Thành phố đông dân nhất Trung Quốc sụt giảm dân số

Thứ Năm, 30/03/2023 09:07 AM (GMT+7)

Làn sóng lao động nhập cư dịch chuyển, không thể thuyết phục người dân sinh con, dân số già và các biện pháp Zero Covid-19 khiến dân số của Thượng Hải trong năm qua tiếp tục giảm.

Dân số Thượng Hải là khoảng 24,76 triệu người vào năm ngoái, giảm 135.400 người so với năm 2021. Ảnh: Reuters.

Dân số Thượng Hải là khoảng 24,76 triệu người vào năm ngoái, giảm 135.400 người so với năm 2021. Ảnh: Reuters.

Số liệu của Cục Thống kê Thượng Hải đưa ra hôm 28/3 cho thấy trung tâm kinh tế này có khoảng 24,76 triệu người vào năm ngoái, giảm 135.400 người so với năm 2021, South China Morning Post đưa tin.

Chính quyền cho biết thành phố đông đúc nhất Trung Quốc đã mất 257.000 lao động nhập cư, trong bối cảnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 vào năm ngoái. Điều này dẫn tới việc tổng dân số của Thượng Hải giảm lần thứ 3 kể từ năm 2015.

Sự sụt giảm cũng đến từ tỷ lệ sinh thấp và dân số ngày càng già.

Những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 18,7% tổng dân số Thượng Hải, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 14,9%. Người Thượng Hải cũng có tuổi thọ cao hơn trung bình toàn quốc, tương đương khoảng 83 năm - cao ngang những nước đứng đầu thế giới như Na Uy và Thụy Sĩ.

Ngoài ra, Thượng Hải đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát dân số vào năm 2021, cho phép mọi người có 3 con, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích như kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Tuy nhiên, khoảng 60% người dân sống ở thành phố chỉ muốn có một hoặc không có con.

Giáo sư Peng Xizhe - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số và Phát triển tại Đại học Fudan - nhận định sự sụt giảm dân số vào năm ngoái chủ yếu do người lao động trong các lĩnh vực dịch vụ dịch chuyển khi Trung Quốc áp dụng kiểm soát dịch quy mô lớn. Ông cho rằng họ đang dần trở lại.

Tuy nhiên, ông cảnh báo xu hướng này sẽ tiếp diễn khi người trẻ có nhiều lựa chọn hơn. “Các siêu đô thị luôn hấp dẫn giới trẻ, nhưng giờ họ có nhiều lựa chọn hơn. Các thành phố mới nổi ở miền Trung và miền Tây không tệ, và chi phí sinh hoạt thấp hơn”, vị giáo sư nói.

Trong khi đó, giáo sư Zheng Bingwen - đến từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vẫn còn tụt hậu so với tốc độ già hóa, ngay cả ở các siêu đô thị - nơi có nhiều nguồn lực nhất.

“Khi quy mô gia đình nhỏ hơn và ngày càng có nhiều người già sống xa con cái, cần cải thiện các cơ sở và dịch vụ công cộng”, ông nói.

Theo Zing News

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...