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Nếu không được can thiệp điều trị và chăm sóc từ sớm, rối loạn chức năng sàn chậu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người phụ nữ, khiến họ mặc cảm và thiếu tự tin.

Khi mang thai, giống như nhiều bộ phận cơ thể khác, sàn chậu của phụ nữ cũng phản ứng với những thay đổi nội tiết tố bằng cách giãn ra và nới lỏng. Cân nặng từ em bé đang lớn cũng góp phần đè nặng lên sàn chậu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba khi bụng to ra.

Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, khi sinh thường, một số phụ nữ có thể bị chấn thương sàn chậu, điều này có thể dẫn đến suy yếu và rối loạn chức năng sàn chậu sau này trong cuộc sống bao gồm cả sa cơ quan vùng chậu và tiểu không tự chủ.

20190925_044932_060693_bau.max-800x800

Tại sao sức khỏe sàn chậu lại quan trọng đối với sức khỏe thai phụ và thai nhi?

Điều quan trọng là phải giữ cho sàn chậu của phụ nữ khỏe mạnh nhất có thể trước, trong và sau khi mang thai. Bắt đầu thai kỳ với cơ sàn chậu khỏe sẽ giúp giảm tổn thương mà các cơ này gặp phải khi thai nhi đang lớn dần. Sàn chậu khỏe mạnh cũng giúp quá trình chuyển dạ và sinh nở ít rủi ro hơn, vì đã được trang bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ. Và cho dù là sinh thường hay sinh mổ, các cơ của sàn chậu đều trải qua quá trình kéo căng và căng thẳng khá nhiều. Có một sàn chậu khỏe mạnh có nghĩa là phục hồi nhanh hơn sau khi sinh con.

Bên cạnh đó, sàn chậu bị suy yếu có thể dẫn đến sa cơ quan vùng chậu, tình trạng mà các cơ quan vùng chậu di chuyển ra khỏi vị trí và đi vào trong âm đạo, khiến tình dục và các hoạt động bình thường trở nên khó chịu và thậm chí đau đớn.

Bài tập giúp hỗ trợ vùng sàn chậu 

Bài tập sàn chậu phổ biến nhất là kegel. Bài tập này không chỉ dành cho phụ nữ mang thai mà bất cứ ai cũng có thể tập, kể cả nam giới. Bạn có thể tập kegel ngay cả khi bạn đang ngồi làm việc.

Kegel có thể tăng cường cơ vùng chậu của bạn để chuẩn bị cho việc mang thai và sinh con. Ngay cả sau khi sinh con, kegel có thể hỗ trợ bạn trong việc chữa lành các vết thương ở vùng giữa hậu môn và âm đạo bằng cách tăng lưu thông máu đến vùng này. Một lợi ích khác của kegel là nó làm săn chắc các cơ vùng chậu, giúp bạn dễ dàng đạt cực khoái hơn. Vì vậy, thực hiện các bài tập vùng sàn chậu còn có thể làm cho “chuyện ấy” thăng hoa hơn.

Các bước thực hiện bài thể dục kegel gồm:

Bước 1: Ngồi thoải mái trên ghế, chân và đầu gối dang rộng bằng vai. Thở bình thường. Thư giãn các cơ ở bụng, ngực và chân.

Bước 2: Tìm và xác định các cơ ở vùng sàn chậu bằng cách gồng mình giống như lúc phải nhịn tiểu tiện, bạn sẽ cảm thấy có một phần cơ nâng lên và ép vào phía trước xương chậu và phía sau mông. Đó chính là cơ sàn chậu của bạn.

Bước 3: Hãy điều khiển cơ sàn chậu của bạn bằng cách nâng chúng lên và siết chặt chúng lại giống như bạn đang cố gắng nhịn tiểu. Giữ các cơ vùng sàn chậu ở tư thế này càng lâu càng tốt, miễn là bạn còn cảm thấy thoải mái, sau đó thì dừng lại.

Bước 4: Thả lỏng các cơ rồi bắt đầu làm lại như trên, đến khi nào bạn cảm thấy các cơ bắp đã mệt mỏi thì bạn có thể nghỉ.

Việc duy trì sức khỏe tốt trong quá trình mang thai là rất quan trọng đối với bạn và cả em bé. Vì vậy, mẹ cần phải biết rõ được tầm quan trọng của việc tập căng cơ sàn chậu. Nếu mẹ cảm thấy mình có các bất thường ở vùng sàn chậu, hãy liên hệ và đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....