Trước khi mang thai, các cặp vợ chồng cần được tư vấn những gì?

Thứ Ba, 10/03/2020 03:17 PM (GMT+7)

Chuẩn bị trước khi mang thai là việc làm cần thiết để con sinh ra được phát triển toàn diện. Các cặp vợ chồng cần chuẩn bị về mọi mặt từ vật chất cho đến tinh thần và đặc biệt là sức khỏe.

truoc-mang-thai

Khám sàng lọc trước khi mang thai

Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng

Mục đích nhằm xác định các yếu tố di truyền do đột biến nhiễm sắc thể hoặc đột biến đơn gen, di truyền đa yếu tố có thể gây sảy thai, thai chết lưu và các dị tật bẩm sinh; đặc biệt lưu ý ở các cặp vợ chồng lớn tuổi hoặc quá trẻ tuổi, thừa cân béo phì, những người tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại, nhiễm chất độc da cam, sử dụng dược phẩm với các thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc chống sốt rét...; người mẹ bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng...

Xem xét tình trạng không tương hợp miễn dịch giữa mẹ và con như yếu tố Rh, nhóm máu ABO... Nếu có vấn đề bất thường thì nên chuyển người phụ nữ đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và xử trí can thiệp phù hợp.

 Khám sức khỏe tổng quát

Khám sức khỏe tổng quát để phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn nhằm điều trị bệnh kịp thời (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, viêm gan, viêm thận, lao, động kinh, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục..... ngoài ra phụ nữ còn được tẩy giun, tiêm vacxin phòng bệnh lây nhiễm nguy hiểm trong thai kỳ như: uốn ván, tiêm phòng cúm, rubella cho phụ nữ trước khi có thai ít nhất 3 tháng.

Tư vấn tiêm phòng trước khi mang bầu

Trong thời gian thai kỳ thì việc dùng các loại thuốc Tây y để điều trị các bệnh về cảm cúm, sốt, ho... là hoàn toàn không nên vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi trong bụng.

Tuy nhiên trong quá trình mang thai các bà mẹ sẽ khó tránh khỏi các bệnh như cúm, thủy đậu, rubella,... Do đó để hạn chế mức thấp nhất khả năng bị các bệnh này thì trước 3 tháng chuẩn bị trước khi mang thai nên thực hiện tư vấn sức khỏe trước khi mang bầu, hãy đến các cơ sở tiêm phòng để nhận được sự tư vấn cụ thể về loại vắc xin nên tiêm và tiến hành tiêm vắc xin để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh trước và trong thai kỳ.

Tư vấn về sản khoa, thai sản

Tư vấn cho người phụ nữ chuẩn bị có con những yếu tố đặc biệt có liên quan tới các tai biến sản khoa với nguy cơ tái phát. Những tai biến sản khoa cần tư vấn sức khỏe trước khi mang bầu như trong các trường hợp sảy thai liên tiếp, thai chết lưu, đẻ non, băng huyết, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ...; nhiễm bệnh cúm và rubella, việc sử dụng thuốc trong quá khứ, thói quen hàng ngày, nghề nghiệp, môi trường sống và làm việc, bệnh của người thân trong gia đình như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch...;

Các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt các trường hợp nhiễm chlamydia, toxoplasma, lậu, giang mai, Herpes sinh dục, cytomegalovirus (CMV), human papillomavirus (HPV), human immunodeficiency virus (HIV), viêm gan B - hepatitis B virus (HBV).

Tư vấn sức khỏe trước khi mang bầu

Việc tư vấn sức khỏe trước khi mang bầu giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh để có một cơ thể khỏe mạnh sẵn sàng cho thai kỳ.

Ngoài ra thì với những bệnh đặc biệt như cao huyết áp, tiểu đường,... thì cũng cần phải được bác sĩ tư vấn chuẩn bị trước khi mang thai, liệu có nên dừng các loại thuốc đang dùng và thay đổi phác đồ điều trị khác. Nhờ bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên về các loại thuốc mà bạn đang dùng, và các căn bệnh mang tính di truyền của họ hàng nội ngoại hai bên.

Vấn đề dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất cho sức khỏe người phụ nữ và sự phát triển của bào thai. Những người phụ nữ thiếu dinh dưỡng có nguy cơ sinh ra những đứa con nhẹ cân và người mẹ sẽ không an toàn trong khi mang thai và trong khi sinh đẻ.

Vận động người phụ nữ uống bổ sung chất sắt và axit folic dự phòng thiếu máu; nên dùng axit folic trước khi có thai ít nhất 3 tháng có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh của thai nhi.

Tuyên truyền, vận động người phụ nữ sử dụng muối iod trong các bữa ăn hàng ngày.

Giải thích cho người phụ nữ chuẩn bị có con hiểu được việc cần thiết phải tẩy giun đường ruột cứ mỗi 6 tháng đến 1 năm 1 lần

Thực hiện vệ sinh cá nhân với rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường nhằm giảm khả năng tái nhiễm giun đường ruột trở lại.

Giáo dục sức khỏe về tình dục an toàn và áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV. Với người phụ nữ nhiễm HIV muốn có thai, họ cần phải được tư vấn sức khỏe trước khi mang bầu tại cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS để chọn thời điểm có thai hợp lý nhằm hạn chế tối đa sự lây truyền HIV cho con.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Phân biệt Double test và Triplet test trong sàng lọc trước sinh

Double test và Triple test là hai loại xét nghiệm rất quan trọng cần thực hiện trong quá trình mang thai để sàng lọc...

Sàng lọc sơ sinh - chìa khóa vàng cho con một khởi đầu trọn vẹn

Dị tật bẩm sinh đang là nguyên nhân khiến hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong (chiếm tỷ lệ 11%), khoảng 40.039 trẻ may...

Xét nghiệm sàng lọc sau sinh: có cần thiết hay không?

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, xét nghiệm sàng lọc sau sinh là vô cùng...