Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số

Thứ Năm, 30/11/2023 10:22 AM (GMT+7)

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Đoàn ĐBQH TP HCM - đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là vấn đề mới được cho là phù hợp xu thế thời đại.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra với khoảng 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Các dị tật phổ biến như: Down, hội chứng Ewards (rối loạn di truyền hiếm gặp ở thai nhi), dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (xanh xao, mệt mỏi), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Hàng chục ngàn trẻ may mắn sống sót sau giai đoạn sơ sinh nhưng phải chịu ảnh hưởng suốt đời. Đây không chỉ là nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-la-can-thiet-trong-16371999635361327905319

Theo các chuyên gia, ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc bắt buộc. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều cặp đôi trong độ tuổi kết hôn, sinh sản chưa coi trọng vấn đề này. Nhiều bạn trẻ chưa có thông tin, kiến thức đầy đủ về việc khám tiền hôn nhân, trong đó vì sợ nếu không may bản thân hoặc bạn mình có bệnh lý gì thì lại ảnh hưởng đến tình cảm... Số khác thì nghĩ mình không có vấn đề gì do sức khỏe bình thường, không có ốm đau, bệnh tật. Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân lại càng gặp nhiều khó khăn dẫn tới sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều rất cần thiết. Hiện nước ta có khoảng 1,5 triệu người đăng ký kết hôn hằng năm. Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm phát hiện có hay không những căn bệnh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cặp đôi. GS Cử cho rằng để đưa việc này thành quy định bắt buộc thì cần cân nhắc thêm vì hệ thống y tế hiện nay luôn quá tải. Nếu triển khai thêm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cho khoảng 1,5 triệu người hằng năm sẽ càng làm hệ thống này nặng nề thêm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hôn nhân không đăng ký vẫn còn cao, đặc biệt là ở miền núi. Nếu thêm thủ tục hành chính là chứng nhận đã kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân có khả năng tăng thêm sự phức tạp trong quản lý xã hội.

Các bác sĩ cho biết việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm cũng như tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai thế hệ mai sau. Đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về việc khám tiền hôn nhân.

Tuy vậy, điều đáng mừng là đại bộ phận những người kết hôn hiện nay và trong tương lai sinh ra trong thế kỷ XXI có trình độ học vấn khá cao, dễ tiếp thu cái mới. Vì vậy, thay vì sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc nên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường cũng như ngoài xã hội để người dân hiểu được khám sức khỏe trước hôn nhân là bảo vệ chính mình và những đứa con của mình. Đưa quy định này vào quy ước cộng đồng để người dân thực hiện và nếu thực hiện, giai đoạn đầu có thể miễn phí cho người khám sức khỏe trước kết hôn.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...