Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở vùng cao Sơn La vẫn còn ở mức cao

Thứ Sáu, 24/02/2023 09:16 AM (GMT+7)

Vân Hồ là một trong những địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao tại tỉnh Sơn La. Trước thực tế trên, địa phương triển khai nhiều giải pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều khó khăn do nhận thức còn hạn chế của người dân.

Vân Hồ là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp. Phong tục, tập quán còn nhiều hạn chế như quan niệm các gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng cha mẹ khiến cho Vân Hồ trở thành nơi có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao tại tỉnh Sơn La với 117 bé trai/100 bé gái.

Trước thực tế trên, hàng năm, Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các chỉ tiêu và giải pháp khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; chỉ đạo trạm y tế các xã phối hợp với tổ chức đoàn thể xã, các bản, tiểu khu triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2020-2025). Đồng thời, tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở; tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong các trường học bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

vlcsnap-2023-02-09-14h29m40s407

Các cán bộ y tế tuyên truyền, vận động bà con không lựa chọn giới tính khi sinh.

Là một trong những xã của huyện Vân Hồ còn tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, cán bộ y tế xã Lóng Luông nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con không lựa chọn giới tính khi sinh, thay đổi phong tục, tập quán. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân chưa có nhiều thay đổi.

Gia đình chị Giàng Y Chi (ở xã Lóng Luông) đã có 2 con gái hơn 5 tuổi. Dù nhận thức được rằng sinh con nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và vất vả hơn trong việc chăm lo cho con cái nhưng vợ chồng chị vẫn nuôi hy vọng thời gian tới sẽ có con trai do phong tục của người Mông bao đời nay. Chị Giàng Y Chi cho hay, năm nay chị 23 tuổi. Chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, dự kiến năm 2025, hai vợ chồng sẽ sinh một bé trai. Theo phong tục, quan niệm của người Mông, nếu chỉ có con gái tương lai của vợ chồng chị không có ai thờ cúng. Vì vậy, vợ chồng chị bắt buộc phải có con trai.

Anh Giàng A Tánh - Xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chia sẻ: Chắc phải đẻ thêm một đứa con trai, để đứa này tầm khoảng 2-3 năm mới đẻ thêm. Người Mông mình thì không có con trai cũng vất vả, toàn sinh con gái cũng vất vả cho gia đình.

Ông Tếnh A Kháng, cán bộ chuyên trách dân số, Trạm Y tế xã Lóng Luông cho biết, Trạm Y tế đã có công văn, kế hoạch tuyên truyền xuống các bản, lồng ghép vào cuộc họp, tổng kết của Ban quản lý bản để nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. 

Sơn La hiện đang là một trong những tỉnh có tỷ số giới tính chênh lệch cao trong cả nước. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Qua đó để lại nhiều hậu quả về mặt nhân khẩu học và thay đổi trong hôn nhân và gia đình. Vì vậy, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn để tạo sự cân bằng tỉ lệ giới tính khi sinh.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...