Vân Hồ (Sơn La): Cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Thứ Hai, 21/08/2023 09:59 AM (GMT+7)

Khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Vân Hồ (Sơn La) không còn tình trạng hôn nhân cận huyết, nhưng nạn tảo hôn vẫn xảy ra phổ biến.

Năm 2022, số vụ tảo hôn ở Vân Hồ tăng 6,25% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, số vụ tảo hôn cũng đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê, cứ 4 cặp kết hôn lại có 1 cặp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn đối với nam là 15-16, nữ 12-14 tuổi, chủ yếu tập trung ở hai nhóm người Mông là Mông Hoa (Mông Lềnh) và Mông Trắng (Mông Đơư).

Ông Sồng A Phư, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ cho biết, tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Vân Hồ cũng tăng cao, nguyên nhân do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, vẫn còn quan niệm “trọng nam khinh nữ” nên bằng mọi cách phải đẻ được con trai. 

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, hơn 90% học sinh bỏ học do tảo hôn là các em gái. Năm học 2020-2021, huyện Vân Hồ có 11 em thôi học vì tảo hôn. Năm học 2021-2022, con số này giảm xuống còn 4 em. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, số học sinh bỏ học do tảo hôn đã tăng gấp 3 lần so với năm học trước, trong đó, có đến 7 em chưa tốt nghiệp THCS.

Theo ông Đỗ Công Bình - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, công tác giáo dục-đào tạo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cả một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn, vất vả. Việc bỏ học vì tảo hôn hay vì bất kỳ lý do gì khác cũng đều khiến trẻ thiệt thòi về cơ hội học tập, định hướng cho tương lai, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Thanh, thiếu niên đại diện cho 14 xã ở huyện Vân Hồ tham gia giao lưu, đề xuất sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn.

Thanh, thiếu niên đại diện cho 14 xã ở huyện Vân Hồ tham gia giao lưu, đề xuất sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Tuy nhiên, khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp khi đồng bào nâng cao nhận thức về mọi mặt, tích cực học tập, lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thường xuyên bám, nắm cơ sở, bám sát thực tiễn để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn.

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...