Vì sao phụ nữ cần xét nghiệm máu khi mang thai?

Thứ Ba, 18/08/2020 03:04 PM (GMT+7)

Bà bầu cần làm xét nghiệm máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là thời gian lý tưởng, tuy nhiên, nếu vì lý do gì đó mà mẹ bầu chưa làm xét nghiệm máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì cần tư vấn bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.

xet-nghiem-mau

Các xét nghiệm khi mang thai cần thiết

Theo ThS.BS Sao Hiêng – bác sĩ Khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh cho biết: “Xét nghiệm máu khi mang thai để đánh giá tình trạng sức khỏe mẹ bầu và thai nhi, đồng thời dự đoán các nguy cơ cho thai kỳ và trong cuộc sinh. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm máu và kết quả thăm khám nói chung, bác sĩ sản khoa sẽ có hướng can thiệp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra”.

Thông thường sauh  khi nhận biết các dấu hiệu có thai, bà bầu cần làm những xét nghiệm như kiểm tra nhóm máu, yếu tố Rh, huyết đồ, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho thai nhi. Trong đó:

Nhóm máu: Xác định nhóm máu (O/ A/ B/ AB) của thai phụ để đề phòng phải truyền máu trong thai kỳ và trong cuộc sinh. Ví dụ điển hình là khi bạn bị chảy máu nhiều (xuất huyết) khi mang thai hoặc sinh.

Yếu tố Rh: Nếu nhóm máu người mẹ có yếu tố Rh-, trong khi người cha là Rh+ thì thai nhi có thể mang yếu tố Rh+, dẫn đến hệ quả là cơ thể người mẹ sản xuất những chất kháng thể, phá hủy hồng cầu ở thai nhi. Trường hợp này bác sĩ sẽ tiêm Globulin miễn dịch Rh vào cơ thể mẹ nhằm ngăn chặn nguy hiểm cho thai nhi.

Huyết đồ: Đánh giá hàm lượng sắt trong cơ thể có bị thiếu dẫn đến thiếu máu hay không. Nếu có, mẹ bầu sẽ được chỉ định bổ sung sắt. Ngoài ra, xét nghiệm máu khi mang thai còn phát hiện các bệnh rối loạn tế bào máu (bệnh tế bào hình liềm hoặc thalassaemia) – gây thiếu máu cho cả bà bầu và thai nhi.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho thai nhi: Kiểm tra mẹ có bị nhiễm virus Rubella, Cytomegalo, viêm gan B, HIV, xoắn khuẩn gây bệnh giang mai… hay không. Từ đó đánh giá mức độ rủi ro cho thai kỳ, đưa ra giải pháp phòng ngừa/ hạn chế tổn thương cho bé khi sinh ra.

Xét nghiệm Double test là xét nghiệm được chỉ định ở tất cả các thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13) của thai kỳ. Đặc biệt là bắt buộc làm đối với những thai phụ có tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh, thai phụ trên 35 tuổi, đang sử dụng thuốc hoặc các hóa chất có thể gây hại cho thai, bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin, bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai, có tiếp xúc với phóng xạ liều cao. Xét nghiệm Double test được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của sản phụ để đánh giá nồng độ freeBeta hCG và PAPP-A  (pregnancy asscociated plasma protein-A). Xét nghiệm này cho phép phát hiện khoảng 95% thai kỳ mắc hội chứng Down.

Xét nghiệm Triple test: còn gọi là xét nghiệm bộ ba là loại xét nghiệm tầm soát sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai. Có ba chất được sử dụng trong xét nghiệm này là AFP, hCG và Estriol.

Xét nghiệm máu tiểu đường thai kỳ: Xét nghiệm máu cho bệnh tiểu đường thai kỳ thường được thực hiện ở tuần 24-28 của thai kỳ. Nếu phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm sớm hơn. Xét nghiệm thường liên quan đến việc dung nạp glucose (GTT), vì vậy trước khi xét nghiệm cần phải nhịn ăn (không ăn hoặc uống) qua đêm. Nếu có lượng đường trong máu cao trong xét nghiệm dung nạp glucose, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, điều đó có nghĩa là bạn có  thai kỳ có nguy cơ cao và cần được chăm sóc và quản lý đặc biệt. Nếu bệnh tiểu đường không được quản lý cẩn thận, bệnh có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho thai phụ và em bé. Vì vậy cần đến các bác sĩ chuyên khoa sản giúp đỡ trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường trong thai kỳ.

Khi nào cần xét nghiệm máu?

Bà bầu cần làm xét nghiệm máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là thời gian lý tưởng, tuy nhiên, nếu vì lý do gì đó mà mẹ bầu chưa làm xét nghiệm máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì cần tư vấn bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....