Báo động tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao Top 3 thế giới

Thứ Ba, 17/11/2020 02:19 PM (GMT+7)

Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua 'tỷ số giới tính khi sinh', và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết như vậy tại buổi họp báo sáng nay 17/11.

Suckhoedoisong.vn - Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua “tỷ số giới tính khi sinh”, và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết như vậy tại buổi họp báo sáng nay 17/11.

Theo UNFPA, tình trạng này được phát hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng.

Đến năm 2019, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái.

Các bằng chứng cho thấy nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái.

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức là 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái. Thực trạng này cần phải được thay đổi, đó cũng là một trong những thông điệp chính của buổi hòa nhạc "Là con gái để tỏa sáng" sắp tới.

Đây là sự kiện nhân tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống Bạo lực đối với phụ nữ và Trẻ em gái do UNFPA phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức từ 20h00 đến 22h00 ngày 27/11/2020 (Thứ Sáu) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sáng kiến này giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA nhằm cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trả lời báo chí.

Buổi hòa nhạc sẽ có sự góp mặt của những nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ xuất sắc và đầy triển vọng, hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai, và kết nối những người có hoàn cảnh văn hóa - xã hội khác nhau đến từ nhiều vùng, miền khác nhau ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỉ vừa qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới - những  hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái - vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.

Số liệu từ cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 mà UNFPA hỗ trợ đã chỉ ra rằng: Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.

Thế nhưng bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục được hỏi đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà; và gia đình - mái ấm để yêu thương, hạnh phúc và bình yên của mỗi người, đã không còn an toàn cho những người phụ nữ và cả con, cháu họ.

Cần thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững đặt ra cho chúng ta 17 mục tiêu phát triển, nhưng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 là đặc biệt quan trọng nhằm “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng nhân đạo. Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra cam kết không bỏ ai lại phía sau. Điều này có nghĩa là trong nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một ưu tiên. Thế giới và cả Việt Nam cần đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải thay đổi, và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh, bởi “Là con gái để tỏa sáng”.

D.Hải

 
 
Thế Thành

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...