Vô sinh thứ phát ngày càng phổ biến ở Việt Nam

Thứ Năm, 28/07/2022 10:09 AM (GMT+7)

Theo ước tính, tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng Việt Nam hiện nay ngày càng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) lên tới hơn 50%.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội công bố năm 2019, tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ khoảng 7,7%. Trong đó, vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. 

1. Vô sinh thứ phát là gì?

Vô sinh là tình trạng cặp vợ chồng không mang thai sau 12 tháng chung sống, giao hợp bình thường và không sử dụng các biện pháp tránh thai nào. Vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng đã từng sinh con (hoặc mang thai, kể cả những lần thai bị sẩy). Thông thường, tâm lý chung của các cặp vợ chồng khá chủ quan trong vấn đề này vì nghĩ đã sinh con rồi nên mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực tế, rất nhiều trường hợp cặp đôi cảm thấy khá bất ngờ và lúng túng khi phát hiện mình bị vô sinh thứ phát.

Có khoảng 40% trường hợp vô sinh có nguyên nhân do nam giới, 40% có nguyên nhân do nữ giới, 10% là do cả hai bên và 10% còn lại vô sinh không rõ nguyên nhân. Tại Việt Nam tỷ lệ vô sinh thứ phát đang ở con số đáng báo động so với các nước trong khu vực và thế giới.

Empty

Vô sinh thứ phát ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tình cảm của các cặp vợ chồng.

Vô sinh thứ phát không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Thêm vào đó, tình trạng còn chi phối đến tinh thần, tình cảm của các cặp vợ chồng. Thậm chí nhiều cặp vợ chồng đã rơi vào tình trạng nghi kỵ lẫn nhau khi không thể mang thai đứa bé thứ hai.

Vì vậy tìm ra được nguyên nhân gây vô sinh thứ phát để có được hướng điều trị kịp thời nhờ đó các cặp vợ chồng có thể sinh con là niềm mong mỏi của nhiều người.

2. Nguyên nhân vô sinh thứ phát

Vô sinh thứ phát xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau ở cả nam và nữ:

Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở phụ nữ: Vô sinh thứ phát ở nữ thường do các nguyên nhân dưới đây:

- Viêm nhiễm bộ bận sinh dục không được điều trị tích cực: viêm buồng trứng, viêm dính niêm mạc tử cung sau những lần can thiệp hút điều hòa kinh nguyệt hay nạo hút bỏ thai, viêm - dính vòi trứng đa phần là do chlamydia, lậu cầu… 

- Dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ.

- Dự trữ buồng trứng suy giảm sau lần sinh con đầu tiên.

- Mắc một số bệnh lý: U xơ tử cung; viêm vùng chậu, ung thư, buồng trứng đa nang,…

- Tuổi tác của phụ nữ: Độ tuổi càng cao khả năng sinh sản của của nữ giới lại càng giảm. Do số lượng và chất lượng trứng giảm dần.

- Các biến chứng liên quan tới lần mang thai trước, hoặc biến chứng liên quan tới phẫu thuật trước đây.

Nguyên nhân gây ra vô sinh thứ phát ở nam giới: Nam giới cũng có thể bị vô sinh thứ phát và tỷ lệ này có thấp hơn đôi chút so với nữ giới. Nguyên nhân phải kể đến là:

- Môi trường làm việc nhiệt độ cao ảnh hưởng lớn tới chất lượng tinh trùng

- Mắc bệnh lý cơ quan sinh dục: Chấn thương bộ phận sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm teo tinh hoàn, rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược dòng...

Empty

Bác sĩ tư vấn cho cặp vợ chồng vô sinh thứ phát. 

Ngoài ra, cả nam và nữ đều có nguy cơ vô sinh thứ phát do cân nặng, tuổi tác.  Đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá và rượu trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản ở nam và nữ.

3. Các phương pháp điều trị đối với vô sinh thứ phát

Trong trường hợp vợ chồng bạn sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thụ thai thì nên 2 bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa (nếu người vợ đã trên 35 tuổi thì nên đi khám sau 6 tháng). Các trường hợp có bệnh lý nền ảnh hưởng tới khả năng sinh sản (như lạc nội mạc tử cung) nên đi khám sớm hơn.

Khi tìm được nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát, các bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị khác nhau. Phần lớn vô sinh thứ phát có thể khắc phục được tùy theo mức độ nặng nhẹ:

- Điều trị nội khoa bằng thuốc: Các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị tùy theo tình trạng và mức độ bệnh, đồng thời đưa ra các chế độ về ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý giúp việc thụ thai diễn ra dễ dàng hơn;

- Phẫu thuật: với trường hợp biến dạng, thay đổi cấu trúc cơ quan sinh sản giúp điều chỉnh và đưa mọi thứ về trạng thái bình thường;

- Các biện pháp hỗ trợ sinh sản: hiện nay có rất nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản để giúp đỡ các cặp vợ chồng vô sinh thứ phát, như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), kích thích buồng trứng (kèm không kèm theo bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc thụ tinh ống nghiệm (IVF). Mỗi biện pháp có ưu nhược điểm khác nhau và tỉ lệ thành công khác nhau, lựa chọn phương pháp nào cần đánh giá từng trường hợp cụ thể cũng như phụ thuộc vào quyết định của từng cặp vợ chồng.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....