Ưu điểm, nhược điểm của miếng dán tránh thai

Thứ Tư, 09/09/2020 10:13 AM (GMT+7)

Tuy không phải là phương pháp tránh thai phổ biến nhưng vì tính tiện dụng nên cũng có không ít chị em sử dụng miếng dán để tránh thai. Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng khoảng 4,5cm, màu be được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay.

mieng-dan-tranh-thai

Miếng dán tránh thai là gì ?

Là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng mỏng khoảng 4,5cm2, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán có khả năng giải phóng estrogen và progestin, các loại hormone tương tự với hormone do cơ thể sinh ra để ngăn ngừa quá trình rụng trứng.

Miếng dán tránh thai còn giúp làm đặc chất nhầy cổ tử cung, gây khó khăn cho sự tiếp xúc giữa trứng và tinh trùng. Miếng dán tránh thai nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho hiệu quả cao, tỷ lệ tránh thai lên tới 95%. Nếu muốn có thai trở lại, chỉ cần ngưng sử dụng miếng dán và trứng sẽ rụng trở lại sau khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt.

Có nên sử dụng miếng dán sau khi sinh?

Sau thời kỳ sinh nở, mẹ có thể có thai lại ngay, do đó nghĩ đến một phương pháp tránh thai an toàn cho thời kỳ này là việc nên làm.

Nhiều người lo lắng, sau khi sinh con, bị sẩy thai hay phá thai, sử dụng miếng dán có ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này hoàn toàn không có căn cứ. Bởi kể cả khi mẹ vừa phá thai, sảy thai hay sinh con sau ba tuần bạn vẫn có thể sử dụng miếng dán tránh thai an toàn.

Tuy nhiên, nếu cho con bú, bạn nên chờ một thời gian sau sáu tuần để bắt đầu, vì trong sáu tuần đầu tiên khi cho con bú, miếng dán có thể làm giảm số lượng và chất lượng sữa mẹ. Ngoài ra, sữa sẽ chứa kích thích tố của miếng dán, dù chất này ít có khả năng ảnh hưởng đến con bạn, nhưng để yên tâm bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những phương pháp ngừa thai phù hợp với bạn sau khi sinh.

Sử dụng miếng dán tránh thai như thế nào?

Dùng miếng dán tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Một ngày sau hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4 không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo bạn lặp lại quy trình.

Lần đầu tiên dùng miếng dán bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng lúc, không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác.

Chị em hoàn toàn có thể tắm, tập luyện và bơi trong khi dán miếng dán. Không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da, vì có thể làm cho miếng dán dễ rơi. Không dùng băng dính để giữ miếng dán, và không cắt hoặc sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào. Làm như vậy có thể thay đổi lượng hormon phân phối vào cơ thể.

Một ưu điểm nữa là rất hiếm khi miếng dán có thể bị bong và rơi ra. Điều này thường xảy ra do miếng dán được dán không đúng. Nếu miếng dán tránh thai được dán lại trong 24 giờ, hiệu quả tránh thai của miếng dán vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, nếu đã quá 24 giờ, nên dùng thêm một biện pháp tránh thai khác cho đến khi miếng dán đã ở nguyên chỗ trong 7 ngày.

Ưu điểm, nhược điểm của miếng dán tránh thai

Ưu điểm

Có thể giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá và làm giảm hiện tượng đau nửa đầu kinh nguyệt.

Hiệu quả cao, sử dụng dễ dàng, đơn giản

Có thể hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng cho phụ nữ tiền mãn kinh

Nhược điểm

Có thể dẫn tới một số rủi ro hiếm gặp sau: gây cục máu đông ở chân, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, sỏi túi mật và u gan. Nguy cơ này cao hơn ở một số trường hợp, như phụ nữ trên 35 tuổi, người có hút thuốc lá. Do vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro có thể gặp phải trước khi thực hiện

Có thể gây buồn nôn, đau đầu, ngứa da hoặc nổi ban đỏ trên bề mặt da chỗ dán miếng dán.

Các trường hợp chống chỉ định của miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai tuy tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các rủi ro hiếm gặp như thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim,...Do đó trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, cần khám và tư vấn ở các cơ sở y tế uy tín để biết mình có thuộc nhóm đối tượng bị chống chỉ định hay không.

Các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối

Có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau khi sinh

Có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đối tượng từ 35 tuổi trở lên, hút thuốc lá thường xuyên, bị tăng huyết áp, đái tháo đường

Đã và đang mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch, bệnh lý van tim,...

Đang bị suy gan, xơ gan, u gan

Các trường hợp chống chỉ định tương đối

Sử dụng một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramate, oxcarbazepine, thuốc kháng virus, kháng sinh rifampicin...

Phụ nữ đang cho con bú sau khi sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc phụ nữ không cho con bú trong vòng 4 tuần sau khi sinh

Đã từng bị ung thư vú và không tái phát trong vòng 5 năm

Bị rối loạn lipid máu

Những lưu ý khi sử dụng miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai không thể ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục, do đó vẫn phải sử dụng thêm bao cao su để phòng ngừa các bệnh này.

Lần đầu tiên dùng miếng dán tránh thai phải dùng thêm một biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong 7 ngày để ngừa thai hiệu quả.

Nếu bắt đầu sử dụng miếng dán tránh thai vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì không cần sử dụng biện pháp tránh thai nào khác; nhưng nếu bắt đầu dán miếng dán tránh thai sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì cần áp dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ không phải là biện pháp nội tiết trong vòng 7 ngày liên tiếp.

Trường hợp cần tránh thai sau khi sinh, nếu không cho con bú thì có thể bắt đầu tránh thai bằng miếng dán tránh thai sớm nhất là 4 tuần sau khi sinh.

Không sử dụng đồng thời cả miếng dán tránh thai và thuốc uống tránh thai.

Nếu bị rong huyết khi đang sử dụng miếng dán tránh thai, vẫn nên tiếp tục sử dụng vì hiện tượng rong huyết do miếng dán tránh thai thường mất đi sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Còn nếu rong huyết kéo dài thì nên đi khám để xem xét các nguyên nhân khác.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....